Giáo viên: Xác định được kiến thức trọng tâm cần đạt trong mỗi tiết dạy
Cô Quách Thị Luyến chia sẻ: Là giáo viên trực tiếp giảng dạy Sinh học, một môn nằm trong bài thi khoa học tự nhiên kỳ thi THPT quốc gia 2017, khi nghiên cứu đề thi minh họa 2017, tôi thấy khối lượng kiến thức trong đề thi nhẹ hơn nhiều so với các năm trước.
Kiến thức cực khó không có, chỉ có khoảng 10% kiến thức ở mức vận dụng cao để phân loại học sinh, 40% ở mức độ nhận biết, còn lại 50% ở mức thông hiểu và vận dụng.
Bài thi ra theo hướng đánh giá năng lực và phẩm chất của người học, chính vì vậy trong cách dạy, bản thân tôi cũng phải thay đổi rất nhiều so với các năm trước.
"Giáo viên luôn phải nghiên cứu, tìm tòi để có phương pháp dạy và kĩ thuật dạy học phù hợp với nội dung bài học; đồng thời, tổ chức hoạt động học phù hợp với đối tượng học sinh nhằm đánh giá được năng lực và phẩm chất người học".
Ví dụ, khi dạy Sinh học 11, mỗi bài học trên lớp, tôi đều phải xác định được kiến thức trọng tâm cần đạt được trong tiết đó là gì; sau đó căn cứ vào đối tượng học sinh để xây dựng hoạt động học cho học sinh.
Với lớp có nhiều học sinh khá giỏi, tiết dạy cần đưa ra tình huống có vấn đề trong thực tiễn, yêu cầu học sinh nghiên cứu, tìm tòi, thảo luận nhóm và tự mình rút ra kiến thức liên quan đến bài học trong một khoảng thời gian nhất định.
Các tiết thực hành, cô Quách Thị Luyến cho biết hầu như đều sử dụng phương pháp bàn tay nặn bột để học sinh tự mình rút ra kiến thức. Sau đó, học sinh báo cáo kết quả nghiên cứu của mình trước lớp; học sinh trong lớp trao đổi với nhau; sau đó giáo viên mới nhận xét và rút ra kết luận về nội dung kiến thức cần đạt được.
Để đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh, việc ra đề kiểm tra đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đưa ra nhận định này, cô Quách Thị Luyến chia sẻ kinh nghiệm: Trước khi bước vào biên soạn đề, cần xây dựng ma trận theo cấu trúc của đề thi quốc gia, sau đó ra theo từng gói câu hỏi từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao.
Theo cô Luyến, cùng với sự thay đổi cách dạy, học sinh buộc thay đổi cách học của mình đối với bộ môn. Đó là học sinh phải biết tự mình nghiên cứu, có khả năng hợp tác trong nhóm, biết cách trình bày một vấn đề được nghiên cứu theo quan điểm của mình hoặc của nhóm mình trước tập thể để rút ra kiến thức.
Học sinh cần rèn khả năng tự học
Với sự thay đổi cách dạy và cách học trên đối với môn Sinh học, để đạt kết quả cao nhất trong kì thi THPT quốc gia năm 2017, cô Luyến nhấn mạnh học sinh cần có khả năng tự học, tự nghiên cứu.
Theo đó, các em nên tự mình nghiên cứu, tìm tòi, tích cực hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề được đặt ra trong nội dung bài học; từ đó rút ra kiến thức theo định hướng của giáo viên để đạt được những năng lực và phẩm chất cần thiết; đặc biệt cần có được những năng lực chuyên biệt của môn học.
“Bên cạnh đó, việc nắm vững tất cả kiến thức trong sách giáo khoa và sách bài tập Sinh học; nắm vững và thấu hiểu kiến thức theo định hướng của giáo viên, phần kiến thức chưa nắm được cần trao đổi với bạn bè, thầy cô hoặc tìm hiểu qua các kênh thông tin khác (qua mạng, sách tham khảo…); lưu ý rèn cho mình kĩ năng làm bài thi là không thể thiếu” - cô Quách Thị Luyến cho hay.