Lối mở nào cho cơ chế hoạt động trường Phổ thông dân tộc nội trú?

GD&TĐ - Vùng tuyển sinh bị thu hẹp, thiếu nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học còn hạn chế…là những khó khăn mà nhiều trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Quảng Ninh đang gặp phải.

Cô trò Trường PTDTNT Tiên Yên trong giờ học (ảnh tư liệu).
Cô trò Trường PTDTNT Tiên Yên trong giờ học (ảnh tư liệu).

Khó chồng khó

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 6 trường PTDTNT với khoảng 1.600 học sinh. Việc duy trì hệ thống các trường PTDTNT là để thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số và người công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động, áp dụng những cơ chế chính sách hiện hành khiến nhiều nhà trường gặp khó, loay hoay trong “mối tơ vò”.

Thầy Hoàng Trọng Hưng- Hiệu trưởng PTDTNT Tiên Yên (huyện Tiên Yên) cho hay: Trường có quy mô 14 lớp (8 THCS, 6 THPT), tổng 440 học sinh. Trường hiện có 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, có 3 CBQL, 28 giáo viên (1 biệt phái), 6 nhân viên và 13 hợp đồng bảo vệ, cấp dưỡng theo Quyết định điều chỉnh chỉ tiêu biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (gọi tắt HĐ 68)

Chiếu theo quy định tại Thông tư 16/2017 về vị trí việc làm, Trường PTDTNT Tiên Yên còn thiếu 1 phó hiệu trưởng, 5 giáo viên, 5 nhân viên. Nhà nước chưa có quy định cụ thể định mức bao nhiêu học sinh thì cần một nhân viên cấp dưỡng. Cũng theo quy định, nhà trường phải có 2 nhân viên y tế, nhưng với PTDTNT Tiên Yên chỉ có 1 nhân viên nên rất khó khăn trong chăm sóc học sinh.

Hiện nay, các trường nội trú chưa có biên chế quản sinh, nên việc quản lý học sinh nội trú gặp nhiều bất cập. Bên cạnh đó, nhân viên trường nội trú đều có liên quan tới việc quản lý, giáo dục học sinh nội trú song không được hưởng chế độ phụ cấp quản trú.

Nhiều cơ chế chính sách chưa phù hợp khiến học sinh trường PTDTNT thiệt thòi. Nhiều cơ chế chính sách chưa phù hợp khiến học sinh trường PTDTNT thiệt thòi.

Bên cạnh đó, CSVC của các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ.

Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh, theo điều 6, Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/01/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy chế về tổ chức, hoạt động của trường PT DTNT thì hiện nay một số trường PTDTNT còn thiếu phòng học bộ môn, phòng ở, nhà sinh hoạt, phòng học và thiết bị giáo dục hướng nghiệp…

Một số hạng mục đã được xây dựng đã quá lâu, đến nay bị xuống cấp. Sân trường bê tông bị vá chắp, nhiều nơi không đảm bảo cho các sinh hoạt tập thể của học sinh; Nhà cũ hệ thống cửa đã gãy rụng, khu nhà ăn, bếp ăn, đã bị bong tróc trần, nấm mốc và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao; Hệ thống thoát nước gồm các hố thu nước, đường dẫn... nhà ở công vụ giáo viên bị xuống cấp, thấm dột những khi trời mưa ...100% học sinh đều ăn ở tại trường nên nhu cầu dùng điện tăng cao trong khi các trường đều không có trạm biến áp riêng.

Trên địa bàn tỉnh chưa có trường PTDTNT đạt chuẩn mức độ 3,4. Số trường đạt chuẩn mức độ 2 đạt 50%. Trong khi một số trường đã được công nhận chuẩn Quốc gia có nguy cơ mất chuẩn, do không đủ điều kiện công nhận lại.

Nhiều trường PTDTNT không có nhà văn hóa để giáo dục truyền thống, giáo dục dân tộc, không có bể bơi để giáo dục kỹ năng sống, phòng chống đuối nước và không có sảnh lớn để tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ …và gặp khó khăn về kinh phí trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nên khó bắt nhịp với điều kiện, yêu cầu của chương trình mới.

Chế độ giáo viên, học sinh bị thu hẹp

Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực, tỉnh Quảng Ninh không còn các xã thuộc khu vực II, và khu vực III, chỉ có 56 xã khu vực I. Việc tuyển sinh của các trường PTDTNT bị thu hẹp. Không những khó khăn về tuyển sinh, chính sách mới còn trực tiếp đến chế độ với học sinh, giáo viên, nhân viên.

Góc hoạt động STEM của học sinh Trường PTDTNT Tiên Yên. Góc hoạt động STEM của học sinh Trường PTDTNT Tiên Yên.

Thầy Bùi Mạnh Duy- Hiệu trưởng Trường PTDTNT Hải Hà (huyện Hải Hà) cho biết, khi Quyết định 861 có hiệu lực, nhà trường khó khăn phân vùng tuyển sinh. Tuy nhiên, ngày 30/3/2022, UBND Tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời đưa ra Quyết định số 13: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 43/2019/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh Quy định vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thuộc diện tuyển sinh vào Trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, địa bàn tuyển sinh là các xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt.

Thầy Duy thông tin thêm, trước đây những nhân viên diện HĐ 68 được ngân sách tỉnh chi trả. Nhưng hiện nay, tỉnh yêu cầu các nhà trường tự cân đối nguồn chi trả cho lao động thuộc diện này. Điều này khiến các nhà trường gặp khó vì không có nguồn chi.

Ngoài ra, theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, chế độ cho học sinh trong các trường PTDTNT có nhiều bất cập. Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài Chính và Bộ GDĐT được ban hành năm 2009 đến nay sau 12 năm thực hiện với sự thay đổi của cơ chế thị trường, giá cả thực phẩm và vật tư tăng so với năm 2009 dẫn đến việc bố trí ăn, nghỉ cho học sinh nội trú của nhà trường hết sức khó khăn, đặc biệt là việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh. Mặt khác, một số đồ dùng trang bị cho học sinh như chăn màn, quần áo, chiếu… chỉ được trang bị một lần cho cả khóa học nên chưa phù hợp.

Cũng từ nghị Quyết định số 861 có hiệu lực, chế độ học sinh bị ảnh hưởng, tỉnh Quảng Ninh có Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 tiếp tục hỗ trợ chế độ học sinh đến hết năm học 2022-2023. Tuy nhiên, học sinh không được hỗ trợ gạo và giáo viên làm công tác quản lý học sinh ở các trường PTDTBT không được hưởng phụ cấp 0,3.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ