Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ băn khoăn về việc thay đổi liên tục của các quy định này.
Karaoke “đập đi xây lại”
Những ngày này cơ sở kinh doanh karaoke của ông Đào Văn D. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang tích cực hoàn thiện, khắc phục tồn tại về PCCC để được cấp phép đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, việc hoàn thiện và đáp ứng đủ Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 06:2022/BXD) của Bộ Xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Đào Văn D, với tổng số khoảng 500 nhân viên (hơn 400 nhân viên có hợp đồng làm việc, còn lại bán thời gian, hợp tác) đã nghỉ việc là thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp do phải dừng kinh doanh để đáp ứng PCCC.
“Trung bình 1 m2 karaoke chỉ với nội thất, âm thanh, loa đài... cũng đầu tư khoảng 12 triệu/m2, chưa kể chi phí phòng cháy, vì vậy việc dừng hoạt động ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, vị trí kinh doanh karaoke có mặt tiền đẹp, giá thuê nhà rất cao (1 tháng mất gần 400 triệu thuê mặt bằng)...”, chủ cơ sở kinh doanh karaoke này bày tỏ.
Cũng theo ông Đào Văn D, nếu áp dụng Quy chuẩn Việt Nam về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2010/BXD) của Bộ Xây dựng thì cơ sở kinh doanh karaoke cơ bản đảm bảo các điều kiện. Tuy nhiên, với quy chuẩn mới áp dụng từ tháng 1/2023 là rất khó với các cơ sở kinh doanh karaoke.
“Khi khi áp dụng theo QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình thì đồng nghĩa với việc nhiều cơ sở phải phá bỏ toàn bộ nội thất và làm lại từ đầu, thậm chí phải đập bỏ và phá sản. Mỗi cơ sở bị phá sản sẽ kéo theo hàng chục lao động thất nghiệp...”, ông Đào Văn D nói.
Lý giải thêm về điều này, ông Đào Văn D cho rằng, nhiều cơ sở kinh doanh đã đầu tư xây dựng đi vào hoạt động từ 10 - 15 năm trước sẽ không thể đáp ứng được quy chuẩn mới. Bên cạnh đó, vật liệu xây dựng (xi măng, bê tông chống cháy, PV) phải kiểm định từng cơ sở rất tốn kém, kiểm định mẫu vách, mẫu cửa, thoát hiểm... là làm khó cho cơ sở.
Ông Đào Văn D đề xuất, cơ quan chức năng cần hướng dẫn chi tiết trong việc khắc phục tồn tại và căn cứ thời điểm xây dựng, cấp phép cơ sở để áp dụng phù hợp với quy chuẩn thời điểm đó.
“Kinh doanh karaoke một ngành nghề được quy định 4 giấy phép mới đủ tiêu chí hoạt động (giấy phép kinh doanh, PCCC, an ninh trật tự, kinh doanh karaoke). Bên cạnh đó 18 tháng đã có 3 lần thay đổi quy chuẩn thật khó cho hộ kinh doanh...”, ông Đào Văn D nói.
Tương tự, ông Trần Xuân Dũng (đại diện cho các cơ sở kinh doanh karaoke ở TPHCM) thì cho biết, 2 năm khó khăn về dịch bệnh nên kinh doanh karaoke vô cùng khó khăn về tài chính.
Đầu năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế, các cơ sở được mở lại nên nhiều chủ quán đã đi vay mượn đầu tư để sửa sang lại cơ sở, vật chất. Tuy nhiên đến tháng 10/2022 cơ bản các cơ sở đều phải đóng vì không đủ tiêu chuẩn PCCC.
“Tôi đầu tư cho 4 cơ sở karaoke, mỗi cơ sở khoảng 10 tỉ đồng, cộng thêm tiền thuê mặt bằng khoảng 500 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhân viên bảo vệ trông coi, tiền lãi suất ngân hàng… Các loại phí thì không được miễn giảm, để duy trì quán trong lúc đóng cửa, tôi buộc phải đi vay ngân hàng. Giờ không vay được nữa, tôi chuẩn bị tuyên bố phá sản”, ông Dũng nói.
Cơ sở kinh doanh karaoke đóng cửa vì chưa đảm bảo an toàn PCCC. |
Đề xuất 6 giải pháp tháo gỡ
Sáng 11/4, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an Hà Nội) cho biết, trước thực trạng nhiều tổ chức, doanh nghiệp nêu khó khăn trong việc áp dụng Quy chuẩn Việt Nam về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD), đơn vị đã đề xuất 6 giải pháp “gỡ vướng” với Bộ Xây dựng.
Theo đó, Công an Hà Nội đề xuất nghiên cứu, bổ sung quy định về khoảng cách bố trí giữa 2 thang bộ thoát nạn tính theo đường chéo đối với hành lang an toàn; cho phép không quy định chiều rộng khe hở giữa các vế thang bộ thoát nạn trong trường hợp công trình được trang bị hệ thống họng nước chờ khô.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, đây là một trong những giải pháp có thể tháo gỡ cho nhiều dạng công trình phù hợp với các yêu cầu kiến trúc, kết cấu.
Tiếp đó, nghiên cứu, cho phép áp dụng các giải pháp tăng cường đối với công trình cao đến 25 m được bố trí 1 thang bộ thoát nạn an toàn. Đồng thời, cho phép chiều rộng vế thang tối thiểu 0,7 m được phép áp dụng đối với một số loại công trình đặc thù có quy mô nhỏ dưới 300 m2/ sàn, số lượng người tập trung thấp dưới 20 người/ tầng.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đề xuất hướng dẫn, làm rõ quy định để cho phép sử dụng cầu thang bộ loại 3 đối với cơ sở kinh doanh karaoke (tại mục A.4.3 QCVN 06:2022/BXD quy định “lối ra thoát nạn từ mỗi tầng nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải được dẫn vào buồng thang bộ với cửa ngăn cháy loại 2”), vì đây là thang bộ an toàn.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, chỉnh sửa quy định ngăn hành lang thành những đoạn nhỏ hơn 60 m bằng vách ngăn cháy để xác định yêu cầu bảo vệ chống khói theo phụ lục D QCVN 06:2022; không cần thiết phải quy định cơ cấu tự động đóng đối với cửa các gian phòng khi cửa mở vào hành lang bên khi đã được thoát khói trực tiếp.
Thứ năm, cần nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định về kích thước bãi quay xe, tránh xe quy định tại QCVN06:2022/BXD phù hợp với thực tế thông số phương tiện xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện nay được trang bị cho các địa phương.
“Nghiên cứu chỉnh sửa quy định yêu cầu trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các công trình độc lập theo hướng không quy định cơ sở phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà; chỉ quy định cấp nước chữa cháy bên ngoài đối với hạ tầng khu đô thị, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, gắn với quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, cải tạo theo hạ tầng cơ sở chung...”, Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội đề xuất.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Hà Nội, sau khi đề xuất 6 giải pháp, đại diện Bộ Xây dựng ghi nhận, đồng thời giao Vụ Khoa học Công nghệ phối hợp với các đơn vị chuyên môn khẩn trương tập hợp, nghiên cứu.
Trước mắt sẽ có hướng dẫn về việc triển khai, áp dụng QCVN 06:2022 và tiếp tục nghiên cứu những quy định còn bất cập để chỉnh sửa, bổ sung trong thời gian tới.