Dịch vụ karaoke 'mòn mỏi' mong ngày trở lại

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng nhiều tháng trời không thể hoạt động, nhiều chủ đầu tư quán karaoke rơi vào tình trạng kiệt quệ.

Nhiều quán karaoke đang sửa chữa nhằm đáp ứng yêu cầu về PCCC.
Nhiều quán karaoke đang sửa chữa nhằm đáp ứng yêu cầu về PCCC.

Họ mong các cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp để dịch vụ karaoke được mở cửa trở lại.

Nguy cơ phá sản

Sau khi xảy ra một số vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke gây thiệt về sinh mạng (đỉnh điểm là vụ cháy ở phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy khiến 3 cảnh sát hy sinh), TP Hà Nội đã cho dừng 100% các cơ sở dịch vụ này để tiến hành tổng kiểm tra, rà soát các điều kiện kinh doanh.

Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy, 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke bị dừng hoạt động đều không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo quy định.

Tuy nhiên, thời gian buộc phải dừng kinh doanh quá lâu khiến các chủ đầu tư quán karaoke gặp khó khăn, thậm chí, có nhiều người đã phải phá sản, lâm vào cảnh nợ nần.

Trước tình hình trên, mới đây, hàng trăm chủ đầu tư cơ sở karaoke tại Hà Nội đã cùng nhau ký vào đơn kiến nghị gửi TP Hà Nội và Trung ương khi đứng trước bờ vực phá sản vì phải tạm dừng hoạt động kinh doanh do liên quan đến công tác PCCC.

Bà Tạ Thị Hà, chủ một quán karaoke trên địa bàn phường Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thời gian qua, gia đình bà bị ảnh hưởng nặng nề vì phải dừng hoạt động kinh doanh do vướng mắc những yêu cầu về PCCC. Trước đó, bà đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để mở quán karaoke với quy mô 12 phòng hát.

Hai năm qua, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, các quán karaoke buộc phải đóng cửa gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế. Khi dịch bệnh vừa qua đi, thành phố cho quán hát hoạt động trở lại.

Tưởng chừng đây sẽ là thời điểm để vực dậy kinh tế của gia đình nhưng khi vừa hoạt động trở lại được nửa năm thì lại phải đóng cửa bởi kết luận “không đảm bảo an toàn về PCCC”.

Hiện tại, mỗi tháng, bà Hà phải bỏ ra số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để duy trì. “Không những thế, các thiết bị, âm thanh không được sử dụng thường xuyên dễ gây hư hỏng, chi phí sửa chữa rất tốn kém”, bà Hà chia sẻ.

Cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn khi quán karaoke được đầu tư tiền tỷ nhưng không thể hoạt động, chủ một quán hát nằm trên đường Lê Đức Thọ (phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình đã vay mượn ngân hàng hơn 5 tỷ đồng để mở quán.

Tuy nhiên, hiện tại quán cũng không thể hoạt động vì “không đảm bảo an toàn PCCC”. Gia đình bà đã sửa chữa lại các hạng mục nhưng vẫn không đáp ứng được các quy định về an toàn được cơ quan chức năng đề ra.

“Các quy định về PCCC thường xuyên thay đổi khiến những người đầu tư như chúng tôi rất khó theo kịp. Nhiều quy định khó áp dụng vào thực tế nên dù muốn chúng tôi cũng không thể đáp ứng được”, chủ đầu tư quán karaoke này cho biết.

Theo anh N.D.P. chủ quán karaoke trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy) thì bản thân đang rất “đau đầu” khi sau nhiều lần kiểm tra, sửa chữa, khắc phục với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng quán karaoke của anh vẫn không thể hoạt động trở lại.

“Hiện tại, kinh tế gia đình tôi đang rất kiệt quệ, hàng tháng đều phải trả lãi ngân hàng, thuê mặt bằng… Những người kinh doanh như chúng tôi chỉ mong các cơ quan ban ngành sớm đưa ra giải pháp cho phép quán karaoke được mở cửa trở lại”, anh P. cho hay.

Theo ghi nhận tại một số quán karaoke trên các tuyến phố như Trung Hòa, Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang được sửa chữa lại với hy vọng đáp ứng đủ tiêu chuẩn PCCC để được mở cửa trở lại.

Chưa rõ “ngày trở lại”

Các doanh nghiệp karaoke ký đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng.

Các doanh nghiệp karaoke ký đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội) đơn vị đã phân cho công an 30 quận, huyện, thị xã có trách nhiệm trên địa bàn phải giải thích cho hộ kinh doanh hiểu để người dân không bức xúc.

Đại tá Phạm Trung Hiếu cho biết, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 1.548 cơ sở kinh doanh karaoke lớn nhỏ. Trong số này, có hơn 400 cơ sở nhỏ lẻ tự phát, không có đăng ký kinh doanh... Những trường hợp này chắc chắn phải tự giải thể. Bên cạnh đó, có 600 cơ sở chưa được cấp phép đầy đủ giấy tờ liên quan về PCCC, an ninh trật tự, văn hoá… phải củng cố, hoàn thiện.

Hiện trên địa bàn thành phố còn khoảng 400 cơ sở được cấp phép đầy đủ giấy tờ mà vẫn bị tạm đình chỉ hoạt động vì lý do như: Có thể cơ sở đã được thẩm duyệt, lúc nghiệm thu hiện trạng chưa trang trí bổ sung các tiêu chí đối với loại hình karaoke; khi kiểm tra vi phạm một số lỗi như đường hành lang, cầu thang bộ phải đóng kín lại mở cửa; vật liệu trên hành lang thoát nạn là vật liệu dễ cháy; phòng hát bố trí chưa hợp lý; diện tích phòng hát bị co hẹp… tất cả những điều này cơ sở buộc phải khắc phục.

Đại tá Hiếu cũng cho biết, tới đây sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo đưa ra kiến nghị, đề xuất với UBND TP Hà Nội để thành phố kiến nghị với Bộ Công an, Bộ VH,TT&DL, Bộ Xây dựng để tháo gỡ cho Hà Nội. Đại tá Hiếu khuyến cáo, khi cơ sở kinh doanh karaoke quay lại hoạt động, chủ doanh nghiệp phải cam kết hoạt động đúng giờ, đảm bảo điều kiện PCCC...

Cũng liên quan đến những kiến nghị của các chủ đầu tư, ngày 16/2, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội chủ trì cuộc họp đánh giá thực trạng công tác PCCC và bàn về các giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác PCCC của các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn.

Đại tá Dương Đức Hải đã chỉ đạo các đơn vị tích cực lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, rà soát đánh giá thực trạng, đề xuất cấp có thẩm quyền về những giải pháp cụ thể để các doanh nghiệp có thể tháo gỡ, khắc phục được những tồn tại vi phạm về PCCC.

Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục để được đưa công trình vào hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...