Kiên trì con đường đổi mới

GD&TĐ - Sự xuất hiện của môn Khoa học tự nhiên (KHTN) trong Chương trình GDPT 2018 được xem là một điểm sáng.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Tuy vậy, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, môn học này còn một số điểm nghẽn do tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở cấp THCS.

Các kiến thức, kỹ năng môn KHTN cấp THCS được tổ chức theo mạch nội dung, sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, là kiến thức liên môn nên sẽ do một giáo viên phụ trách.

Thế nhưng trên thực tế, đội ngũ hiện có chủ yếu được đào tạo đơn môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học), không bài bản, chuyên sâu liên môn, nên ở nhiều địa phương, môn học này do 3 giáo viên giảng dạy 3 phân môn độc lập. Việc bố trí 3 giáo viên dạy theo hình thức song song từng được đa số nhà trường áp dụng, đã làm nảy sinh nhiều vấn đề bất hợp lý, bởi môn học này không phải 3 môn cộng lại một cách cơ học.

Những khó khăn trong triển khai môn KHTN xuất phát từ việc Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu phải tích hợp một số môn học ở cấp THCS. Nếu chương trình không thiết kế môn tích hợp thì các trường sư phạm không có căn cứ để đào tạo giáo viên. Vì thế khi bắt đầu thực hiện chương trình, toàn ngành phải dùng đội ngũ cũ, tập huấn dần để chuyển đổi chứ không thể đợi lứa giáo viên dạy tích hợp ra trường mới thực hiện chương trình. Tình trạng giáo viên “vênh” so với chương trình là lẽ đương nhiên trong thời điểm chuyển giao.

Để khắc phục khó khăn, thời gian qua, Bộ GD&ĐT có nhiều công văn hướng dẫn triển khai dạy học tích hợp như: Văn bản số 2613/BGDĐT-GDTrH, 3699/BGDĐT-GDTrH… nhưng những điểm nghẽn vẫn chưa thực sự thông. Hiện một số giáo viên có thể dạy được các học phần trong môn tích hợp, nhưng đa số vẫn dạy theo môn riêng biệt. Ở vùng sâu, xa, khó khăn, dù việc tập huấn giáo viên đã triển khai nhưng nhiều trường vẫn bố trí thầy cô dạy theo phân môn, vì dạy cả môn học vẫn là việc khó.

Thực tiễn dạy học môn tích hợp nói chung, môn KHTN nói riêng đã đặt ra yêu cầu bức xúc về việc nên xem xét, điều chỉnh dạy học thế nào để tốt, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Trên một số diễn đàn, nghị trường, đã có ý kiến cho rằng với các môn tích hợp, nên quay về dạy học như cũ, thành các đơn môn…

Khó khăn của các nhà trường, giáo viên trong tổ chức dạy học môn KHTN hơn 3 năm qua là không nhỏ và sự nỗ lực vượt khó rất lớn, đáng chia sẻ, trân trọng. Tuy vậy, không thể vì những khó khăn trong lúc chuyển giao lịch sử mà quay về đường cũ.

Thực tế cho thấy, kiên trì đổi mới là con đường đúng đắn, bởi dạy học tích hợp là xu hướng phổ biến của giáo dục tiếp cận phát triển năng lực trên thế giới hiện nay. Thời gian qua, nhiều địa phương đã vượt khó, chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học môn KHTN, cơ bản đạt được kết quả quan trọng, đáp ứng mục tiêu chương trình đề ra.

Đặc biệt, môn học KHTN đã mang đến nhiều lợi ích, giúp học sinh sớm hình thành niềm yêu thích khoa học, sự tự tin, cảm giác gần gũi với thế giới tự nhiên; được đào tạo kỹ năng qua các hoạt động phối hợp khám phá và thí nghiệm đơn giản; hình thành khả năng sáng tạo khoa học, hiểu biết toàn vẹn về thế giới, phù hợp từng giai đoạn phát triển.

Để việc dạy học môn KHTN đáp ứng tốt mục tiêu Chương trình GDPT 2018, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tiếp tục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, chuyển đổi giáo viên cũ, tăng tốc đào tạo giáo viên mới, bảo đảm trong lộ trình ngắn nhất mỗi giáo viên có thể giảng dạy được cả môn học.

Đáng mừng, gần đây Bộ GD&ĐT có Văn bản số 5636/BGDĐT-GDTrH năm 2023 đưa ra khung gợi ý giảng dạy các mạch nội dung môn KHTN, bảo đảm kiến thức tiếp nối liên tục, xuyên suốt năm học. Hướng dẫn này đã tháo gỡ nhiều khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho việc phân công giáo viên giảng dạy tùy thực tế mỗi trường. Bám sát văn bản này để thực hiện, nhà trường và thầy cô sẽ vững tin, kiên định hơn trên con đường đổi mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ