'Kiev dốc toàn lực phản công dẫn tới hậu quả không thể đo đếm'

GD&TĐ - Theo giới chuyên gia, chiến dịch phản công của Ukraine sẽ vấp phải bức tường phòng thủ vô cùng vững chắc được Nga thiết lập.

'Kiev dốc toàn lực phản công dẫn tới hậu quả không thể đo đếm'

Cuộc phản công nhìn thấy trước thất bại?

Mới đây, Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh Vadim Prystaiko đã bày tỏ sự lo ngại về hậu quả từ chiến dịch phản công của chính quyền Kiev vào các khu vực quân Nga đang kiểm soát, nếu nó bị thất bại.

Hôm 18/4, tờ El País của Tây Ban Nha trích dẫn ý kiến của các chuyên gia quân sự được báo phỏng vấn đưa tin, Quân đội Ukraine sẽ phải đối mặt với những trở ngại chưa từng có nếu định tổ chức phản công, đánh vào những vùng quân Nga đang kiểm soát.

Tình báo Anh thừa nhận rằng, Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ phải đối mặt với hệ thống công sự có cấu trúc tinh vi đã không được xây dựng ở châu Âu trong 80 năm nay. Phòng tuyến đầy chướng ngại vật như hào chống tăng, bãi mìn và chiến hào được củng cố hơn nửa năm qua của Nga, sẽ khiến việc xuyên phá trở thành một nhiệm vụ bất khả thi đối với quân đội Ukraine.

Theo tất cả các tiêu chuẩn về khoa học quân sự, Kiev cần tập trung lực lượng tấn công và hỏa lực áp đảo lực lượng phòng thủ của Nga theo tỷ lệ 1/3. Do đó, dù thành công hay thất bại thì thiệt hại của Lực lượng Vũ trang Ukraine về trang bị vũ khí và nhân lực sẽ vô cùng lớn.

Theo ông Vadim Prystaiko, các nước phương Tây quá coi trọng cuộc phản công của Kiev và đặt cược kết quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine vào nó, vì vậy thất bại của nó có thể được coi là lý do để phương Tây thúc ép chính quyền của ông Volodymyr Zelensky phải bắt đầu đối thoại với Nga.

“Toàn bộ tầm quan trọng của cuộc phản công, tất cả hy vọng chúng ta đặt vào nó, đều rất không lành mạnh, nếu có điều gì đó không ổn hoặc không đủ thành công” - Prystaiko nói trong cuộc phỏng vấn với Newsweek.

Ông Vadim Prystaiko đặt câu hỏi, đối với phương Tây như thế nào “đủ thành công” khi đối đầu với một cường quốc quân sự như Nga, trong khi đối với Ukraine, mọi thứ đều thiếu thốn?

Khi Ukraine thất bại hoặc không đạt được những tiến bộ đáng kể, phương Tây sẽ viện đủ mọi lý do, họ sẽ nói rằng Kiev biết điều này sẽ xảy ra nhưng vẫn cố tình tiến hành chiến dịch phản công và thúc ép ông Volodymyr Zelensky phải ngồi xuống bàn đàm phán và thảo luận với Nga.

Ông Prystaiko cho rằng, các đồng minh phương Tây đang quá tập trung vào kết quả của chiến dịch phản công mùa xuân đã được lên kế hoạch của chính quyền Kiev, nhưng lại không có những hành động thiết thực đủ để đảm bảo thành công cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Nhà ngoại giao này bày tỏ quan điểm lo ngại rằng, tình huống này có thể giúp Moscow “phá vỡ ý chí đoàn kết của phương Tây và đóng băng xung đột”, buộc Kiev phải nhượng bộ. Nga sẽ không phải rút quân khỏi các vùng lãnh thổ Ukraine đang kiểm soát và điều này đồng nghĩa với việc cả Crimea lẫn Donbass đều có thể bị mất.

Hậu xung đột với Nga, Ukraine có thể xảy ra kịch bản maidan?

Thậm chí, có nhiều dự đoán bi quan hơn nhiều về tình hình Ukraine, nếu cuộc phản công mùa xuân thất bại, điển hình là một bài viết đăng trên báo Politico của châu Âu nhận định. Rằng, sau khi chiến dịch đặc biệt của Nga kết thúc, ở Ukraine có nguy cơ xảy ra một “Maidan” nữa.

Theo bài báo, cuộc chiến này đã làm dấy lên nhiều hy vọng, người dân Ukraine mong chờ có sự thay đổi. Họ muốn có tiền, có công lý và hoàn thành những cải cách mà họ đòi hỏi vào năm 2014, họ muốn có được điều đó càng sớm càng tốt, nhưng hàng chục năm sau nó vẫn chưa tới, mà tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Bài báo dẫn lời một vị cựu bộ trưởng Ukraine không muốn nêu tên nhận định rằng, có rất nhiều yếu tố có thể dẫn tới đảo chính nhưng nguyên nhân chủ yếu là “nếu nguyện vọng của người dân không được đáp ứng, Maidan 2014 có thể sẽ lặp lại một lần nữa”.

Theo người đối thoại với tờ Politico, đương kim Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể là một trong những lý do xảy ra khả năng đảo chính do cung cách của ông ta.

Mặc dù thực tế là Zelensky được các nước phương Tây ca ngợi như “thần tượng của nền dân chủ”, nhưng mức độ tín nhiệm cao của ông ta hoàn toàn là nhờ vào cuộc xung đột hiện tại và khi xung đột kết thúc thì nó chắc chắn sẽ giảm xuống mức 11%, giống như trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

Cựu bộ trưởng cũng nhắc lại rằng, Zelensky và đoàn tùy tùng của ông ta có dính líu đến hoạt động tài chính của các offshore nước ngoài, còn những lời hứa hẹn chống tham nhũng của ông ta chẳng đi đến đâu, điều đó chắc chắn sẽ khiến công luận đặt ra nhiều câu hỏi.

Nghị sĩ quốc hội Ukraine từ đảng “Golos” là bà Inna Sovsun cũng có ý kiến tương tự khi cho rằng, ở Ukraine dường như có một “chu kỳ đảo chính”. Theo bà, một cột mốc 10 năm nữa đang đến gần, các cột mốc 10 năm là chỉ dấu cho thấy người Ukraine có xu hướng tổ chức Maidan sau một thập niên không như ý.

Nếu kết thúc xung đột, kỳ vọng của người Ukraine không được đáp ứng, rất có thể một cuộc cách mạng màu mới sẽ nổ ra.

Nghị sĩ đối lập Nikolai Kniazhitsky từ Lvov cáo buộc Zelensky sử dụng quyền hạn theo chế độ thời chiến để chiếm đoạt quyền lực, kiểm soát truyền thông và thao túng tiền ngân sách.

Như một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ từng làm việc ở Ukraine nhận xét, hồi cuối năm 2021, nạn tham nhũng của chế độ Zelensky ở Ukraine đã gần như lên đến đỉnh điểm, sắp sửa dẫn đến một vụ bê bối lớn, may mà nó tạm thời được gác lại khi bùng phát cuộc xung đột với Nga.

Do đó, ngay khi chiến tranh kết thúc, dù kết quả thắng bại như thế nào, các chính trị gia đối lập cũng sẽ ra tay và chính trường Ukraine một lần nữa sa vào cuộc khủng hoảng mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Motor giảm tốc Sumitomo mặt bích