Kiểm tra, giám sát thường xuyên các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và CĐ sư phạm.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước thực hiện công tác đánh giá ngoài và thực hiện quy trình công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ bản đã hoàn thiện cho cả đánh giá ngoài cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, cần có các quy định cụ thể để có thể kiểm tra, đánh giá và giám sát hoạt động các trung tâm định kỳ, thường xuyên, liên tục. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Từ năm 2024, Bộ sẽ triển khai kiểm tra, giám sát dựa trên văn bản pháp quy này và yêu cầu các trung tâm kiểm định phải tuân thủ theo các quy định của Thông tư.

Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng, năng lực và các tiêu chuẩn cao hơn đối với một kiểm định viên, đồng thời để có căn cứ tổ chức các đợt sát hạch cấp thẻ kiểm định viên, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Vào cuối năm 2023, Bộ đã tổ chức lại đợt sát hạch để cấp thẻ kiểm định viên sau nhiều năm tạm dừng để hoàn thiện văn bản pháp luật.

Hai Thông tư nói trên được các chuyên gia, cơ sở giáo dục đại học đánh giá cao và cũng khá kịp thời để tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Về yêu cầu với các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng cho rằng, trước tiên, các trung tâm cần phát triển đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp (các kiểm định viên) chất lượng.

Cùng với đó, các trung tâm cần tập trung phát triển các bộ công cụ để cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo bồi dưỡng cho cơ sở giáo dục đại học; từ đó xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong bền vững, bảo đảm các nguyên tắc của hoạt động kiểm định theo quy định pháp luật.

Ưu tiên công tác chuyển đổi số, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong công tác đánh giá ngoài nói riêng và nhiều khâu trong công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục.

Thực hiện đầy đủ, thường xuyên việc khai báo cơ sở dữ liệu sau đánh giá lên hệ thống phần mềm chung về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT. Tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm chất lượng trong chính các trung tâm, tham gia đánh giá bằng các bộ tiêu chuẩn nước ngoài bởi bên thứ ba để sớm đạt được sự công nhận của tổ chức bảo đảm chất lượng khu vực, quốc tế cũng là vấn đề cần tập trung thực hiện.

Tóm lại, các trung tâm phải cần là một tổ chức đúng nghĩa, không vì lợi nhuận, góp phần cải tiến chất lượng cho giáo dục đại học Việt Nam và giúp các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đẩy nhanh việc hội nhập chuẩn mực quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ