Với 25 năm nghiên cứu, theo đuổi và phát triển kiến trúc phục vụ xã hội, cộng đồng; Thạc sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - giảng viên, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đã đoạt 35 giải thưởng trong nước, 30 giải thưởng quốc tế về kiến trúc. Đặc biệt, năm 2016, anh đã đoạt giải thưởng “Kiến trúc sư nổi bật châu Á”, Giải vàng Giải thưởng kiến trúc SIA-Getz (được xem như giải Pritzker-Nobel kiến trúc Châu Á).
Tâm huyết với những công trình cộng đồng
Chia sẻ về các công trình kiến trúc của mình, anh Hào cho biết: Các công trình kiến trúc của anh đều mang tính cộng đồng, kiến trúc xanh, phát triển bền vững. Đối tượng hưởng lợi trong các công trình kiến của anh là người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kém phát triển. Anh là chủ nhân của các công trình như: Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Hòa Bình), Nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), Làng Homestay Nậm Đăm (Hà Giang), Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An), Trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên), và Trung tâm hạnh phúc Quốc gia Bhutan….
Lý giải cho sự lựa chọn này, anh Hào bộc bạch: Việt Nam là dân tộc đa dạng về văn hóa. Kiến trúc của đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao nguyên rất đa dạng và có bản sắc. Nếu không giữ gìn cẩn thận có thể sẽ bị lãng quên, thậm chí là “biến mất”. Đây là lý do vì sao những sản phẩm kiến trúc của anh đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua các công trình kiến trúc, anh muốn giữ gìn và tiếp nối nền văn hóa ấy, bởi theo anh đó mới chính là nội lực có sức cạnh tranh trước thời kỳ hội nhập quốc tế.
Anh Hào dẫn giải: Chẳng hạn, từ những công trình kiến trúc đậm chất văn hóa, ở những vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, họ hoàn toàn có thể làm du lịch theo kiểu Homestay. Theo đó, họ vừa bảo vệ và quảng bá được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình và cộng đồng, xã hội. Đơn cử như Làng Đất – thôn Nậm Đăm (Quảng Bạ, Hà Giang) – công trình điển hình cho mô hình nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc. Công trình không chỉ có giá trị, ý nghĩa về mặt văn hóa, xã hội mà còn lại giá trị kinh tế nhờ hoạt động du lịch Homestay.
Thông điệp “Triết lý kiến trúc Hạnh phúc”
KTS Hoàng Thúc Hào |
Qua tìm hiểu được biết, những tác phẩm kiến trúc của anh đều thể hiện rất rõ nét bản sắc kiến trúc địa phương với những không gian thân thiện, gần gũi… Điều quan trọng hơn cả là những công trình này tuy đa dạng nhưng thể hiện quan điểm nhất quán của tác giả với thông điệp xuyên suốt: Triết lý kiến trúc Hạnh phúc.
Anh Hào dí dỏm chia sẻ: Hạnh phúc ở đây là bền vững chứ không phải là hạnh phúc thoáng qua giống như mình mua được một chiếc xe mới. Anh tâm niệm: Trong kiến trúc, công trình hôm nay phải là hạt nhân của cuộc sống ngày mai, tức là có sự tiếp nối về văn hóa. Nói một cách đơn giản để dễ hiểu đó là những công trình độc đáo, phát huy được truyền thống văn hóa của địa phương, dân tộc. Muốn làm được điều ấy, người kiến trúc sư phải biết dấn thân và phải xâm nhập vào thực tiễn của cuộc sống.
“Hạnh phúc không phải lý tưởng mà là rất thực tiễn và gần gũi. Suy cho cùng hạnh phúc của một kiến trúc sư chính là người sử dụng cảm thấy hạnh phúc khi dùng sản phẩm của mình. Trong không gian ấy, mọi người có thể đối thoại với nhau cởi mở hơn, mọi người đối thoại được với thiên nhiên và biết tôn trọng thiên nhiên… Từ đó họ hiểu hơn về văn hóa qua thiết kế kiến trúc mà họ đang sử dụng và họ sẽ biết trân quý nền văn hóa của dân tộc” – anh Hào trải lòng.
Nói về trách nhiệm nghề nghiệp, anh Hào thẳng thắn trao đổi: Bản thân anh vừa là kiến trúc sư, vừa giảng viên nên hơn bao giờ hết anh luôn xác định: Mỗi một kiến trúc sư có thể là hạt nhân đi đầu trong việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng nền văn hóa kiến trúc nếu không thì sẽ rất lãng phí. Bởi từ sự đa dạng ấy mới ra được giải pháp để cạnh tranh kinh tế, phát triển kinh tế trong thời đại mới. “Trong lĩnh vực kiến trúc cũng rất cần đào tạo gắn liền với thực tiễn. Chẳng hạn như: Chương trình nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phòng chống lụt bão… . Không ai hết, kiến trúc sư phải đi đầu để giải quyết những vấn đề thời sự này của cuộc sống này. Chúng ta sẽ có những ngôi nhà kiểu mới vừa phù hợp với điều kiện thực tế mà vẫn đảm bảo được bản sắc văn hóa của dân tộc” – anh Hào đặt vấn đề.
Cũng theo anh Hào, ở góc độ đào tạo kiến trúc sư, nghề này không có thần đồng. Với các kiến trúc sư trên thế giới, những tác phẩm hay nhất của họ cũng phải sau 45 tuổi, thậm chí là ngoài 50 tuổi. “Ý tôi muốn nói là nghề này cần có sự trải nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, sự hiểu biết về văn hóa và tích lũy kiến thức, vốn sống. Vì thế, các bạn trẻ cần phải kiên nhẫn và rèn luyện, thậm chí rèn luyện cả sự say mê để niềm đam mê của mình mỗi ngày được lớn hơn một ít, chắc chắn hơn một ít. Đặc biệt, các bạn cần chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững vàng và hãy bình tĩnh, tự tin để bước đi trên con đường mà mình đã chọn” – anh Hào nhắn nhủ.