Kiểm tra, đánh giá trực tuyến: Một số yếu tố khách quan cần nhìn nhận

GD&TĐ - Mặc dù, nhiều đơn vị đã chủ động triển khai các hình thức đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ khá tốt, tuy nhiên, kiểm tra trực tuyến còn khá mới mẻ nên một số nơi vẫn lúng túng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngoài ra, giáo viên, phụ huynh cũng không tránh khỏi lo ngại về tính công bằng, trung thực khi các điều kiện để thực hiện trực tuyến chưa được bảo đảm. 

Còn nhiều trục trặc

Sở GD&ĐT Đắk Lắk vừa yêu cầu Trường THPT Chu Văn An (TP Buôn Ma Thuột) hủy bỏ kết quả thi lại lần 2 theo hình thức trực tuyến và tổ chức thi lần 3 cho 32 em.

Trước đó, Trường THPT Chu Văn An tổ chức kiểm tra lại cho những học sinh chưa đủ điều kiện lên lớp vào các ngày 24 và 25/8. Tuy nhiên, có 32 em nằm trong khu vực phong tỏa để phòng, chống Covid-19 nên không thể tham gia. Sau đó, ngày 3/9, nhà trường tổ chức kiểm tra đợt 2 theo hình thức trực tuyến, dành cho những học sinh chưa thể tham gia đợt 1. Điều đáng nói, đề kiểm tra chỉ có 10 câu hỏi, học sinh làm bài trong 15 phút.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Đắk Lắk, việc thi lại lần 2 của Trường THPT Chu Văn An, từ cách ra đề thi, phương thức thi, thời gian thi đều không đúng với quy định của Bộ GD&ĐT: Chưa đảm bảo cơ sở để đánh giá mục tiêu cần đạt môn học của học sinh nên bị buộc phải hủy toàn bộ kết quả thi. Toàn bộ học sinh thi đợt 2 đều phải thi lại, kể cả những em đã đủ điều kiện để lên lớp.

Sở GD&ĐT chỉ đạo trường tổ chức thi lại lần 3. Trong đó, yêu cầu nhà trường phải lập kế hoạch tổ chức thi, ra đề thi đúng với quy chế, ôn tập cho học sinh trước thời điểm thi một tuần. Với những học sinh có thay đổi kết quả thi, trừ ở lại lớp thành được lên lớp, Sở yêu cầu nhà trường tổ chức dạy lại kiến thức cho học sinh từ đầu năm đến thời điểm xét lên lớp vì năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tháng.

Thời điểm cuối năm học 2020 – 2021, trừ khối 9 và khối 12, học sinh các khối lớp còn lại của bậc THCS, THPT thành phố Đà Nẵng đều làm bài kiểm tra cuối học kỳ II theo hình thức trực tuyến. Sau những lúng túng ban đầu, các trường học đã điều chỉnh lại cấu trúc, định dạng đề. Theo đó, hầu hết trường học xây dựng đề theo cấu trúc 70% trắc nghiệm, 30% tự luận.

Cô Hồ Thị Thảo Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - cho biết: “Phần thi tự luận, với các môn Toán, Vật lý, Hóa, Sinh học, vì có hình vẽ, đồ thị… nên học sinh làm trên giấy, chụp lại và nộp bài trên phần mềm. Khi cho học sinh kiểm tra thử, chúng tôi phát hiện ra vì cùng gửi bài thi lên hệ thống nên dẫn đến bị nghẽn, có em không thể gửi được. Phần mềm thi hết giờ là sẽ tự khóa, vì vậy, nhà trường điều chỉnh phần tự luận theo dạng điền khuyết. Học sinh làm trực tiếp vào phần mềm, sẽ thuận tiện hơn. Đề kiểm tra các môn này vì vậy phải thiết kế lại câu hỏi phần tự luận”. 

Khó để yêu cầu học sinh ghi hình nếu các em sử dụng điện thoại thông minh để vào “room” kiểm tra trực tuyến. (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Khó để yêu cầu học sinh ghi hình nếu các em sử dụng điện thoại thông minh để vào “room” kiểm tra trực tuyến. (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Phụ thuộc vào chất lượng đường truyền

Thầy Thạch Cảnh Bê – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Đức Phổ (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) - cho biết: “Đến thời điểm này, các môn học đều có ít nhất một cột điểm đánh giá thường xuyên. Nhà trường vẫn đang dạy – học theo hình thức trực tuyến nên giáo viên cũng sử dụng ứng dụng MS Team để tổ chức kiểm tra. Tuy nhiên, do chất lượng đường truyền không ổn định, thiết bị của học sinh không đảm bảo nên mỗi lần kiểm tra chỉ khoảng 30 - 35 em tham gia được. Giáo viên vì vậy phải thiết kế cả đề dự phòng để những học sinh bị rớt mạng có thể làm bài sau”.

Trường THPT số 2 Đức Phổ dùng nhiều hình thức để đánh giá thường xuyên học sinh như bài kiểm tra, bài tập, dự án… Nếu kiểm tra viết, trừ môn Ngữ văn, cấu trúc đề các môn sẽ là 70% trắc nghiệm và 30% tự luận. Trong đó, học sinh có 15 phút làm các câu trắc nghiệm, nộp bài trên ứng dụng phần mềm và có kết quả ngay.

Phần thi tự luận, với các môn Toán, Vật lý, Hóa, Sinh học, vì có hình vẽ, đồ thị… nên học sinh làm vào giấy, chụp lại và nộp bài trên phần mềm. Với môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, các em làm luôn phần thi tự luận trên ứng dụng sau khi nộp phần trắc nghiệm. Mỗi học sinh có một tài khoản riêng chứ không dùng đường link để tăng tính bảo mật.

Tuy nhiên, theo thầy Bê, với môn Ngữ văn, vẫn có một số trục trặc nhỏ do làm bài theo hình thức tự luận, không có đáp án sẵn nên học sinh chưa thể nhận kết quả ngay.

Theo dự kiến của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, đầu tháng 11, học sinh các trường học trên địa bàn thị xã Đức Phổ sẽ đến trường học trực tiếp. Thầy Thạch Cảnh Bê thông tin: Từ 13/9, Quảng Ngãi bắt đầu dạy – học từ tuần 1 nên đến tháng 11 sẽ kiểm tra định kỳ cho học sinh các khối lớp. Nếu các em đến trường học trực tiếp, công tác tổ chức kiểm tra sẽ thuận lợi. Trong trường hợp vẫn duy trì hình thức dạy học trực tuyến, nhà trường sẽ xây dựng phương án kiểm tra trực tuyến để trình Sở GD&ĐT Quảng Ngãi xin ý kiến.

Theo đó, Trường THPT số 2 Đức Phổ sẽ chia mỗi khối lớp theo hai khung giờ khác nhau để không nghẽn đường truyền. “Những giáo viên bộ môn dạy nhiều khối lớp sẽ vất vả hơn trong khâu ra đề vì buộc phải ra nhiều đề chứ không thể chỉ sử dụng một đề như kiểm tra trực tiếp.

Khi kiểm tra trực tiếp, học sinh sẽ nộp lại đề với những môn trắc nghiệm và các em không thể chia sẻ đề và kết quả bài làm cho nhau. Nhưng với kiểm tra trực tuyến và chia ca trước ca sau, sẽ có tình huống học sinh chụp lại đề để gửi cho ca sau tham khảo. Vì vậy, mỗi kíp kiểm tra phải có một đề riêng” – thầy Bê dự trù phương án kiểm tra giữa học kỳ nếu vẫn dạy – học trực tuyến. 

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều giáo viên, khó nhất vẫn là việc thực hiện ghi hình quá trình làm bài của học sinh. Nếu các em sử dụng thiết bị máy tính có kết nối Internet thì có thể thực hiện được. Vì cùng một lúc mở 2 đường link hoạt động và cũng đủ dung lượng để ghi lại. Với những em sử dụng điện thoại thông minh, việc ghi hình sẽ ảnh hưởng đến các thao tác làm bài, thậm chí là không thể ghi hình được. Vì vậy, cũng phải tin tưởng vào tính tự giác, sự trung thực của các em. -  Thầy Huỳnh Đoàn Thuần, GV môn Toán, Trường THPT số 2 Đức Phổ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.