Trong số đó, 8 tòa nhà có thể “chuyển đổi để dùng vào các mục đích khác nhau” được nhiều chuyên viên đánh giá là sẽ tạo ra bước ngoặt về xu hướng kiến trúc trong tương lai.
1. Trung tâm Âm nhạc House of Hungarian Music (Budapest, Hungary)
Do Công ty Nhật Bản Sou Fujimoto thiết kế, viện bảo tàng kết hợp phòng hòa nhạc và giáo dục này là một trong những thiết kế gây ấn tượng nhất của dự án Liget Budapest Project.
Dự án ra đời để đại tu và hiện đại hóa công viên lớn nhất thủ đô. Nằm gần hồ Varosliget Lake tuyệt đẹp, mái nhà nhấp nhô của tòa nhà điểm xuyết bằng những tán cây xanh đâm xuyên qua.
Tòa nhà sẽ là nơi biểu diễn âm nhạc truyền thống phong phú của đất nước nhưng du khách cũng có thể tham quan hay tham gia những loại hình giải trí khác.
Tại đây, du khách không thể phân biệt bên trong và bên ngoài vì tòa nhà sử dụng nhiều vật liệu trong suốt. Công viên còn có những kiến trúc thu hút khác như Viện Bảo tàng Dân tộc học và Phòng Trưng bày Quốc gia mới (New National Gallery) rộng 50.000 m2.
2. Cư xá sinh viên OurDomain Student Housing (Amsterdam, Hà Lan)
Cư xá rộng 90.000 m2 gồm 1.500 hạng mục là một kiến trúc đậm chất xanh mà các thế hệ SV trước không dám mơ tới. Cư xá được chia là 3 tòa nhà riêng rẽ, được trang trí độc đáo và màu sắc nhìn giống như các container chồng lên nhau có thể biến hình dễ dàng.
3. Câu lạc bộ Âm nhạc nổi Floating Music Hub (Sao Vincente, Cộng hòa Cape Verde)
Trong thập niên qua, Công ty Kiến trúc và xây dựng đô thị NLÉ đã thử nghiệm nhiều phương cách sáng tạo để xây dựng nhanh và rẻ những công trình nổi trên mặt nước. Hệ thống Makoko Floating System của họ đã giúp các nhà xây dựng địa phương lắp ráp các module gỗ xử lý trước thành những khung nhà nổi chữ A là câu trả lời cho ý tưởng này.
Hệ thống đã được sử dụng tại Nigeria và Bỉ để xây dựng các trường học nổi ở đây. Công trình là nơi biểu diễn âm nhạc, thu âm và quán bar. Khách có thể tự mình tập xây dựng các cấu trúc nổi dễ lắp ráp và tham quan các sự kiện văn hóa phi truyền thống.
4. Nhà hát Sunac Guangzhou Grand Theatre (Quảng Châu, Trung Quốc)
Do Công ty Steven Chilton Architects trụ sở tại London thiết kế, nhà hát 2.000 ghế ngồi này lấy cảm hứng từ cấu trúc mềm mại của vải lụa, một đặc sản của thành phố Quảng Châu. Nó còn là biểu tượng cho lịch sử “trung tâm thương mại” của Quảng Châu và được trang trí bằng những bản vẽ đẹp như hình xăm của họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc Zhang Hongfei.
Được lắp ráp bằng hàng nghìn tấm nhôm, công trình dù bề thế nhưng nhìn ngoại thất trông vẫn rất mượt mà với những đường cong và lối vào ngang mặt đất không có bậc thang. Bên trong, là cung biểu diễn hình tròn được thiết kế để khán giả có thể xem từ mọi phía khi nhà hát hoàn thiện và khánh thành năm 2021.
5. Thư viện Far Rockaway Library (New York, Mỹ)
Thư viện công này nằm tại khu dân cư Far Rockaway ở khu dân cư Queens nổi tiếng của bang New York và sẽ thay thế cho thư viện cũ đã lỗi thời tại cùng vị trí (một phần thư viện cũ được giữ lại làm bảo tàng).
Rộng trên 1.800 m2, thư viện mới tăng gấp đôi không gian bên trong và sẽ lấy ánh sáng qua mái kính tam giác siêu bền ở ngay lối vào cũng như qua những tấm vách trong suốt. Thực hiện dự án là Công ty kiến trúc Na Uy Snohetta, cũng là cha đẻ của nhà hàng dưới nước nổi tiếng Under đầu tiên của châu Âu.
6. Trung tâm Biểu diễn Taipei Performing Arts Center (Đài Bắc, Đài Loan)
8 năm sau khi khởi công, tòa nhà Taipei Performing Arts Center đẹp đến từng chi tiết sẽ hoàn tất vào giữa năm 2021. Kinh phí khoảng 192 triệu USD, tòa nhà có quả cầu giống như hành tinh nhô lên từ một phía sẽ trở thành điểm nhấn mới của thành phố Đài Bắc sau tòa tháp hình cây tre.
Nhưng không chỉ có ngoại thất là gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan mà bên trong cũng rất độc đáo, mặc dù Công ty thiết kế OMA nhấn mạnh đến tính bảo thủ trong bản vẽ. Thật ra, Taipei Performing Arts Center có 3 nhà hát tách biệt nhưng dễ dàng “gắn” vào trục trung tâm để mở rộng hay thu hẹp sân khấu một cách dễ dàng giống robot biến hình.
7. Cụm dân cư Aquarela (Quito, Ecuador)
Hơn 10 năm xây dựng sau khi đoạt giải thưởng danh giá Pritzker Prize (thường gọi là Nobel Kiến trúc), kiến trúc sư Pháp Jean Nouvel tiếp tục gây bất ngờ cho các đồng nghiệp bằng dự án mới Aquarela, một phức hợp 650 căn hộ.
Dù gồm nhiều tòa nhà 9 tầng tách biệt nhưng một loạt các ban công dài bao quanh tạo cảm giác liên khối và thoáng đãng nhìn từ xa giống như một ngọn đồi. Đặc biệt hơn là các vật liệu đá, gỗ và cây xanh đã giúp kết nối cụm dân cư với thiên nhiên, núi đồi, đặc trưng của khu vực. Giai đoạn 1 đã hoàn thành vào đầu năm 2021 và giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào năm 2022.
8. Khách sạn Hotel Green Solution House (GSH) (Ronne, Đan Mạch)
Đắt nước Bắc Âu Đan Mạch sắp sửa khánh thành khách sạn đầu tiên thân thiện với môi trường khí hậu theo đúng triết lý kiến trúc mới. Là công trình mới thuộc cụm khách sạn Hotel GSH tại hòn đảo phía Đông Bornholm, tòa nhà hầu như làm hoàn toàn bằng gỗ, kể cả những chế phẩm từ gỗ thải loại của kỹ nghệ xây dựng và sản xuất đồ nội thất.
Các mảnh vụn từ các mỏ đá granit địa phương cũng được sử dụng để trang trí và cách nhiệt. Thiết kế công trình là hai công ty 3XN và GXN với điểm nhấn là khả năng dùng lại nhiều thành phần. Vì vậy, tòa nhà có các khớp nối đặc biệt để có thể tháo rời dễ dàng kết cấu và tái sử dụng khi đã hết tuổi thọ.