Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền - giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu: Việc ra đề kiểm tra cần theo các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao; bám sát nội dung kiến thức sách giáo khoa.
Đối với môn Lịch sử, nên hạn chế cho thời gian, tên nhân vật, địa danh, những con số nhỏ nhặt không cần thiết. Ngoài đáp án đúng, các đáp án còn lại phải gần đúng, không có đáp án hoàn toàn sai.
Thầy Phạm văn Toàn Em – giáo viên môn Hóa học Trường THPT chuyên Bến Tre: Các thầy cô nên tham khảo đề thi của Bộ GD&ĐT để học cách đặt câu hỏi, cách làm đáp án trong mỗi đề thi. Cố gắng cho thật nhiều đề trong mỗi lần kiểm tra nhưng lưu ý mức độ khó là tương đương nhau.
Đề kiểm tra cần đa dạng các câu hỏi (hình ảnh, đồ thị, số phát biểu đúng, sai,..). Giáo viên nên lập nên một ma trận đề để đánh giá đúng năng lực học sinh. Sắp xếp các câu hỏi theo bốn cấp độ khác nhau (hiểu, biết, vận dụng thấp, vận dụng cao theo thang điểm: 3,0 điểm - 3,0 điểm - 2,0 điểm - 2,0 điểm).
Khi soạn đề trắc nghiệm, giáo viên nên soạn ba phương án sai đủ yêu cầu về độ nhiễu đối với câu hỏi, từ đó mới hình thành được hệ thống câu hỏi có chất lượng để rèn luyện học sinh.
Thầy Nguyễn Nhật Trường – giáo viên môn Vật lý Trường THPT Lê Hoài Đôn: Bộ GD&ĐT đã ban hành đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2017, giáo viên soạn đề kiểm tra theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Đề sử dụng các ngôn ngữ bộ môn theo sách giáo khoa. Câu dẫn phải rõ ràng, đặc biệt là các câu hỏi theo hình thức “phủ định”.
Thầy Nguyễn Văn Định – giáo viên môn Sinh học Trường THPT Tán Kế: Khi soạn đề kiểm tra, giáo viên cần dựa vào tỉ lệ các mức độ nhận thức của đề minh họa cho phù hợp. Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi với giáo viên trường khác để học hỏi, rút kinh nghiệm. Nắm số liệu điểm số cuả học sinh để nhận biết sự tiến bộ của các em và điều chỉnh các tiết dạy, ôn tập.
Cô Huỳnh Thị Yến Tuyết – giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Ngô Văn Cấn: Kinh nghiệm của bản thân trong biên soạn đề kiểm tra trắc nghiệm cho học sinh là: Khi ra câu hỏi trắc nghiệm, chúng ta nên phân biệt giữa 4 cấp độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao) để ra đề rõ ràng, chính xác hơn.
Nội dung câu hỏi phải rõ ràng, cô động, dễ hiểu; câu hỏi nhận biết, thông hiểu ngắn gọn, câu hỏi vận dụng cao phải cụ thể (ví dụ tình huống), có không gian, thời gian rõ ràng.
Thầy Nguyễn Văn Hội – giáo viên môn Toán Trường THPT Ca Văn Thỉnh: Độ nhiễu trong trả lời phải đều nhau, ngắn gọn đủ hiểu; độ dài ngắn của câu trả lời gần nhau, không để câu nhiễu sai lộ liễu. Câu hỏi dạng liên hệ cách xử lí, xử sự của bản thân phải gần gũi với cuộc sống.
Đề phải nêu bật được yêu cầu của câu hỏi tránh những câu hỏi gây hiểu nhầm cho học sinh. Cần chú trọng phương án nhiễu trong câu hỏi để có cách biên soạn đề cũng như cách dạy cho học sinh tránh được các sai lầm trong kiểm tra.
Thầy Trần Văn Ri – giáo viên môn Tiếng Anh Trường THPT Chuyên Bến Tre: Giáo viên biên soạn dựa theo đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT, vì đề đã thể hiện mức độ theo thang nhận thức. Bên cạnh đó, lưu ý sử dụng triệt để ngữ liệu từ sách giáo khoa lớp 12.