Theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường, để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc ở các khâu, công tác thanh, kiểm tra năm nay sẽ có một số điểm mới.
5 rõ trong thanh tra
- Ông có thể cho biết, những điểm mới trong chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về hoạt động thanh tra/kiểm tra tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021?
- Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 16/4/2021 giao cho UBND cấp tỉnh, trực tiếp là Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Thanh tra Chính phủ, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế.
Phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh, sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong hoạt động thanh tra/kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng: Rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, rõ mục tiêu, phương pháp và rõ trách nhiệm. Thanh tra, kiểm tra các khâu của công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, đúng pháp luật.
Năm nay, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cử cán bộ công chức (CBCC) tham gia Ban Chỉ đại (BCĐ) thi cấp quốc gia. Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử người tham gia BCĐ cấp tỉnh và tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi của địa phương theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
- Trong công tác thanh tra, kiểm tra tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có sự tham gia của các đoàn ở 3 cấp là Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, sở GD&ĐT. Năm nay, có sự điều chỉnh để vừa phòng ngừa sai phạm tại địa phương nhưng không chồng chéo nhiệm vụ?
- Về phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 1465/QĐ-BGD ĐT ngày 6/5/2021, cụ thể như sau:
Kiểm tra công tác chuẩn bị thi: Giữ nguyên như năm 2020. Tuy nhiên, năm 2021 thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 sở GD&ĐT (không trùng lặp với các đoàn của BCĐ thi cấp quốc gia). Kế hoạch của BCĐ cấp quốc gia cũng được Bộ trưởng phê duyệt. Theo đó sẽ có 5 đoàn do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn và các thành viên BCĐ kiểm tra tại địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi.
Kiểm tra công tác coi thi: Năm 2021 thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 sở GD&ĐT. Trưởng đoàn và thành viên là lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các cơ sở GDĐH. Mỗi đoàn có ít nhất 2 cơ sở GDĐH tham gia. Mỗi Điểm thi có 1 tổ kiểm tra, mỗi tổ từ 2 người trở lên tùy theo số phòng thi tại Điểm thi theo nguyên tắc như năm 2020.
Kiểm tra công tác chấm thi năm 2020 là thanh tra thì năm 2021 là kiểm tra: Thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 sở GD&ĐT. Mỗi đoàn có từ 3 - 4 người, kiểm tra trực tiếp tại 1 sở GD&ĐT trong suốt thời gian chấm thi.
Phúc khảo: Năm 2020 là thanh tra lưu động tất cả sở GD&ĐT, với 27 đoàn. Năm 2021 là kiểm tra lưu động tại một số sở GD&ĐT: Thành lập 5 đoàn kiểm tra từ 2 - 3 sở GD&ĐT.
Trực thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT 2021 thực hiện như năm 2020.
Tuy nhiên, điều đặc biệt năm 2021 đó là: Thanh tra chuẩn bị lực lượng, các điều kiện cần thiết để thành lập các đoàn thanh tra/kiểm tra đột xuất ở tất cả khâu của kỳ thi; Dự phòng cả tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh; khi có thông tin phản ánh tiêu cực, sai phạm trong việc tổ chức kỳ thi hoặc theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.
Bảo đảm nghiêm túc, an toàn các khâu
- Chất lượng, hiệu quả của cán bộ làm công tác thanh tra/kiểm tra thi phụ thuộc nhiều vào công tác tập huấn. Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch tập huấn (thời gian và phương thức) ra sao? Phương án tập huấn trực tuyến có được tính đến?
- Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp do ngành Y tế đưa ra, chúng tôi đang xây dựng phương án tập huấn cho đội ngũ CBCC, viên chức làm công tác thanh tra/kiểm tra thi tốt nghiệp THPT 2021, với điều kiện không tập trung đông người.
Phương án triển khai tập huấn online cũng được tính đến. Đề nghị các cơ sở giáo dục sử dụng tối đa những người đã tham gia tập huấn, làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm 2020 tiếp tục làm nhiệm vụ năm 2021.
Sẽ có phương án triển khai cập nhật các quy định mới trong kỳ thi năm nay. Việc tổ chức tập huấn vẫn phải được chú trọng, đúng quy định và góp phần để Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
- Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để ứng biến những tình huống bất thường, Bộ chuẩn bị phương án dự phòng ra sao về nhân lực làm công tác thanh tra/kiểm tra thi?
- Phương án, kịch bản tổ chức thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT 2021 được dự liệu và bám sát chỉ đạo của BCĐ thi cấp quốc gia trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có tình huống bất thường.
Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để huy động lực lượng là cán bộ, giảng viên và học viên của các cơ sở GDĐH đào tạo khối ngành sức khỏe, các nhà trường trong lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ.
- Ông có lưu ý gì với các địa phương trong công tác thanh tra/kiểm tra tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021?
- Năm 2021, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được giao cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng ở các khâu từ tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Với ngành Giáo dục, cần quán triệt việc tổ chức kỳ thi phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan tránh tiêu cực. Các cấp, cơ quan, lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi phải quán triệt ngay từ khi chuẩn bị, đến khâu coi thi, chấm thi. Khâu nào cũng phải thực hiện nghiêm túc, an toàn, rõ trách nhiệm.
Sai phạm sẽ phải xử lý, không để xảy ra khoảng trống, điểm mờ trong kiểm tra, thanh tra thi. Tất cả hội đồng thi tại các địa phương đều cần được quán triệt đầy đủ điều này và phân công làm rõ trách nhiệm ngay từ đầu.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, với kinh nghiệm rút ra từ năm 2020, cùng sự phối hợp tích cực hiệu quả của các lực lượng, chúng ta sẽ có Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.