Kiểm định là minh chứng cam kết chất lượng đào tạo
Luật Giáo dục đại học 2012 quy định rõ các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện đánh giá chất lượng cũng như kiểm định ngay sau khi chương trình có khóa đầu tiên tốt nghiệp. Các nhà trường có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho người học cũng như chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, nếu không sẽ không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định.
Thực tế cho thấy, kiểm định chất lượng đào tạo đã và đang được triển khai ở hai cấp: cấp cơ sở đào tạo (cấp trường), đánh giá phủ rộng các mặt hoạt động của cơ sở đào tạo, tập trung nhiều vào sứ mạng, mục tiêu, chiến lược, quản trị và quản lý, đánh giá các nguồn lực như cơ sở vật chất trên phạm vi toàn trường.
Đối với chương trình đào tạo - đánh giá tập trung sâu vào chương trình và quá trình đào tạo. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng ở hai cấp này dựa trên Bộ tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành và Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á), hoặc các bộ tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được Bộ Giáo dục và đào tạo công nhận.
Nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc kiểm định chất lượng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) đã và đang từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục theo các tiêu chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế.
Nhà trường đã nghiên cứu tiếp cận và thực hiện công tác tự đánh giá từ năm 2020. Bên cạnh đó, năm 2022, Nhà trường đồng thời tiến hành đánh giá ngoài 2 chương trình đào tạo gồm Kỹ thuật phần mềm và Tự động hóa theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, kiểm định nhà trường theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT Việt Nam.
Chiến lược phát triển dài hạn
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông luôn chủ động, nghiêm túc thực hiện kiểm định chất lượng các ngành đào tạo. |
Khi tham gia nghiên cứu và thực hiện thu thập tài liệu minh chứng và viết báo cáo, cán bộ, giảng viên nhà trường đã nhận thấy nhiều vấn đề lý luận cũng như thực tiễn liên quan đến quản lý, thiết kế, triển khai thực hiện đào tạo và quản lý quá trình đào tạo.
Nhiều cán bộ, giảng viên cho rằng các tiêu chí đánh giá thể hiện chất lượng đào tạo theo định lượng và các chỉ số thống kê trong các tiêu chí phản ánh chính xác thực tế. Khi làm theo đúng các tiêu chí đặt ra trong bộ tiêu chuẩn thì chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, để từ đó, tạo động lực lôi cuốn sinh viên và hoạt động học tập rèn luyện. Những thay đổi tư duy, nhận thức sau đánh giá là kinh nghiệm vô cùng giá trị đối với các cán bộ, giảng viên và viên chức, người lao động trong nhà trường.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khách quan, quá trình đánh giá được tổ chức công khai và minh bạch. Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đã đánh giá cao về chất lượng các chương trình đào tạo, đồng thời đưa ra các khuyến nghị hữu ích để nhà trường có những giải pháp mang tính chiến lược nhằm cải tiến, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông khẳng định: kiểm định chất lượng không phải là điểm đến mà là khởi đầu để nhà trường có những chiến lược phát triển dài hạn, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tế, đẩy mạnh hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Đồng thời, góp phần nâng cao vị thế của nhà trường với xã hội.
Trong thời gian tới, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp, làm tốt công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp cho sinh viên…Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, trở thành địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực và trên cả nước.