Kiểm định chất lượng giáo dục: Tác động mạnh tới nhận thức và văn hóa

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam – cho rằng: Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt hậu KĐCLGD đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống hoạt động trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), đặc biệt đến công tác quản trị cơ sở giáo dục và văn hóa chất lượng của nhà trường. 

Văn hóa kiểm định chất lượng phải là đòn bẩy để nâng cao hiệu quả đào tạo. Ảnh: INT
Văn hóa kiểm định chất lượng phải là đòn bẩy để nâng cao hiệu quả đào tạo. Ảnh: INT

Thay đổi từ nhận thức đến hành động về văn hóa chất lượng

Theo PGS Nguyễn Phương Nga, công tác quản lý cơ sở giáo dục là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên. Với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), hậu KĐCLGD, các cấp quản lý đã thực sự quan tâm đến tính chuyên nghiệp, chuẩn hóa trong công tác quản lý điều hành nhà trường; chủ động khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các bên liên quan vào công tác quản trị nhà trường, đóng góp ý kiến cho các văn bản cốt lõi của trường, xây dựng các chương trình đào tạo. Các tài liệu lưu trữ liên quan (hệ thống minh chứng đầy đủ và tin cậy) đến công tác quản lý các hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH cũng được hệ thống hóa và chuẩn hóa.

Để đạt yêu cầu về chương trình đào tạo và hoạt động liên quan, các chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH được rà soát, điều chỉnh và đã mô tả rõ nét chuẩn đầu ra; xác định, mô tả rõ hơn về kết quả kỳ vọng đối với người tốt nghiệp. Nhà trường quan tâm đến tính thiết yếu của việc làm sao để giảng viên, cán bộ quản lý và người học hiểu đúng, nắm chắc những đòi hỏi của chương trình giáo dục đối với từng cá nhân: Cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân theo mô tả công việc để góp phần xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giáo dục đạt chuẩn đầu ra. Các trường cũng bước đầu tham khảo các chương trình đào tạo của các trường ĐH có uy tín trên thế giới.

PGS Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh thêm: Hoạt động KĐCLGD, hậu KĐCLGD đồng thời tạo sự thúc ép chung, nhu cầu hòa nhập đối với cán bộ, giảng viên. Bản thân đội ngũ này đã “vận động” để nâng cao trình độ tiếng Anh, trình độ chuyên môn và tiếp cận những phát triển mới nhất trong chuyên môn; lên tiếng đề nghị lãnh đạo cơ sở giáo dục ĐH tạo điều kiện, môi trường để “tiếp cận làm quen”, hòa nhập vào môi trường giáo dục quốc tế.

Có thể khẳng định, “hậu KĐCLGD” mang lại những thay đổi trong công tác quản trị nhà trường, đặc biệt là tạo dựng, phát triển văn hóa chất lượng trong cơ sở giáo dục bằng thay đổi từ nhận thức đến hành động của lãnh đạo nhà trường, cán bộ giảng viên, nhân viên, người học.

Đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của nhiều nhà tuyển dụng, cựu sinh viên để bước đầu hình thành nếp văn hóa đóng góp ý kiến, chung sức xây dựng, phát triển cơ sở giáo dục. Bên cạnh những tác động tích cực như đã nêu, KĐCLGD đã chỉ ra những tồn tại trong các cơ sở giáo dục.

 
PGS Nguyễn Phương Nga

Cán bộ, giảng viên cũng chú trọng hơn đến “triết lý sư phạm”, những phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phù hợp với ngành/chuyên ngành đào tạo; trình bày nguyện vọng được tham gia xây dựng các chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng phát triển năng lực chuyên môn của cá nhân.

Người học cũng là đối tượng được tác động tích cực. Theo đó, hoạt động KĐCLGD, hậu KĐCLGD bước đầu giúp người học hiểu về kỳ vọng phải đạt được khi tốt nghiệp chương trình đào tạo họ đang theo học. Người học bước đầu có nhận thức về sự thiết yếu để có thể hòa nhập, giao tiếp với các chuyên gia; tra cứu tham khảo các tài liệu chuyên ngành, phải tự học nhiều hơn và buộc phải đạt được trình độ tiếng Anh tối thiểu đủ để thực hiện những yêu cầu trên. Người học đồng thời được tiếp cận với các chuyên gia đánh giá ngoài, chia sẻ nguyện vọng, nhu cầu được đào tạo.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý kiểm định chất lượng

Đưa ra đề xuất với công tác KĐCLGD, PGS Nguyễn Phương Nga cho rằng, Chính phủ nên sớm ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Trong đó, cần có hướng dẫn về nhiệm vụ KĐCL giáo dục ĐH và hướng dẫn về việc xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH theo Điều 9 của Luật.

Hiện tại, trên thế giới có nhiều tổ chức xếp hạng các trường ĐH khác nhau, xã hội có những hiểu biết, nhìn nhận khác nhau về việc xếp hạng, nên nếu không có hướng dẫn cụ thể, các tổ chức và cơ sở giáo dục có thể có những ngộ nhận về việc xếp hạng.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên có quy định về việc yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH trích tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu hợp pháp cho hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong của cơ sở giáo dục và thực hiện KĐCLGD. Đồng thời, có Nghị định cụ thể hơn về các tổ chức KĐCL nước ngoài vào KĐCL các cơ sở giáo dục của Việt Nam, mặc dù họ không đặt trụ sở tại Việt Nam.

Với Bộ GD&ĐT, PGS Nguyễn Phương Nga đề xuất, để việc đánh giá giữa kỳ được thực hiện thống nhất giữa các Trung tâm KĐCL, cần có văn bản mang tính pháp lý của Bộ GD&ĐT. Các quy định, hướng dẫn về tự đánh giá và đánh giá ngoài của Bộ GD&ĐT cần được đưa vào Thông tư để bảo đảm tính pháp lý cao.

Bộ GD&ĐT cũng cần có quy định cụ thể về thành phần và năng lực chuyên môn của các cán bộ thực hiện kiểm tra giám sát hoạt động KĐCL của các trung tâm KĐCLGD. Khi Bộ GD&ĐT đánh giá chất lượng của các báo cáo đánh giá ngoài, Bộ GD&ĐT cần thành lập một hội đồng/tổ chuyên gia có thể kiểm định viên và có năng lực chuyên sâu về KĐCL, có học hàm học vị tối thiểu tương đương với các thành viên của các đoàn đánh giá ngoài của các Trung tâm KĐCLGD.

Việc kết luận phải dựa trên các nguồn thông tin, các minh chứng của nhiều đối tượng liên quan tại cơ sở giáo dục được KĐCL với giá trị của các thông tin được tính tại thời điểm cơ sở giáo dục được đánh giá. - PGS Nguyễn Phương Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.