Kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn và thẩm định sách giáo khoa

GD&TĐ - Báo cáo gửi Quốc hội, đại biểu Quốc hội của Bộ GD&ĐT về thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 có nội dung về biên soạn, thẩm định SGK.

Thầy cô nghiên cứu sách giáo khoa mới. Ảnh: ITN.
Thầy cô nghiên cứu sách giáo khoa mới. Ảnh: ITN.

Một số kết quả đạt được

Về kết quả thực hiện liên quan đến vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để ban hành các chế độ, chính sách liên quan đến triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, tổ chức thẩm định và phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp; danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7, lớp 10; SGK và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 1, lớp 2 để thực hiện theo đúng lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

Kiểm tra, tư vấn và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 3; phê duyệt Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hướng dẫn các địa phương tổ chức lựa chọn SGK chuẩn bị triển khai năm học 2022-2023. Tổ chức giới thiệu và tập huấn sử dụng SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghiên cứu, tổ chức đề xuất lựa chọn SGK và tiến hành dạy thử nghiệm ngay sau khi tập huấn.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Chỉ thị về việc sử dụng SGK, sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục. Trong đó nhấn mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập…

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Tăng cường kiểm tra việc tổ chức lựa chọn SGK

Về phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản liên quan đến triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn lựa chọn SGK, tập huấn hướng dẫn sử dụng SGK bảo đảm linh hoạt, hiệu quả và đáp ứng mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm SGK của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định, bảo đảm chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình.

Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn SGK. Lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, tăng cường trách nhiệm và tăng cường giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK để nâng cao chất lượng SGK.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai việc biên soạn SGK dân tộc, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng theo kế hoạch đã ban hành. Chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tổ chức dịch một số SGK được phê duyệt sang sách chữ nổi Braille. Phát huy việc biên soạn SGK điện tử, học liệu điện tử theo đúng tinh thần xã hội hóa của Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ