Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm TTATGT, không nể nang, xuê xoa

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền để toàn xã hội thấy việc dừng xe, xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra là món quà Tết ý nghĩa đối với mọi người.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Như tin đã đưa, sáng 9/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 và Năm An toàn giao thông 2020; triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 và năm an toàn giao thông 2021.

Tai nạn giao thông giảm sâu ở cả 3 tiêu chí

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong 5 năm qua đã có những chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2011-2015. Theo thống kê từ Bộ Công an, so sánh giai đoạn 2016-2020 với giai đoạn 5 năm trước (2011-2015), số vụ TNGT giảm 42,71%, số người chết giảm 19,01% và số người bị thương giảm 53,91%.

Đặc biệt năm 2020, TNGT đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua, số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20% và đây là lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người.

Công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Đặc biệt là năm 2019 với nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; ngay sau đó Chính phủ kịp thời ban hành và chỉ đạo ra quân thực hiện nghiêm từ 1/1/2020 Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Việc ban hành và triển khai Nghị định 100 là điểm sáng trong nhiệm kỳ này, chế tài xử phạt các hành vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhất là hành vi vi phạm nồng độ cồn, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành giáo dục, hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, các đoàn thể chính trị-xã hội triển khai đồng bộ, lấy trọng tâm là chủ đề Năm An toàn giao thông tạo động lực để lan toả thông điệp về an toàn giao thông, xây dựng văn hoá trong toàn xã hội. Đồng thời, công tác giáo dục, đào tạo về ATGT được triển khai thực hiện toàn diện trong hệ thống nhà trường (từ bậc mầm non đến đại học), các cơ sở dạy nghề, nhất là trong hoạt động đào tạo, sát hạch đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT được Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và cấp uỷ chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, tập trung xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân gây TNGT, đặc biệt là người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, chạy quá tốc độ, chở quá tải trọng cho phép.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT cùng các bộ ngành, địa phương ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước, huy động xã hội hoá đầu tư, nâng cấp đưa vào khai thác nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông mới; đồng thời thực hiện sửa chữa, bảo trì các công trình kết cấu hạ tầng hiện hữu, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, tạo môi trường an toàn, thuận tiện cho hoạt động tham gia giao thông.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng tích cực tham gia vào công tác đảm bảo TTATGT với nhiều giải pháp và mô hình mới, sáng tạo

“Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi biểu dương các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 5 năm qua”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu.

Tình hình TTATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp

Mặc dù tình hình TTATGT trong giai đoạn 2016-2020 có nhiều chuyển biến, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, trong đó số vụ và số người bị thương do TNGT đều đạt và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội giao, song Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó nổi lên là: tình hình TTATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT vẫn còn ở mức cao; vẫn còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải, còn các địa phương để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao trong 5 năm qua.

Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải giảm sâu trong năm 2014-2015 nhưng từ năm 2016 đến nay, tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn có nhiều mỏ vật liệu, cửa khẩu, cảng biển, bến sông; tái diễn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý; hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương, chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp trên các trục giao thông trọng điểm và các đô thị lớn, không chỉ tại TP. Hà Nội, TPHCM, mà hiện nay các đô thị loại 1 đều đã xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.

Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 và Năm An toàn giao thông 2020. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 và Năm An toàn giao thông 2020. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Đánh giá, phân tích thực trạng tình hình, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh 5 nhóm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 và những việc cần lưu ý trong năm 2021 để các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức triển khai thực hiện.

Theo đó, thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về ATGT, hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao năng lực cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT. Hoàn thiện các cơ sở pháp lý để triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác bảo đảm TTATGT; luật hoá và có lộ trình thực hiện những cam kết quốc tế về ATGT mà Việt Nam đã tham gia. Lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông vào trong các quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn.

Trong năm 2021, cần tập trung xây dựng Dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; Quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng ô tô; kinh doạnh vận tải bằng xe mô tô, xe gắn máy qua phần mềm; quy định về đầu tư xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về bảo đảm TTATGT; quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông; hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các cấp.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp và kế hoạch duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên các dự án trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức-Long Thành, cầu Mỹ Thuận 2;… Tiếp tục xử lý dứt điểm, kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh; thực hiện đúng tiến độ, lộ trình, bảo đảm chất lượng các dự án xây dựng đường gom, xoá lối đi tự mở theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 không còn lối đi tự mở trái phép qua đường sắt.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT, trong đó tập trung vào các nhóm hành vi vi phạm chính như: Điều khiển phương tiện khi trong cơ thể có nồng độ cồn, ma tuý; điều khiển phương tiện quá tốc độ; chở hàng hoá quá tải trọng; đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm;...

Trong năm 2021, Bộ Công an, Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố cần ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí xử phạt để mua sắm, lắp đặt và kết nối hệ thống Camera giám sát, hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông và bảo đảm an ninh trật tự; nâng cấp hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình ô tô đảm bảo chia sẻ liên thông giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục CSGT và các Sở GTVT; lập đề án kiểm soát tải trọng xe tự động trên đường bộ; lập đề án Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTATGT đảm bảo kết nối sử dụng chung giữa ngành công an, GTVT, y tế, tài chính và tư pháp.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hoá giao thông trong toàn xã hội. Phát huy vai trò nòng cốt của các đoàn thể chính trị, xã hội, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng trong cuộc vận động toàn dân tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng văn hoá giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng các phương tiện, nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, định hướng các giá trị văn hoá giao thông; đấu tranh, ngăn ngừa những hiện tượng “phi văn hoá” trong giao thông.

Trong năm 2021, Bộ GTVT cần khẩn trương ứng dụng công nghệ để giám sát và tự động đánh giá, sát hạch để cấp Giấy phép lái xe, lái tàu..; đẩy mạnh ký kết các hiệp định song phương công nhận Giấy phép lái xe giữa Việt Nam với các quốc gia không phải là thành viên của Công ước Vienna 1968.

Cuối cùng, thứ năm là tiếp tục đầu tư, phát triển hoàn thiện hệ thống cứu hộ tai nạn giao thông trong cả nước; quy hoạch và đầu tư xây dựng các trạm cấp cứu y tế trên mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ; đầu tư mua sắm, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cứu hoả, công an cấp huyện phục vụ cứu hộ, khắc phục hậu quả tai nạn giao thông.

Trong năm 2021 và 2022, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung xây dựng và tổ chức diễn tập thực hiện kế hoạch ứng phó và giải quyết tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thuỷ nội địa; Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư trang thiết biết bị, nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ nhân lực của các bệnh viện tuyến huyện đảm bảo đủ khả năng cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu TNGT cho cán bộ y tế cấp xã, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an xã, dân quân tự vệ và đội ngũ tình nguyện viên bảo đảm ATGT tại cơ sở.  

Nhấn mạnh, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Dương lịch, sau đó là Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ 13 của Đảng và chúng ta sẽ đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Công điện 1711 ngày 7/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2021. Đặc biệt lưu ý công bố và duy trì trực ban 24 giờ trong ngày, số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị có chức năng tiếp nhận và xử lý vi phạm TTATGT; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; trấn áp những kẻ cố tình chống đối người thi hành công vụ; không vì Tết mà nể nang, xuê xoa.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền để toàn xã hội thấy việc dừng xe, kiểm tra, thậm chí xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra đó chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với mọi người dân. 

Tại Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chính thức phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT giai đoạn 2021-2025 trong phạm vi toàn quốc.

Theo baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ