Kiến tạo nguồn lực từ Nghị quyết Đảng

GD&TĐ - Ea Kar là địa phương đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng theo tinh thần NQ29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Tiết học của cô và trò Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Ea Kar. Ảnh: Thành Tâm
Tiết học của cô và trò Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Ea Kar. Ảnh: Thành Tâm

Nhờ đó tạo sự đồng thuận của xã hội, thúc đẩy phát triển sự nghiệp Giáo dục trong tình hình mới.

Bắt nguồn từ thực tiễn

Ông Y Nhuân Byã - Bí thư Huyện ủy Ea Kar chia sẻ, sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ea Kar, khóa IX ban hành năm 2020 về huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển GD-ĐT đã đạt những kết quả tích cực.

“Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Nghị quyết 02 được ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tạo sự thống nhất từ nhận thức, tư duy đến hành động, từ đó huy động mọi nguồn lực xã hội trong và ngoài huyện đầu tư cho sự nghiệp Giáo dục tại địa phương”, ông Y Nhuân nhấn mạnh.

Nghị quyết ban hành từ năm 2020, đúng thời điểm cao trào của đại dịch Covid-19, vì vậy, phải đến năm 2022 mới chính thức đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Lương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar, trong điều kiện ngân sách của tỉnh đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp, Nghị quyết 02 ra đời đã gỡ nút thắt “xã hội hóa”, trở thành “kim chỉ nam” cho ngành GD-ĐT xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Chung quan điểm, ông Phùng Văn Chang - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện nêu: “Dù được quan tâm, nhưng mỗi năm toàn huyện chỉ được tỉnh cấp 7 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trong khi đó, nếu tính toán sơ bộ phải cần hơn 40 tỷ đồng mới có thể duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Nghị quyết ra đời đáp ứng được nhu cầu của các trường học trên địa bàn”.

Ghi nhận thực tế cho thấy, sau 3 năm triển khai, Nghị quyết đã từng bước làm thay đổi bộ mặt GD-ĐT Ea Kar. Cô Đỗ Thị Ngọc Tú - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Ea Đa) khẳng định:

“Nghị quyết 02 đã làm thay đổi, trước hết là nhận thức. Hầu hết cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên đã thống nhất, đoàn kết trong mọi hoạt động giáo dục. Về tư tưởng và hành động, hiểu được vai trò quan trọng của việc xã hội hóa giáo dục, giúp huy động nguồn lực cho phát triển, chia sẻ gánh nặng ngân sách cho địa phương, tỉnh. Điều nữa, tạo được sự quan tâm, ủng hộ của xã hội đối với quá trình đổi mới giáo dục”.

Cô Tú chứng minh, trước khi Nghị quyết ra đời, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi chỉ nằm ở top 10 của huyện. Khi thực hiện Nghị quyết, trường đã lọt vào tốp đầu về chất lượng giáo dục.

“Dưới ánh sáng của Nghị quyết, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đã đồng tâm, hợp lực, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách để triển khai đồng bộ giải pháp. Từ đó, chất lượng dạy học, giáo dục được nâng lên rõ nét, 3 năm gần nhất, nhà trường luôn đứng ở vị trí dẫn đầu thi đua của huyện. Mỗi năm, học sinh đóng góp hàng chục giải/huy chương trong các kỳ/cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia về địa phương. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho sức lan tỏa của Nghị quyết”, cô Tú nói.

Thầy Nguyễn Thái Sùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Ea Kar. Ảnh: Thành Tâm

Thầy Nguyễn Thái Sùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Ea Kar. Ảnh: Thành Tâm

Khuôn viên trường học ở Ea Kar khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Thành Tâm

Khuôn viên trường học ở Ea Kar khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Thành Tâm

Ý Đảng - lòng dân

Theo ông Phùng Văn Chang, Nghị quyết phát huy sức mạnh từ truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam vừa thể hiện tính ưu việt trong đường lối của Đảng, nghĩa là không cào bằng, ai có điều kiện thì đóng góp nhiều hơn, ai có ít thì đóng góp ít, khó khăn thì động viên tinh thần.

“Điều đặc biệt, mọi nguồn huy động được đóng góp ở thôn, buôn và nộp vào ngân sách xã, thị trấn. Nguồn chi đầu tư cho các trường học được cân đối theo thứ tự ưu tiên. Tất cả có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân và các đoàn thể chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp”, ông Chang nói.

Chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, anh Trần Huy Nam, xã Ea Đa (huyện Ea Kar) tâm sự: “Trước đây, mỗi khi nhà trường huy động xã hội hóa là chúng tôi hoài nghi về tính minh bạch các khoản. Nhưng sau khi được trường, địa phương tuyên truyền, hơn nữa đóng góp tại thôn nên tôi yên tâm và tự nguyện hưởng ứng”.

Khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội hóa là điểm yếu tồn tại lâu nay ở Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Ea Kar). Điều này khiến đội ngũ luôn trong tâm trạng lo lắng vì áp lực từ dư luận xã hội. Thu cái gì, khoản nào cũng bị soi và cho rằng nhà trường “tự đẻ” để tư túi.

Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 02, rào cản được tháo gỡ. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thái Sùng: Để tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng dạy học cho năm học tới, nhà trường dự kiến huy động gần 120 triệu đồng. Đến nay, theo thống kê từ thôn, buôn, tổ dân phố, đã huy động được hơn 80%. Đối với nguồn tự nguyện tại trường cũng được gần 30 triệu đồng.

Nghị quyết 02 là bệ phóng để nhà trường và ngành GD-ĐT huyện phát triển lên tầm cao mới. Giờ đây, thầy cô tập trung trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trò chăm ngoan học giỏi, còn những vấn đề khác đã có Đảng dẫn đường, xã hội đồng hành.

Theo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 02, đến nay huyện Ea Kar đã thực hiện cơ bản đạt 4/6 chỉ tiêu gồm: 100% trường học có tường rào, sân chơi, bãi tập, cây xanh, bóng mát; 79,5% các trường có phòng học kiên cố; 100% trường học có trang, thiết bị dạy học cơ bản phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xây dựng 11 bể bơi, 5 vườn phục vụ các hoạt động giáo dục trải nghiệm; xây dựng thêm 5 trường đạt chuẩn quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ukraine thay tướng nhưng không đổi vận

Ukraine thay tướng nhưng không đổi vận

GD&TĐ -Tổng thống Volodymyr Zelensky bày tỏ sự không hài lòng với công việc của Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine là Thượng tướng Oleksandr Syrskyi.

Một vụ thử hạt nhân tại Nevada của Mỹ.

Quốc gia nào vẫn đang thử hạt nhân?

GD&TĐ - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một dự luật từ bỏ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) vào năm ngoái, với lý do Mỹ từ chối phê chuẩn.