NSƯT Linh Huệ 'diễn mà như không' khi vào vai nhà giáo

GD&TĐ - Thành công với nhiều vai diễn, nhưng mỗi lần hóa thân thành nhà giáo, NSƯT Linh Huệ luôn có những cảm xúc đặc biệt, khó quên.

NSƯT Linh Huệ - vai cô giáo Quế trong vở kịch 'Điệp khúc virus'. Ảnh: NVCC.
NSƯT Linh Huệ - vai cô giáo Quế trong vở kịch 'Điệp khúc virus'. Ảnh: NVCC.

Diễn mà như không

NSƯT Linh Huệ. Ảnh: NVCC.

NSƯT Linh Huệ. Ảnh: NVCC.

Đến giờ, NSƯT Linh Huệ vẫn không quên được những tháng ngày hóa thân thành cô giáo trong bộ phim truyền hình dài 6 tập của đạo diễn Trần Quốc Trọng. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của Thùy - cô giáo trẻ với những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ở một cơ sở bảo trợ xã hội.

Ban đầu, cô giáo Thùy chỉ xác định làm công việc ở đó mấy năm rồi sẽ nghỉ hoặc lấy chồng, vì cô có người bạn trai rất mực yêu thương chờ đợi. Nhưng vì những đứa trẻ bé bỏng mà đáng thương ấy, dần dần cô muốn ở lại với các con và lựa chọn hy sinh hạnh phúc cá nhân…

Lúc đảm nhận vai diễn này, con gái đầu lòng của NSƯT Linh Huệ mới được 1 tuổi. Khi tiếp xúc trực tiếp với những đứa trẻ côi cút vì hoàn cảnh trớ trêu, ở trung tâm bảo trợ xã hội trên Ba Vì, chị không cầm được nước mắt để rồi hóa thân thành cô giáo Thùy bằng cả tình yêu thương và bản năng làm mẹ, diễn mà như không.

Cũng bởi thế, khi phim đóng máy, mãi chị mới thoát được vai. Sau này, có lần chị dẫn con gái đến thăm và tặng quà cho các bé ở trung tâm bảo trợ xã hội đó…

Ngoài vai diễn cô giáo Thùy, NSƯT Linh Huệ còn thêm duyên với nghề giáo khi vào vai cô giáo Mai trong “Hạnh phúc mong manh”, cô giáo Thảo trong “Khoan nói lời yêu thương”. Cả 2 vai này đều nói về cuộc sống gia đình của các cô giáo phải chịu không ít tổn thương, bất hạnh thậm chí còn bị chồng bạo hành, coi thường.

Trong đó, bộ phim truyền hình dài 5 tập của đạo diễn Nhuệ Giang - “Khoan nói lời yêu thương”, chị trở thành một cô giáo khi đến trường rất vui vẻ, được bạn bè yêu mến, học trò kính trọng nhưng lúc về nhà phải nhẫn nhịn chịu đựng người chồng (hiệu trưởng ở trường) gia trưởng, thường xuyên bạo hành. Đây là vai diễn nặng về tâm lý, đòi hỏi tập trung cao độ nên kết thúc phim mà chị không dứt được những ám ảnh về nhân vật.

“Được làm việc với đạo diễn Nhuệ Giang là sự may mắn đối với tôi. Trước khi bấm máy, chúng tôi có 2 ngày đến gặp GS Vân Anh ở ngôi nhà cưu mang phụ nữ bị bạo hành để trò chuyện rồi đến gặp những nạn nhân bị bạo hành. Chính điều đó đã giúp tôi rất nhiều để có thể nhanh chóng nhập vai diễn có sự chuyển biến tâm lý phức tạp và không thể quên”, NSƯT Linh Huệ nói.

Còn với vai cô giáo Quế trong vở kịch “Điệp khúc virus” do NSND Hoàng Dũng đạo diễn, NSƯT Linh Huệ đã đem đến cho khán giả sự trân trọng và cảm thông khi chị diễn tả thành công những giày vò, đau khổ về lầm lỡ năm xưa để rồi vững vàng đứng dậy và vượt qua từ điểm tựa - lòng bao dung của người chồng.

Vai diễn này không dễ hóa thân, song chị vẫn tròn vai khi đem đến cho khán giả một cô giáo Quế không chỉ là người vợ dịu hiền chất chứa tâm tư, dằn vặt, không tha thứ cho lỗi lầm của mình, mà còn là một nhà giáo nhân hậu, giàu đức hy sinh, sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón những sai lầm của con trẻ.

Chia sẻ về vai diễn này, NSƯT Linh Huệ kể, chị nhận vai ngay khi Đoàn Kịch nói Hà Tây mà chị đang công tác sáp nhập về Nhà hát Kịch Hà Nội nên bất ngờ đến tận lúc vở diễn được khởi công.

Hôm đó, chị đã lên sàn diễn thử cho khai màn và phải hát ru. Đây là lần đầu chị hát cho mọi người nghe nên khá hồi hộp, nhưng thật may vì được khen là rất mộc và tình cảm.

Đó là bước đầu thuận lợi đem đến cho chị sự tự tin để tiếp sau đó được thăng hoa trong từng đêm diễn, nhất là tại Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015, chị xuất sắc giành Huy chương Vàng cá nhân và vở diễn cũng giành Huy chương Vàng.

NSƯT Linh Huệ - vai Tú Bà trong vở kịch 'Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường'. Ảnh: NVCC.

NSƯT Linh Huệ - vai Tú Bà trong vở kịch 'Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường'. Ảnh: NVCC.

Niềm vui bất ngờ

NSƯT Linh Huệ vừa được nhận giải diễn viên xuất sắc năm 2022 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho vai diễn Tú Bà trong vở kịch “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường”.

Trước đó, cũng vai diễn này chị đã giành Huy chương Vàng và vở diễn giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2022. Có thể nói, những phần thưởng ấy đã đem đến cho chị niềm vui bất ngờ cho sự nỗ lực làm mới vai diễn của mình.

Chẳng là, NSƯT Linh Huệ vẫn được mặc định sinh ra để vào những vai phụ nữ nhẫn nhịn, chịu đựng, tần tảo, một nắng hai sương, như đạo diễn, NSND Khải Hưng từng nhận xét: “Con bé này không xinh xuất sắc nhưng có duyên thầm, độ đằm thắm số 1, chịu đựng thì không ai qua được”.

Ấy thế mà, bằng vai Tú Bà, NSƯT Linh Huệ đã khiến khán giả phải nghĩ khác: Không còn một Linh Huệ thôn nữ quê mùa, dịu hiền nữa, mà là một Linh Huệ đanh đá, sắc sảo.

Không còn một Linh Huệ tảo tần, cam chịu nữa, mà là một Linh Huệ tham lam, quỷ quyệt, ác độc. Và, một Tú Bà Linh Huệ xinh đẹp, mảnh mai cũng hoàn toàn khác với những Tú Bà béo tốt như trong hình dung của mọi người, từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện.

Sự mạnh dạn làm mới này của chị khiến đồng nghiệp, khán giả phải bán tín bán nghi, thậm chí còn cho rằng thất bại. Nhưng khi đến rạp thưởng thức vở diễn thì không khỏi trầm trồ, gọi đây là cuộc “lột xác khủng khiếp” và “không thể tưởng tượng được” (như lời NSND Giang Mạnh Hà).

“Tôi thường đọc tổng thể kịch bản một lần rồi nghĩ xem vai diễn sẽ phát triển như thế nào. Vai Tú Bà cũng thế. Sau những tham khảo, tôi quyết định cần phát triển nhân vật theo hướng khác và nhất định phải thực sự thuyết phục.

Thật mừng là cách tạo hình cũng như diễn xuất của tôi cho vai Tú Bà đã được đón nhận và cổ vũ. Đây là nguồn động lực quý giá để tôi đắm say hơn nữa với từng vai diễn của mình”, NSƯT Linh Huệ chia sẻ.

Năm qua, vở kịch “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” liên tục có những suất diễn cháy vé. Khán giả đến xem không chỉ ở Hà Nội, mà còn đến từ Hải Dương, Quảng Ninh… thậm chí ở mãi phương Nam xa xôi như Kiên Giang.

“Gặp những khán giả ấy, cũng như bao nghệ sĩ, tôi thấy vô cùng cảm động và biết ơn. Hiện nay vở diễn chưa diễn lại. Nhiều khán giả nhắn tin hỏi tôi lịch cụ thể để họ lên kế hoạch kết hợp đi du lịch và thưởng thức nghệ thuật. Tôi mong nhà hát sớm sắp xếp những buổi diễn phù hợp để khán giả ở xa khi đến Hà Nội có thể kết hợp xem Kiều”, NSƯT Linh Huệ nói.

Bên cạnh đó, vở diễn còn nằm trong dự án sân khấu học đường của Bộ GD&ĐT nên đã có 30 suất diễn phục vụ học sinh các trường ở Hà Nội như: Chu Văn An, Trần Phú, Việt Đức, Phúc Lợi… Ở những suất diễn này, NSƯT Linh Huệ thấy không có niềm vui nào lớn hơn khi được ngắm nhìn những gương mặt trẻ thơ say sưa xem kịch.

Những nhân vật từ Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng đến Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư… đều khá quen thuộc với học sinh qua các bài học môn Ngữ văn, song khi “gặp” sống động trên sân khấu học sinh tỏ rõ sự thích thú cùng những phản ứng hồn nhiên, trong sáng và nhanh nhạy.

Mỗi lần giao lưu, gặp gỡ, chị cũng luôn trân trọng và hồi hộp nghe các em phản biện. Chẳng hạn, với nhân vật Hoạn Thư, nhiều bạn không đồng tình với việc bị lên án và trả giá mà cho rằng việc Hoạn Thư bị chồng phản bội thì xử sự như thế cũng không có gì đáng trách.

Ngay cả với nàng Kiều, ngoài sự cảm thông thì có em còn đặt câu hỏi rất đáng yêu: “Vì sao hết lần này đến lần khác bị lừa mà Kiều không rút ra được kinh nghiệm?”.

Riêng với vai Tú Bà các em lại tỏ ý đặc biệt hài lòng. Vì theo khuôn mẫu, Tú Bà sẽ mập mạp, béo ú, già xấu xí và giọng nói the thé. Nhưng Tú Bà Linh Huệ xuất hiện lại rất hiện đại, đẹp và ghê gớm trong từng tiếng cười, ánh mắt, cử chỉ... Sự hóa thân này gần hơn cả với sự mong đợi của các em.

“Tôi xúc động khi nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của các con. Bản thân tôi giờ đây cũng rất thích thú với vai diễn Tú Bà vì đó chính là màu khác để tôi biết rằng không phải lúc nào cũng ở trong cái khung ngoan hiền, quê mùa. Tôi gọi đó là “nhạc gì cũng nhảy”, nếu có chệch tí thì cùng cố gắng”, NSƯT Linh Huệ nói trong tiếng cười ngọt ngào.

NSƯT Linh Huệ - vai cô giáo Thủy trong bộ phim "Làm mẹ". Ảnhh: NVCC

NSƯT Linh Huệ - vai cô giáo Thủy trong bộ phim "Làm mẹ". Ảnhh: NVCC

Hài lòng và chút bâng khuâng

Vào nghề khi mới 17 - 18 tuổi, không qua trường lớp đào tạo mà học trực tiếp từ các thế hệ đi trước của Đoàn Kịch nói Hà Tây (sau sáp nhập vào Nhà hát Kịch Hà Nội), đến nay, NSƯT Linh Huệ đã có được vị trí nhất định trên sàn diễn và phim ảnh.

Chị cũng đã đoạt 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc trong các liên hoan, cuộc thi sân khấu toàn quốc và Thủ đô; 2 giải diễn viên xuất sắc năm 1999 và 2022 cùng giải diễn viên trẻ xuất sắc cho phim truyền hình “Gió qua miền tối sáng”…

Khiêm tốn nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật hơn 30 năm của mình, NSƯT Linh Huệ bảo, với chị, dù phim làm không nhiều nhưng may mắn được mọi người nhớ, sân khấu không nổi nhưng làm vai nào được vai đấy.

Chị được tổ nghiệp đãi với dạng vai chân quê hiền lành, khán giả dễ thiện cảm. Đã được khán giả yêu mến thì lúc họ xem chị hóa thân vào dạng vai khác tuy có bất ngờ nhưng sẽ thấy đó là một màu khác để thêm yêu quý.

Chị cũng thấy hài lòng về tổ ấm nhỏ của mình khi có 2 người con đều ngoan và có thể “tự đi bằng đôi chân của mình, giống như ngày xưa mẹ đã từng đi” (như lời chị vẫn nói với các con).

Chị cũng tìm được bờ vai vững chắc, ấm áp của người bạn đời để không phải bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền, được dốc lòng, dốc sức cho nghệ thuật đến tận hôm nay.

Nhưng, NSƯT Linh Huệ cũng có đôi chút bâng khuâng của những nỗi buồn. Ví như có thời điểm chị đã mải mê với phim ảnh mà chưa thể chăm sóc con cái chu toàn.

Nhớ nhất là lúc làm phim “Gió qua miền tối sáng”, chị đã đi biền biệt, có khi đi nửa năm đến lúc về con gái bé bỏng không nhận ra mẹ. Rồi một lần trong lúc dọn dẹp nhà, chị vô tình thấy cuốn nhật ký của con rơi ra nên cố tình đọc (là chưa đúng).

Nhưng nhờ đó mà chị biết được con buồn rất nhiều vì tự ti: “Con vĩnh viễn chỉ là cái bóng của mẹ”. “Điều đó làm tôi ngưng hết mọi việc liên quan đến phim ảnh mà chỉ làm sân khấu. Tôi muốn sống như một người bình thường, dành thời gian cho gia đình và các con. Cũng vì thế mà có một “giai thoại”: “Vai không được dài, không đi quay ở tỉnh” một thời gắn liền với tôi.

Cơ hội cũng cứ thế vụt qua và thanh xuân của tôi cũng dần bị lãng quên… Nhưng, tôi chỉ buồn vì đã để con mặc cảm chứ chưa bao giờ buồn vì sự quên lãng ấy”, NSƯT Linh Huệ chia sẻ.

Hoặc như có không ít vai diễn trên sân khấu chị cũng như ê-kíp sáng tạo dành nhiều tâm sức nhưng vì một khúc mắc nào đó mà chưa được ghi nhận. Như hồi nhà hát dựng vở “Mảnh đất lắm người nhiều ma” đi hội diễn sân khấu toàn quốc được đồng nghiệp, khán giả đánh giá rất cao.

Chị cũng đau đáu rút ruột nhả tơ cho vai bà Son của vở kịch, thế nhưng cuối cùng không có sự ghi nhận nào dành cho vai diễn cũng như vở diễn đó… “Tất nhiên, giải thưởng cao quý nhất là giải thưởng từ khán giả, bạn bè đồng nghiệp.

Nhưng khi đã được mọi người ghi nhận mà hội đồng giám khảo cố tình từ chối sẽ khiến cho nghệ sĩ cảm thấy ấm ức. Mới đây, nhà hát phục dựng vở “Mảnh đất lắm người nhiều ma” và mời tôi trở lại nhưng tôi từ chối vì không muốn trở lại với ký ức buồn…”, NSƯT Linh Huệ bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.