Kiệt tác nghệ thuật ‘thay hình đổi dạng’ đứng giữa chốn thị phi

GD&TĐ - Những kiệt tác không chỉ là tài sản lớn của họa sĩ hay người sở hữu chúng, mà ở góc độ văn hóa - nghệ thuật, chúng là vô giá.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Mới đây, chương trình hòa nhạc “Kiệt tác thời gian” do Vietcombank tổ chức tưng bừng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã khiến những khách hàng thân thiết vô cùng hài lòng. Nhưng giới họa sĩ và người yêu nghệ thuật lại buồn lòng, băn khoăn về cách sử dụng và ứng xử với các danh tác hội họa.

Chuyện là, tại không gian buổi hòa nhạc, đơn vị tổ chức cho trưng bày những bức tranh của các danh họa thế giới như Claude Monet, Gustav Klimt, Wassili Kandinsky. Song đó không phải tác phẩm gốc. Đó là các bức in canvas từ hình ảnh kỹ thuật số.

Không rõ đơn vị tổ chức đã thực hiện các thủ tục về mặt pháp lý khi sử dụng tác phẩm dưới dạng tranh in canvas hay chưa. Song ở góc độ đối xử với những kiệt tác, thì điều này gợi cảm giác thật bất an.

Việt Nam có một nền hội họa với nhiều tên tuổi được thế giới biết đến. Thị trường mỹ thuật Việt khá năng động, thu hút nhiều nhà sưu tập. Mỹ thuật Việt được định danh trên bản đồ nghệ thuật thế giới.

Vậy nhưng, cũng ở nước ta, chưa nói đến cái sự đạo nhái ý tưởng, riêng tranh chép đã là một vấn nạn xuyên từ thế kỷ trước đến tận bây giờ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tranh nội tranh ngoại được chép miệt mài, được bày bán công khai ở những con phố lớn.

Vấn đề bản quyền cũng còn rất mơ hồ, dù chúng ta đã gia nhập công ước Berne từ tháng 10/2004. Ngay cả giới làm nghệ thuật cũng có người cố tình không hiểu, hồn nhiên chép tranh của người khác và ký tên mình lên đó, coi việc sao chép tranh là một nghề rất chính đáng để kiếm sống hay tạo dựng sự nghiệp.

Trở lại với các danh tác bị in sao. Mục đích của đơn vị tổ chức chắc hẳn muốn thể hiện đẳng cấp, sự sang trọng, tinh tế, muốn đem đến những trải nghiệm mới cho khách hàng khi họ có những điểm check in, lưu lại những bức ảnh đẹp. Nhưng giữa mục đích và hiệu ứng thực tế lại không đồng thuận.

Sáng tạo hội họa mang tính độc bản. Những kiệt tác không chỉ là tài sản lớn của họa sĩ hay người sở hữu chúng, mà ở góc độ văn hóa - nghệ thuật, chúng là vô giá. Không có hình thức nào thay thế được yếu tố độc bản ấy. Huống chi lại được/bị in ra một cách đơn giản và tùy tiện. Mặt nào đấy, đó là một sự hủy hoại.

Tác phẩm hội họa không phải chỉ để đóng khung chiêm ngưỡng. Bên trong từng hình khối, từng lớp màu, từng khoảng nghỉ là cảm xúc, tâm huyết của những tài năng, là văn hóa, tri thức, là hơi thở của thời đại hay một giai đoạn lịch sử đã qua.

Vì thế, cảm giác xót xa là có thật, khi nghệ thuật hàn lâm bị thương mại hóa, bị thay hình đổi dạng đứng giữa chốn thị phi, “mua vui cũng được một vài trống canh”. Kiệt tác cần được thuộc về đúng không gian của mình, với những người biết trân trọng giá trị đích thực của nghệ thuật, của văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.