Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Để kiểm soát chất lượng đầu vào sư phạm, bên cạnh việc quy định “ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào” theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018, Bộ GD&ĐT đã thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở giáo dục ĐH theo cơ chế đặt hàng căn cứ vào nhu cầu sử dụng nhân lực sư phạm thực tế của các địa phương.
Bộ GD&ĐT cũng tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, trong đó quy định cụ thể về việc xác định nhu cầu đào tạo, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo.
Nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học thống nhất trong toàn hệ thống, năm 2016, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam, xác định rõ chuẩn đầu ra các trình độ của giáo dục đại học (đại học, thạc sĩ và tiến sĩ). Trong đó nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp là một thành phần không thể thiếu trong việc xác định chuẩn đầu ra của từng trình độ đào tạo nhằm bảo đảm phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động.
Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, đồng thời khẩn trương tiến hành xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đối với từng lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo.
Việc chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo, tư duy phản biện và logic, mức độ linh hoạt và nhạy bén trong xử lý vấn đề, học hỏi tích cực, linh hoạt nhận thức, quản lý cảm xúc và quản lý bản thân, kiến thức về công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ năng đàm phán và thuyết phục...), năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học vào chương trình đào tạo cũng được các cơ sở giáo dục đại học chủ động và tích cực triển khai.