Kiến tạo môi trường cùng hạnh phúc

GD&TĐ - Là một trong những nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo, cô giáo Nguyễn Thị Thuý Liên luôn quan niệm: “Lớp học hạnh phúc chính là lớp học cho trẻ được phép sai và sửa sai, được nói ra cảm xúc của mình. Lớp học đó cần đáp ứng 3 tiêu chí: An toàn, yêu thương và tôn trọng”.

Cô Liên cùng các học trò
Cô Liên cùng các học trò

Khuyến khích học sinh… được phép sai

Là giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), cô Liên tâm sự: Muốn có một lớp học hạnh phúc phải kiến tạo một môi trường học tập - nơi mà giáo viên, học sinh (HS) và phụ huynh đều hạnh phúc và cảm thấy hài lòng. Ai cũng biết đến khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Tuy nhiên, cô Liên cho rằng, để trẻ đến trường cảm thấy vui, thích học thì chính thầy, cô phải là người truyền lửa. Nhưng nếu chỉ để HS vui thích đến trường thì chưa đủ, mà cần tạo môi trường để các em thấy hạnh phúc mỗi khi đến lớp.

Đó chính là lý do mà cô Liên luôn gần gũi, thân thiện với HS trong mỗi giờ lên lớp và tạo được niềm tin từ HS, phụ huynh. Qua đó cũng giúp HS tiếp thu bài giảng tốt hơn, tự tin và hòa đồng hơn. “Từ kinh nghiệm dạy học của mình, tôi thấy tôn trọng cảm xúc là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên Lớp học hạnh phúc. Vì vậy, trong quá trình dạy học, tôi luôn chú ý đến tâm trạng, cảm xúc của HS, chuẩn bị chu đáo cho giờ lên lớp. Từ đó, giáo viên sẽ là người truyền cảm hứng, truyền lửa cho các em” - cô Liên trao đổi.

Trong vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp 5, cô Liên đánh giá HS đã có hiểu biết nhất định về thế giới quan. Vậy nên nếu chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa thì chưa đủ. Theo đó, trong giờ học, cô luôn khuyến khích các em nói ra suy nghĩ của bản thân về những kiến thức trong bài. “Đừng sợ sai, đừng lo các bạn khác cười câu trả lời của mình!” - đó là câu nói mà tôi thường xuyên nhắc học sinh của mình. Chú ý lắng nghe, tôn trọng câu trả lời hay những chia sẻ của các em, sau đó tôi mới giải thích, dẫn dắt các em đến tri thức” - cô Liên chia sẻ.

Theo cô Liên, để xây dựng được Lớp học hạnh phúc, cần sự thay đổi của cả giáo viên và HS. Đặc biệt, giáo viên phải thay đổi nhận thức, tư duy, hành động của mình; Thay đổi bản thân để rút ngắn khoảng cách thầy và trò; Thay đổi để vươn tới một môi trường học tập mà có thể khơi dậy tâm huyết của người thầy, sự tự tin, hào hứng, say mê của học trò.

Chủ động đổi mới dạy, học

Cô Liên cho biết, trong suốt 16 năm dạy học của mình, cô đã gặp rất nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Có những em gia đình khó khăn về kinh tế hay không còn bố hoặc mẹ; Có những em thiếu sự yêu thương của cả bố mẹ, chỉ nhận được sự chăm sóc của ông bà. Còn có trường hợp các em bị sốc tinh thần khi bố mẹ li hôn... Với mỗi trường hợp cô đều có cách quan tâm, chăm sóc để giúp các em vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình.

Cô Liên nhớ lại: Năm đầu tiên về công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cô đã dành tình cảm đặc biệt cho một cậu học trò nhỏ, khá yếu ớt vì mang trong người căn bệnh tim bẩm sinh. Đó là một HS lớp 5 hiền lành, chăm chỉ, học lực ở mức khá. Trong giờ học, cậu luôn nghiêm túc lắng nghe bài giảng của cô giáo, hoàn thành bài thật chỉn chu. “Có lẽ vì thế mà tôi không ấn tượng nhiều về cậu.

Cho đến một ngày, bố của cậu đến xin cho con nghỉ vì phát hiện con bị bệnh tim. Hôm đó, phụ huynh đã nói chuyện với tôi khá lâu. Trong câu chuyện của mình, phụ huynh luôn miệng nói cảm ơn cô giáo vì cô đã dạy con những bài học bổ ích qua những câu ca dao, tục ngữ. Con đã cảm nhận được tình cảm và tâm huyết của cô nên luôn hứng thú học tập” - cô Liên kể lại.

Cô Liên cũng khá bất ngờ với câu chuyện về cậu học trò nhỏ. Lúc đó cô mới nhận ra rằng, những lời nói, cử chỉ tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ, tình cảm của HS. Từ đó, cô đã chú ý đến cậu học sinh đó nhiều hơn. Khi biết được ước mơ của em là trở thành bác sỹ, cô luôn động viên em cố gắng trong học tập để đạt ước mơ của mình. “Thời gian học THCS rồi THPT, em vẫn cùng các bạn về thăm tôi, vẫn nhắc lại những ấn tượng trong các giờ học của cô.

Năm thi đại học, em báo tin trúng tuyển vào Học viện Quân y mà tôi thấy vui hơn mình đỗ đại học vậy. Thế mới nói, ước mơ nào cũng có thể thực hiện được khi chúng ta lạc quan và có niềm tin vào cuộc sống. Phải chăng đó chính là hình ảnh của Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc và nó đã chắp cánh cho ước mơ của những cô, cậu học trò bay cao, bay xa” - cô Liên bộc bạch.

Qua tìm hiểu, cô Liên còn là một trong những giáo viên tích cực chủ động sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học. Cô luôn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tốt nhất từ Ban giám hiệu nhà trường trong quá trình dạy học theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, từ việc mời chuyên gia về tọa đàm, trao đổi về chuyên môn đến việc trang bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tiên tiến.

Nhằm thu hút sự hứng thú học tập của học sinh, cô đã áp dụng kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp dạy học như: Ứng dụng CNTT trong dạy học; Tổ chức hoạt động trải nghiệm; Tổ chức trò chơi học tập; Hướng dẫn học sinh ghi bài bằng sơ đồ tư duy; Tạo không khí vui vẻ trong giờ học bằng hoạt động vui nhộn hoặc đơn giản chỉ là câu đố vui; Đặt những câu hỏi mở, khuyến khích học sinh tìm lời giải đáp; Tăng tương tác giữa giáo viên và học sinh không chỉ trong giờ học mà cả giờ nghỉ, giờ chơi, giờ ăn ngủ bán trú.

“Thông qua những hoạt động này, tôi hiểu rõ hơn về tâm tư, tình cảm của HS, để có thể lựa chọn cách dạy học phù hợp nhất” - cô Liên chia sẻ.

“Chỉ khi mỗi một học sinh trong lớp học cảm thấy hạnh phúc thì mới có Lớp học hạnh phúc, Trường học hạnh phúc. Đó là điều không chỉ những người trong ngành Giáo dục mà cả xã hội cùng quan tâm, mong muốn”. 
                                                         Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liên 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.