Kiểm tra, đánh giá cần ứng xử tinh tế từ người thầy

GD&TĐ - Gọi HS đứng lên phát biểu là việc bình thường của GV, nhưng khi các em phát biểu chưa đúng lại đòi hỏi cách ứng xử tinh tế, linh hoạt từ người thầy.

Cô trò Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh minh họa: INT
Cô trò Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Tạo hứng thú thay áp lực

Mới đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu giáo viên trên địa bàn không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “gọi bất chợt, hỏi bất chợt” vì khiến học sinh thêm căng thẳng, áp lực trước khi bước vào bài học mới. Điều này thu hút sự quan tâm từ dư luận, nhất là giáo viên, học sinh.

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Là giáo viên một trường THCS tại Hà Nội, cô Nguyễn Thị Hương cho rằng, không ít học sinh coi kiểm tra miệng đầu tiết học như “nỗi ám ảnh”. Nếu bất chợt bị gọi tên mà không trả lời được, thầy cô cho điểm 0 và ghi vào sổ đầu bài.

Thế nhưng thay vì tạo áp lực, cứng nhắc trong kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể gợi mở theo các phương án khác nhau để học trò tìm được câu trả lời đúng. Do đó, cô Hương thường mở đầu giờ học bằng một trò chơi, câu đố vui liên quan đến kiến thức cũ, bài học mới giúp học sinh thích thú.

Cô Đào Thị Luyến - Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Mọi giáo viên đều mong học trò nắm được kiến thức trên lớp thật tốt cũng như ôn tập bài kỹ ở nhà. Bởi vậy, kiểm tra bài cũ trước khi vào bài mới cũng là thường tình. Tuy nhiên, thầy cô cần động viên các em có ý thức tự giác trong học tập. Kể cả trong giờ học, nếu học sinh trả lời sai không nên phủ nhận ngay ý kiến đó mà hãy ghi nhận sự hăng hái, gợi ý thêm cho các em câu trả lời đúng. Tránh chê bai khiến học sinh xấu hổ, tự ti, không dám phát biểu xây dựng bài”.

Trường học thuộc địa bàn huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), thầy Phạm Quốc Bảo – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh - cho hay, vận động học sinh tới lớp đầy đủ đã là thử thách không nhỏ với thầy cô, nhà trường.

Do đó, khi gọi các em lên kiểm tra bài cũ hoặc phát biểu trong giờ học phải thực hiện linh hoạt để đánh giá đúng năng lực, chứ không để tạo ra áp lực, tự ti. Ở 4 điểm trường, giáo viên chủ yếu động viên học sinh giơ tay phát biểu xây dựng bài; bên cạnh đó, kết hợp các hình thức kiểm tra, đánh giá khác để ghi nhận sự nỗ lực, khả năng, kiến thức...

“Mỗi sinh viên sư phạm đều được học đầy đủ kiến thức, kỹ năng ứng xử với nhiều tình huống có thể xảy ra. Vì thế, giáo viên cần biết cách chuyển hóa cảm xúc từ nóng giận sang ôn hòa, sẵn sàng tiếp nhận những câu trả lời chưa đúng của học trò.

Ban giám hiệu các trường cũng nên trang bị thêm cho nhà giáo năng lực sư phạm từ đầu năm học để ứng xử phù hợp. Mỗi tiết học trên lớp thầy cô khó có thể gọi toàn bộ học sinh phát biểu, quan trọng là tạo cảm hứng học tập thì giờ học mới đạt hiệu quả”, thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) trao đổi.

Cô Đào Thị Luyến và học sinh Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội).

Cô Đào Thị Luyến và học sinh Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội).

Cho trò quyền… trả lời sai

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - nhận định, khi giáo viên gọi học sinh lên bảng hỏi bài cũ, các em trả lời sai là điều chúng ta cần suy nghĩ. Liệu có phải phương pháp dạy học của thầy cô chưa thực sự phù hợp với học trò, hay các em đang gặp khó khăn và cần có thêm sự hỗ trợ của thầy cô hay không?

Hiện nay, dù chúng ta khuyến khích giáo viên dạy bằng cách hỏi chứ không bằng cách kể nhưng câu hỏi phải được đưa ra vừa với năng lực người học. Học trò cần được giúp đỡ để đi đến câu trả lời đúng. Đó mới là giải pháp giúp học sinh suy nghĩ về cách lập luận, khám phá dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Nếu câu hỏi quá khó, các em không thể trả lời được sẽ giống như một hình phạt.

Kiểm tra cũng được xem như cách thúc đẩy việc học. Trẻ sẽ có động lực học tập nhiều hơn nếu được khuyến khích, động viên và hy vọng sẽ có phần thưởng nào đó nếu trả lời được câu hỏi. Còn nếu, lần nào thầy cô hỏi bài và học sinh đều không trả lời sẽ trở nên chán nản, thậm chí chống đối không học.

“Người học nên được giao nhiệm vụ và giáo viên đánh giá vào thời điểm họ sẵn sàng hơn là việc mời lên bất chợt, đánh giá ngẫu nhiên theo cách hỏi của thầy cô. Như vậy sẽ khiến học sinh tự thấy có trách nhiệm học tập, chuẩn bị và tự tin để trình bày. Qua đó, cũng khuyến khích giáo viên có động lực sử dụng thời gian tiếp theo để cải tiến công việc nếu chưa đạt tiêu chuẩn đánh giá”, PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ quan điểm.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cũng gợi mở, giáo viên có thể đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá để người học tự soi vào đó hơn là đánh giá theo những barem học sinh không biết.

“Chúng ta đang làm cho bài kiểm tra miệng hay bài thi trở thành tình huống đe dọa và nỗi sợ. Sẽ không có hiệu quả khi học trong tâm thế này. Người học cần được động viên bởi mong muốn thành công, khám phá, phát triển và nâng cao trình độ chứ không phải vì nỗi lo sợ thất bại. Nên áp dụng chủ trương “không quy trách nhiệm” đối với sai sót; coi lỗi lầm là tất yếu và là cơ hội để học hỏi…

Giáo viên cũng có thể đưa ra các phản hồi xây dựng, chia sẻ kinh nghiệm thường gặp để không chỉ học sinh lên bảng mà tất cả trò trong lớp cùng nhận ra lỗi có thể mắc và cách sửa sai. Người dạy cần kiên nhẫn, kiên trì để giúp học trò học theo tốc độ phù hợp; coi sự thất bại là một phần đương nhiên của quá trình học tập; hỗ trợ và khích lệ giúp học sinh vượt qua khó khăn và phát triển các kỹ năng học tập”, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý thêm.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng, giáo viên cần coi việc học sinh trả lời sai là chuyện bình thường. Thay vì tạo áp lực hoặc cho học sinh điểm kém, có thể ứng xử khôn khéo hơn như cả lớp vỗ tay động viên; cũng có thể gợi ý cho tới khi học sinh đưa ra được câu trả lời đúng. Đồng thời, thầy cô có thể gọi cả em không bao giờ giơ tay phát biểu để giờ học thêm sôi nổi; mọi trò được tham gia vào bài học một cách tự nhiên, hiệu quả nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.