Kiểm định chất lượng GD đại học: Hoạt động đào tạo ngày càng chỉn chu, chất lượng

GD&TĐ - Kết quả tự đánh giá, đánh giá ngoài, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH được cập nhật hằng tháng và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT. Trong giai đoạn 2015 - 2020, có thể thấy bức tranh chung về kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục tại Việt Nam ngày càng sáng màu.

Kiểm định chất lượng giáo dục giúp các trường bảo đảm chất lượng đào tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa
Kiểm định chất lượng giáo dục giúp các trường bảo đảm chất lượng đào tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa

Những con số biết nói

Theo ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, đến ngày 31/8, có 256 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 228 cơ sở giáo dục ĐH, 28 trường CĐ sư phạm). 152 cơ sở giáo dục ĐH, 9 trường CĐ sư phạm được các tổ chức KĐCL giáo dục trong nước đánh giá ngoài; trong đó, 144 cơ sở giáo dục ĐH, 9 trường CĐ sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Có 138 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài (122 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục).

PGS.TS Đinh Thành Việt - Trưởng ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng – cho rằng: Cả nước khoảng 240 trường ĐH, học viện (không tính 31 trường thuộc Bộ Công an – Bộ Quốc phòng), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 31 trường CĐ sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Với 5 trung tâm KĐCL giáo dục trong cả nước, con số trên là cố gắng đáng khích lệ của ngành Giáo dục ĐH nước ta trong những năm qua.

“312 chương trình đào tạo được đánh giá (122 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 190 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài) là thành công quan trọng trong thời gian qua. Quá trình tự đánh giá, rà soát lại chương trình đào tạo góp phần làm cho chương trình và các hoạt động đào tạo ngày càng chỉn chu, chất lượng hơn. Tuy nhiên, điều cần suy nghĩ là vì sao số lượng chương trình đào tạo đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài tính đến nay lại nhiều hơn chương trình đào tạo được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước. Trong khi để kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài phải mất công sức, chi phí dịch thuật, đón đoàn kiểm định từ nước ngoài sang cũng tốn chi phí cao hơn.” - PGS.TS Đinh Thành Việt chia sẻ.

Sinh viên làm thủ tục nhập học Trường Đại học Sư phạm – ĐH Đà Nẵng
Sinh viên làm thủ tục nhập học Trường Đại học Sư phạm – ĐH Đà Nẵng 

Với ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác HSSV, Trường ĐHSP, ĐH Đà Nẵng, thông tin Bộ GD&ĐT công bố nói trên là những con số biết nói, đang khẳng định chất lượng giáo dục ĐH ở nước ta ngày càng  nâng cao. Các cơ sở giáo dục ĐH chú trọng hơn vào chương trình đào tạo, đầu ra của người học và không ngừng cải tiến, khắc phục các yếu điểm trong nhà trường khi chu kỳ đánh giá là 5 năm.

“Vì chu kỳ kiểm định 5 năm, năm 2021 sẽ bắt đầu chu trình thứ 2 của kiểm định, lúc đó mới có thể có cái nhìn chính xác, khách quan nhất về hiệu quả của hoạt động kiểm định mang lại cho sự phát triển của một cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, với kết quả hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể vui mừng. Giáo dục ĐH đang hưởng thành quả của hoạt động kiểm định mang lại. Có đến các trường ĐH mới thấy, đâu đâu cũng nói chất lượng và minh chứng” – ThS Nguyễn Vinh San cho hay.

Củng cố hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong

Lưu ý công tác bảo đảm chất lượng, KĐCL giáo dục ĐH trong thời gian tới, ông Lê Mỹ Phong cho biết: Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 69/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2025. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% giảng viên ĐH có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ; 100% cơ sở giáo dục ĐH (đủ điều kiện) thực hiện KĐCL giáo dục, trong đó khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín; trên 35% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài, trong đó 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả trình độ được kiểm định.

Quy chế kiểm định nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ảnh minh họa
Quy chế kiểm định nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ảnh minh họa

“Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về KĐCL giáo dục phù hợp với quy định của các văn bản luật hiện hành và thực tiễn. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo đảm và KĐCL giáo dục, nhất là đối với KĐCL các chương trình đào tạo. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý về KĐCL giáo dục; chú trọng việc giám sát, đánh giá các tổ chức KĐCL giáo dục, công tác bảo đảm và KĐCL giáo dục ở các cơ sở giáo dục ĐH. Xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KĐCL giáo dục ĐH để quản lý việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục ĐH và tổ chức KĐCL giáo dục bảo đảm thực chất, hiệu quả” – ông Lê Mỹ Phong thông tin.

Để làm tốt hơn nữa công tác kiểm định trong thời gian tới, ThS Nguyễn Vinh San cho rằng: Trước hết cần đào tạo đội ngũ kiểm định viên chuyên nghiệp và có chế tài với các trường không kiểm định, kiểm định không đạt, không khắc phục các yêu cầu của kiểm định.

Với PGS.TS Đinh Thành Việt, về lâu dài, bản thân các cơ sở giáo dục phải tự mình không ngừng nâng cao chất lượng của đơn vị và của người học, củng cố tốt hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. Đồng thời, áp dụng chặt chẽ chu trình PDCA (lập kế hoạch - thực hiện - kiểm tra - cải tiến). Thực hiện đối sánh và học hỏi kinh nghiệm, mô hình, cách làm tốt của các cơ sở giáo dục có uy tín trong và ngoài nước. Thực hiện cải tiến chất lượng liên tục, đặc biệt là theo các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài. Muốn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong được xây dựng và vận hành tốt, cũng cần phải thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm chất lượng, đặc biệt là năng lực xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá với các tổ chức KĐCL giáo dục nước ngoài có uy tín. Ông Lê Mỹ Phong cho biết: Có 7 trường ĐH đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP Hồ Chí Minh được cả 2 tổ chức trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục với 190 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.