Kiểm tra, đánh giá trực tuyến: Làm sao để công bằng, hiệu quả?

GD&TĐ - Nhà trường cần sử dụng đa dạng hình thức kiểm tra như tự luận, trắc nghiệm, quay video; cho phép học sinh làm bài thi thử; phối hợp với phụ huynh… giúp tăng hiệu quả buổi kiểm tra trực tuyến.

Phụ huynh kèm con học trực tuyến. Ảnh minh hoạ
Phụ huynh kèm con học trực tuyến. Ảnh minh hoạ

Thầy Lê Văn Bảy, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Châu, tỉnh Hưng Yên: Học sinh chỉ được đăng nhập trên một thiết bị

Trường THCS Tân Châu dự kiến tổ chức kiểm tra giữa học kỳ I trong 3 ngày 2 - 4/11 với nhiều hình thức như trắc nghiệm, tự luận. Riêng môn Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, học sinh sẽ quay, chụp sản phẩm, tải lên phần mềm Azota để giáo viên chấm.

Chuẩn bị các điều kiện cho bài kiểm tra giữa kỳ, nhà trường, giáo viên cần xây dựng kỹ kế hoạch kiểm tra đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng, đánh giá đúng chất lượng học sinh như thông báo lịch kiểm tra cụ thể đến cán bộ giáo viên, học sinh.

Học sinh chỉ được phép đăng nhập trên một thiết bị, tài khoản tên theo đúng danh sách lớp để làm bài. Trong phần mềm kiểm tra, nhà trường cài đặt hệ thống đề thi để mỗi học sinh nhận một đề riêng được trộn từ bộ câu hỏi do các tổ chuyên môn xây dựng.

Trong quá trình làm bài thi, nhà trường yêu cầu toàn bộ học sinh bật camera. Giáo viên được phân công coi kiểm tra phải quan sát được học sinh làm bài và đảm bảo xung quanh không có người hỗ trợ, mặt bàn không có tài liệu.

Nhà trường đã gửi thông báo tới phụ huynh học sinh, mong nhận được sự phối hợp quản lý từ phía gia đình trong thời gian kiểm tra. Đề phòng học sinh gặp trục trặc về phương tiện, mất điện hoặc hết thời gian không gửi được bài vào hệ thống do phần mềm khoá, nhà trường sẽ xây dựng phương án phụ kiểm tra lại. Đề kiểm tra phụ có mức độ tương đương với đề chính.

Học sinh lớp 12 tại Hà Nội thi thử trực tuyến vào tháng 5/2021. Ảnh: Tú Anh
Học sinh lớp 12 tại Hà Nội thi thử trực tuyến vào tháng 5/2021. Ảnh: Tú Anh

PGS.TS Phạm Thọ Hoàn, đồng sáng lập trang web học và thi trực tuyến OLM, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Rõ ràng các khâu

Để tổ chức kỳ thi trực tuyến thành công, các trường cần quan tâm đến hai vấn đề quan trọng. Đầu tiên, kỳ thi phải diễn ra suôn sẻ, ít gặp sự cố đối với thí sinh. Nếu gặp sự cố, học sinh cần được hỗ trợ kịp thời từ thầy cô giáo. Tiếp đó, kỳ thi cần đảm bảo tính khách quan, kết quả thi phản ánh đúng lực học của học sinh.

Để giải quyết vấn đề trên, nhà trường nên thành lập ban kỹ thuật hỗ trợ hội đồng thi. Ban kỹ thuật khảo sát và chọn phần mềm thi phù hợp, đáp ứng những tiêu chí như nghiệp vụ thi trực tuyến cấp trường phải tương tự như kỳ thi trực tiếp. Phần mềm có thể hỗ trợ 3 dạng đề thi (trắc nghiệm, tự luận, hỗn hợp trắc nghiệm và tự luận).

Với bài thi trắc nghiệm được máy chấm tự động, phần mềm cho học sinh có mã đề khác nhau, thứ tự các câu hỏi và phương án trả lời được hoán vị ngăn trao đổi đáp án. Với bài thi tự luận, học sinh có thể làm trực tiếp trên máy hoặc làm trên giấy rồi chụp ảnh nộp bài, giáo viên chấm trực tiếp trên máy với các công cụ chấm trực quan giống như chấm trên giấy.

Phần mềm sử dụng cho học sinh làm bài thi phải có chức năng lưu lại mọi thao tác trên máy tính trong quá trình làm bài, tránh mất bài và các rủi ro về đường truyền; kiểm soát được sự trung thực, hạn chế gian lận của học sinh. Phần mềm cũng cần có các tính năng thống kê, báo cáo, trích xuất, lưu trữ bài thi và kết quả kỳ thi thuận tiện và chính xác.

Ở khâu ra đề, giáo viên nên ưu tiên trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn hoặc những môn không thể thi trắc nghiệm, nhằm tiết kiệm công sức chấm bài của giáo viên và đảm bảo tính khách quan tuyệt đối.

Đề trắc nghiệm nên bao quát chương trình học, tập trung vào mức độ nhận biết và thông hiểu. Đặt thời gian làm bài chặt chẽ để học sinh có vừa đủ thời gian làm bài, tránh trường hợp học sinh có thời gian rỗi để trao đổi bài hoặc tra cứu bài trên mạng.

Với môn thi kết hợp trắc nghiệm và tự luận, thầy cô nên tách bài thi trắc nghiệm trong khung thời gian riêng để tránh trường hợp học sinh trao đổi đáp án phần thi trắc nghiệm khi làm tự luận.

Giáo viên được phân công ra đề và thẩm định đề cần xét duyệt đề thi trực tiếp trên phần mềm trước khi phát cho học sinh. Bởi nhiều đề thi tải lên từ file word có thể hiển thị không chính xác trên phần mềm do lỗi quá trình tải lên.

Khâu coi thi cũng vô cùng quan trọng. Thông thường phần mềm quản lý thi trực tuyến không có công cụ giám sát học sinh qua camera và mic. Các trường có thể sử dụng ba nền tảng kết hợp với nhau: Phần mềm quản lý thi trực tuyến, phần mềm trông thi (như Zoom, Meet, Teams) và phần mềm cho hội đồng thi (Zalo).

Các trường nên tổ chức thi thử để giáo viên, học sinh làm quen với cách thi trực tuyến. Thầy cô trông thi phải có kênh dự phòng để liên lạc với học sinh, phụ huynh nếu gặp sự cố. Sau khi kỳ thi kết thúc, cần tải ngay kết quả bài thi về máy cá nhân, trường để lưu trữ, tránh sự cố mất dữ liệu trên máy chủ.

Giáo viên nên coi kết quả thi trực tuyến là một thành phần, kết hợp theo dõi, đánh giá thường xuyên để đưa ra đánh giá cuối cùng. Đề thi nên đưa thêm nội dung đánh giá năng lực do học sinh trình bày trước màn hình như phỏng vấn, trao đổi, đặt câu hỏi trực tiếp online... hoặc tạo tổ hợp bài thi online và vấn đáp. - TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Văn Thanh nhận án phạt nặng sau những sai phạm ở vòng 17 V-League.

Vũ Văn Thanh bị VFF phạt nặng

GD&TĐ - Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quyết định tăng án phạt với hậu vệ Vũ Văn Thanh của câu lạc bộ Công an Hà Nội.