Kiểm tra, đánh giá giữa kỳ: Bám sát thực tế dạy học

GD&TĐ - Dạy học trong bối cảnh dịch diễn biến khác nhau ở các địa phương buộc ngành Giáo dục và nhà trường phải ứng biến linh hoạt.

Việc kiểm tra đánh giá giữa kỳ với HS “vùng xanh” không khó khăn với các nhà trường. Ảnh: NTCC
Việc kiểm tra đánh giá giữa kỳ với HS “vùng xanh” không khó khăn với các nhà trường. Ảnh: NTCC

Đặc biệt trong công tác kiểm tra đánh giá cũng thay đổi để phù hợp và phản ánh đúng thực tế.

“Ngóng” kiểm tra trực tiếp

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Dù dạy học trực tuyến nhưng từ đầu năm học các trường vẫn kiểm tra đánh giá thường xuyên HS để nắm hiệu quả giáo dục và có giải pháp hỗ trợ học sinh (HS) kịp thời. Tuy nhiên với bài kiểm tra đánh giá giữa kỳ, các trường chưa tiến hành dù bắt đầu năm học không muộn so với trường “vùng xanh”.

“Hy vọng tháng 11, tình hình dịch ổn định, HS quay trở lại trường học trực tiếp, trường sẽ ôn lại kiến thức cơ bản rồi tiến hành kiểm tra đánh giá trực tiếp để đảm bảo chính xác kết quả dạy học. Trường hợp, HS vẫn học trực tuyến hết học kỳ I, các trường sẽ kiểm tra giữa kỳ theo hình thức này…” - bà Hằng trao đổi.

Nhiều hiệu trưởng các trường đang triển khai dạy học trực tuyến cũng cho rằng: Nếu kiểm tra đánh giá giữa và cuối kỳ theo hình thức trực tuyến hoàn toàn có thể. Song để đạt chất lượng tốt, GV cần ôn tập lại kiến thức; phân loại HS chưa đạt yêu cầu thành nhóm riêng theo từng lớp, khối để hỗ trợ. Đặc biệt, nội dung kiểm tra chỉ nằm trong phần kiến thức cơ bản, không “chạm” vào nội dung kiến thức giảm tải…

Dù đang dạy trực tuyến nhưng Ban giám hiệu Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ - Hà Nội) đã sẵn sàng 2 phương án kiểm tra giữa kỳ trực tiếp và trực tuyến. Cô Tô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Nếu kiểm tra trực tuyến, GV sẽ ra đề theo đúng khuôn khổ nội dung, chương trình đã dạy học; Có đầy đủ ma trận đề; Quá trình kiểm tra trực tuyến với môn tự luận sẽ cử 2 GV coi một lớp, HS bật camera suốt quá trình làm bài. Với một số môn học không nhất thiết phải làm bài kiểm tra và để tránh áp lực cho HS sẽ tiến hành theo hình thức trắc nghiệm, làm tiểu luận rồi chụp gửi về cho GV…

Dẫu có sự chuẩn bị kĩ càng phương án kiểm tra trực tuyến nhưng cô Tô Thị Bích Liên vẫn thẳng thắn bày tỏ: “Kiểm tra trực tuyến độ chính xác, chất lượng không thể đảm bảo. Vẫn có những trường hợp HS gian dối thi cử, phụ huynh hỗ trợ HS khi làm bài kiểm tra…”.

Do vậy, nếu dịch ổn định, HS được quay trở lại trường học tập và kiểm tra giữa kỳ vào tháng 11 theo hình thức trực tiếp cũng không muộn. Kiểm tra trực tiếp phản ánh kết quả dạy và học chân thực nhất. Kết quả là căn cứ quan trọng giúp nhà trường điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp hơn, bổ sung kiến thức cho HS chưa đạt yêu cầu, nâng cao chất lượng giáo dục tổng thể...

Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ - Hà Nội), trường chưa lên phương án kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến bởi còn chờ chỉ đạo chuyên môn từ phòng GD&ĐT. Mặt khác, trường cũng “nán” lại để đợi HS Hà Nội đi học trực tiếp (tháng 11) mới tiến hành kiểm tra định kỳ trực tiếp.

Cô Minh cũng cho rằng: “Kiểm tra đánh giá HS tiểu học được tiến hành thường xuyên nên bài kiểm tra giữa kỳ chỉ mang ý nghĩa đánh giá ở một thời điểm nhất định. Nếu chưa thể kiểm tra giữa kỳ đúng theo kế hoạch (cuối tháng 10) cũng không ảnh hưởng tới tiến trình dạy học.

Mong muốn kiểm tra đánh giá giữa kỳ trực tiếp nhưng cô Minh cũng bày tỏ niềm tin vào kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến khi kèm điều kiện có biện pháp đảm bảo quá trình kiểm tra. Chỉ có như vậy mới phản ánh thực chất việc học tập của HS. Và trong tình huống dịch bệnh, HS chưa thể tới trường học trực tiếp, kiểm tra trực tuyến cũng giúp cho tiến trình dạy học không ảnh hưởng...

Dạy học trực tuyến gặp khó khăn nhất định trong kiểm tra đánh giá. Ảnh: NTCC
Dạy học trực tuyến gặp khó khăn nhất định trong kiểm tra đánh giá. Ảnh: NTCC

Chắt lọc nội dung phù hợp

Đối với nhiều trường học “vùng xanh”, dạy học trực tiếp các nội dung căn cốt, tinh giản, kiểm tra đánh giá giữa kỳ cũng được các nhà trường cho biết đang triển khai bình thường nhưng có sự “chắt lọc” để phù hợp thực tế dạy học.

Cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng - Bắc Giang) trao đổi: Trường đã lên kế hoạch kiểm tra giữa kỳ theo thực tế dạy học. Lưu ý lớn nhất mà nhà trường chỉ đạo tới tổ chuyên môn, GV là trong ma trận đề kiểm tra, những yêu cầu về kiến thức kĩ năng cần đạt sẽ thay đổi để nằm trong nội dung dạy học, không kiểm tra vào nội dung tinh giản.

Ninh Bình cũng là địa phương dạy học theo hình thức trực tiếp vì vậy việc kiểm tra đánh giá giữa kỳ đối với HS tiểu học không có nhiều thay đổi. Bà Phạm Thị Tuất, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình) cho biết: HS khối 1, 2, 3 không thực hiện kiểm tra giữa kỳ; khối 4, 5 kiểm tra với môn cơ bản: Toán, Tiếng Việt. Bên cạnh đó không kiểm tra phần kiến thức đã tinh giản, nội dung chưa dạy tới.

Thời lượng nội dung kiến thức kiểm tra đánh giá giữa kỳ với HS tiểu học Ninh Bình do các trường chủ động để phù hợp thực tế dạy học, hướng dẫn của Bộ, Sở GD&ĐT. Thời gian kiểm tra giữa kỳ năm học này diễn ra muộn hơn với một số trường học huyện Kim Sơn bởi khai giảng muộn để phòng chống dịch. Một số trường chỉ dạy học 1 buổi/ngày thời gian đầu.

Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) khẳng định, kiểm tra đánh giá giữa kỳ đang được nhà trường chuẩn bị kĩ càng để phù hợp với thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học khi ứng phó với dịch Covid-19. Việc kiểm tra đánh giá giữa kỳ nhằm khảo sát chất lượng là chính, không tạo ra áp lực đối với GV và HS bởi quá trình dạy học GV đã có phương pháp để nắm được năng lực, tiếp thu của HS tới đâu? Cần bù lấp kiến thức nào? chứ không căn cứ vào bài kiểm tra giữa kỳ để đánh giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.