Kiểm định chương trình đào tạo: Cơ hội tiệm cận khung trình độ quốc gia

GD&TĐ - Cùng với trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, công tác kiểm định chất lượng, đặc biệt là các chương trình đào tạo là yêu cầu đặt ra đối với các trường.

Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên cùng đoàn đánh giá ngoài lần thứ 162 của AUN-QA tiến hành kiểm định 5 chương trình đào tạo của ĐH Đà Nẵng.
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên cùng đoàn đánh giá ngoài lần thứ 162 của AUN-QA tiến hành kiểm định 5 chương trình đào tạo của ĐH Đà Nẵng.

Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Thành Việt – Trưởng ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng xung quanh vấn đề này. 

Khẳng định uy tín, thương hiệu

- Thưa PGS.TS, so với công tác kiểm định cơ sở giáo dục đại học, kiểm định chương trình đào tạo có sự khác biệt nào về quy mô cũng như tính chất, phạm vi đánh giá? 

- Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học có quy mô lớn hơn so với kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Phạm vi đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục là toàn diện bao gồm các lĩnh vực và hoạt động quan trọng trong toàn trường về quản trị đại học, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong… cũng như các kết quả hoạt động. 

Trong khi đó kiểm định chất lượng chương trình đào tạo thường tập trung vào cấu trúc, nội dung, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và các hoạt động đào tạo cũng như kết quả giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng liên quan đến chương trình đào tạo đó; chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng viên, cán bộ phục vụ, người học, chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ và hỗ trợ cho chương trình đào tạo. 

Tuy nhiên cơ sở giáo dục chỉ kiểm định chất lượng 5 năm/lần, trong khi số lượng chương trình đào tạo cần được kiểm định của mỗi cơ sở giáo dục rất nhiều. 

- Người học được hưởng lợi gì khi chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn cấp trường, khu vực và quốc tế, thưa ông?

- Kiểm định cấp trường có giá trị trong việc xác định uy tín chất lượng chung của cơ sở giáo dục và những điểm mạnh, điểm yếu trong nhiều lĩnh vực và hoạt động khác nhau trong trường và thường có ý nghĩa đối với công tác quản trị, quản lý, vận hành trường đại học. Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sẽ chỉ ra được những điểm mạnh và những vấn đề cần phải cải tiến đối với chương trình đào tạo và các hoạt động giảng dạy – học tập.

Người học là đối tượng liên quan và thụ hưởng trực tiếp từ chương trình đào tạo. Việc công bố chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định cũng góp phần tạo niềm tin về chất lượng cho học sinh phổ thông cũng như các bậc phụ huynh trong quá trình chọn lựa ngành học cho con em mình ở bậc đại học.

Yêu cầu phải có

PGS.TS Đinh Thành Việt – Trưởng ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng.
PGS.TS Đinh Thành Việt – Trưởng ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng.

- ĐH Đà Nẵng được đánh giá là một trong những cơ sở giáo dục đại học có nhiều chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế. Đơn vị đã chuẩn bị các điều kiện gì để đáp ứng yêu cầu?

- Đại hội Đảng bộ ĐH Đà Nẵng năm 2015 đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về việc phải kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học thành viên và chương trình đào tạo để bảo đảm uy tín, chất lượng và học hiệu.

Từ năm 2016 - 2019, ĐH Đà Nẵng có tổng cộng 20 chương trình đào tạo được kiểm định và đạt các chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế. Trong năm 2020, mặc dù có những khó khăn nhất định liên quan đến dịch Covid-19, song ĐH Đà Nẵng có thêm 4 chương trình đào tạo tiếp tục được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA của khu vực Đông Nam Á.

Để có được các thành quả này, có thể kể đến nhận thức tốt về văn hóa chất lượng và quyết liệt trong chỉ đạo, hành động lãnh đạo cấp cao của ĐH Đà Nẵng và các trường đại học thành viên cho đến cán bộ giảng viên, sinh viên. 

- Với những áp lực ngày càng gia tăng về trách nhiệm giải trình và cạnh tranh gay gắt trong tuyển sinh, việc tham gia kiểm định chất lượng cấp chương trình sẽ mang tính sống còn với các trường trong thời gian tới. Ông có khuyến nghị gì với cơ sở giáo dục đại học trong vấn đề này?

- Từ kinh nghiệm thực tiễn của ĐH Đà Nẵng, để hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đi vào chiều sâu và có thể đạt được kết quả tốt nhất, cần có sự quyết tâm cao của lãnh đạo đơn vị và đầu tư thật sự về cả tài chính lẫn nguồn nhân lực của cơ sở giáo dục đại học với chương trình đào tạo, cơ sở vật chất.

Ngoài ra cần bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo cụ thể cho đội ngũ cán bộ giảng viên. Trong quá trình tự đánh giá, các cơ sở giáo dục cũng cần xây dựng tốt hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và nên thực hiện đánh giá nội bộ chương trình đào tạo trước khi đánh giá ngoài.

Thay vì coi kiểm định chương trình đào tạo là một thách thức nên xem đó là cơ hội tốt để cải tiến, nâng cấp chương trình đào tạo, đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động lẫn khung trình độ quốc gia, phục vụ tốt nhất cho người học và xã hội, góp phần nâng cao uy tín, học hiệu của nhà trường một cách thực sự.

Bên cạnh đó, công tác cải tiến liên tục nội dung cũng như chất lượng hoạt động đào tạo cần được coi trọng. Chương trình đào tạo cho dù có đạt chất lượng khi kiểm định, song sau đó không còn được quan tâm điều chỉnh cải tiến dễ bị tụt hậu, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ liên tục thay đổi và tiến bộ một cách chóng mặt.

- Xin cảm ơn ông!

ĐH Đà Nẵng có 3 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng CTI của châu Âu và 17 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA của khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, đơn vị cũng  có tên trong tốp 450 trường đại học tốt nhất châu Á theo Bảng xếp hạng quốc tế QS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.