Bên cạnh duy trì hình thức dạy học trực tuyến, nhà trường khẩn trương chuẩn bị kiểm tra học kỳ I để đảm bảo kế hoạch năm học.
Chuẩn bị nhiều phương án kiểm tra trực tuyến
Bên cạnh một số địa phương cho học sinh THCS, THPT trở lại trường thì ở ĐBSCL vẫn còn nhiều địa phương học sinh chưa thể đến lớp. Theo kế hoạch thời gian năm học, lịch kiểm tra cuối kỳ I đã cận kề nên giải pháp kiểm tra trực tuyến được chuẩn bị với nhiều phương án.
Theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022, học kỳ I của năm học bắt đầu từ ngày 6/9/2021 và kết thúc vào giữa tháng 1/2022, với 18 tuần. Các khối lớp đã học trực tiếp thì học sinh thi trực tiếp. Khối còn lại chưa đến trường, học sinh sẽ thi trực tuyến. Sở chỉ đạo các trường tổ chức thi học kỳ I không gây áp lực cho học sinh, đảm bảo chất lượng, công bằng, khách quan…
Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, quan điểm của sở là học sinh học tới đâu sẽ kiểm tra tới đó, không có việc học trực tuyến chỉ ở mức độ cơ bản, còn đề kiểm tra trực tiếp sẽ khó hơn, cao hơn, sâu hơn... như một số phụ huynh lo lắng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo các trường ở tỉnh Tiền Giang, kiểm tra học kỳ I được chuẩn bị theo hướng tinh gọn, không đặt nặng vấn đề điểm số, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Mỗi trường chuẩn bị các bài kiểm tra định kỳ một cách linh hoạt để đảm bảo mục tiêu kiểm tra kiến thức đã tiếp thu, tránh thiệt thòi cho học sinh trong quá trình học trực tuyến.
Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) đã lên phương án cụ thể cho việc kiểm tra học kỳ I. Theo cô Trần Thị Mỹ Linh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, hình thức viết bài luận sẽ áp dụng đối với môn tự luận Ngữ văn; các môn học khác có hình thức khác nhau như kiểm tra trắc nghiệm qua hệ thống phần mềm để giáo viên thuận lợi khi chấm bài.
Học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, lớp 2 kiểm tra học kỳ như thế nào là vấn đề được nhà trường, phụ huynh quan tâm. Các em cũng chưa tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19 nên rất khó trở lại trường kiểm tra trực tiếp. Trong khi bản thân còn quá nhỏ để thao tác máy tính, điện thoại để hoàn thành bài thi.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, các em được đảm bảo an toàn tuyệt đối khi đến trường thì sẽ tổ chức kiểm tra với hình thức trực tiếp. Nếu không, các trường tổ chức kiểm tra trực tuyến.
Để việc kiểm tra trực tuyến đảm bảo chất lượng, Sở lưu ý các trường phải phối hợp với phụ huynh hướng dẫn học sinh sử dụng nền tảng kiểm tra, đảm bảo các em có thể thao tác tốt. Khi học sinh đang làm bài kiểm tra, nếu phát sinh tình huống bị gián đoạn do sự cố về kết nối Internet phải tạo điều kiện cho các em được kiểm tra lại. Trong trường hợp kết quả kiểm tra của học sinh bất thường, nhà trường tổ chức kiểm tra lại bằng hình thức phù hợp...
Tích cực hỗ trợ học sinh ôn tập
Để chuẩn bị kiểm tra học kỳ I, thầy trò đều có bước chuẩn bị để thích ứng với việc kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến. Hiện, giáo viên cho học sinh làm thử các dạng bài tập trắc nghiệm hình thức online, hoặc gửi đề để trò tự rèn kỹ năng làm bài. Qua đó hỗ trợ, rèn luyện để các em tự tin khi thi, kiểm tra.
“Ngoài việc tham gia học trực tuyến đầy đủ, ghi chép cẩn thận, em còn trao đổi với thầy cô, các bạn qua Zalo, Facebook. Đây là năm học khá áp lực nên em và các bạn học tập nghiêm túc, thầy cô hỗ trợ kịp thời. Đợt kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến đã giúp em có nhiều kinh nghiệm trong việc làm bài cuối kỳ sắp tới”, em Lê Bảo Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Tầm Vu (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết.
Để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra học kỳ I, các giáo viên tích cực hỗ trợ học sinh ôn tập có chất lượng. Đa phần các môn thi đều theo hình trắc nghiệm nên quan trọng là làm sao để học sinh hiểu bài, không học thuộc lòng, đối phó. Thầy cô đồng thời nhắc nhở học sinh sử dụng thiết bị học tập an toàn, chuẩn bị kỹ lưỡng trước kỳ kiểm tra. Theo thầy Nguyễn Hoàng Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu, nhà trường yêu cầu giáo viên bộ môn, tùy theo sức học của từng em mà dành thời gian để gửi thêm bài qua Zalo, phần mềm, hỗ trợ các em kỹ năng ôn tập có chất lượng…
Theo Sở GD&ĐT Hậu Giang, tùy theo điều kiện thực tế, các trường có thể chọn hình thức kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến. Nếu cho học sinh kiểm tra trực tiếp trên giấy tại trường thì bố trí mỗi phòng không quá 24 em; kiểm tra theo hình thức trực tuyến, trường phải có tổ kỹ thuật hỗ trợ học sinh. Sở cũng đã xây dựng kế hoạch dự phòng (kiểm tra lần 2) để đảm bảo quyền lợi cho các em.
Thời điểm này, các trường học ở tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo giáo viên hướng dẫn học sinh thao tác các kỹ năng liên quan đến ứng dụng trong quá trình làm bài, cách nộp bài trên hệ thống. Theo hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ nắm kỹ thông tin ngày kiểm tra, giờ kiểm tra trên hệ thống, sau đó chọn lớp để vào thi. Đúng thời gian quy định, giáo viên sẽ kích hoạt hệ thống, ấn định thời gian làm bài, khi các em làm xong bài thi sẽ nộp trên hệ thống. Sau đó, hệ thống sẽ trả kết quả làm bài kiểm tra để học sinh và phụ huynh biết.