Kịch càng dài càng nhạt

GD&TĐ - Tòa án ở Anh lại một lần nữa kéo dài màn kịch được dàn dựng rất công phu giữa nước này, Mỹ và Thụy Điển, về số phận Julian Assange.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tòa án ở Anh lại một lần nữa kéo dài màn kịch được dàn dựng rất công phu giữa nước này, Mỹ và Thụy Điển, về số phận Julian Assange - nhà sáng lập trang thông tin chuyên về công bố tài liệu mật Wikileaks.

Người này ngồi tù ở Anh từ năm 2019 sau 7 năm sống lưu vong trong trụ sở Đại sứ quán Ecuador tại thủ đô London. Assange bị phía Mỹ truy nã với cáo buộc hoạt động gián điệp, lấy trộm thông tin mật gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Nếu bị tòa án Mỹ kết tội, người này sẽ bị tù cho tới 175 năm.

Năm 2010, Wikileaks công bố hơn 700.000 tài liệu mật của Mỹ, gây chấn động cả thế giới. Assange là người Australia và không ở Mỹ nên ngoài tầm với của mật vụ và tư pháp nước này.

Màn kịch về số phận của ông được dàn dựng bắt đầu bằng việc Thụy Điển cáo buộc Assange quấy rối tình dục một người phụ nữ Thụy Điển và phát lệnh bắt giữ. Năm 2012, khi đang ở Anh, Assange bị cảnh sát truy lùng theo yêu cầu của Thụy Điển. Assange lo ngại bị phía Anh dẫn độ về Thụy Điển để rồi bị dẫn độ đến Mỹ.

Assange vì thế chạy vào Đại sứ quán Ecuador ở London.

Năm 2019, Tổng thống mới của Ecuador quyết định trục xuất Assange ra khỏi đại sứ quán trong nhận thức rõ rằng cảnh sát Anh suốt bao năm qua vây sẵn và chỉ chờ ông bước ra để bắt giữ. Assange bị cầm tù ở Anh từ năm 2019.

Ngay sau đó, phía Mỹ chính thức yêu cầu Anh dẫn độ ông về Mỹ. Tòa án ở London và Chính phủ Anh đáp ứng yêu cầu này. Tòa án tối cao Anh cũng đã chấp thuận. Như thế có nghĩa là số phận của Assange đã được định đoạt. Đấy là hồi hai của màn kịch.

Hồi ba là tòa án ở Anh xử lý chuyện khiếu nại của Assange. Tòa này không xử lại vụ việc mà chỉ xem xét có chấp nhận cho ông khiếu nại hay không. Chỉ cần tòa này không chấp nhận thì ông sẽ bị dẫn độ ngay sang Mỹ.

Mới đây, tòa án ở Anh để cho phía Mỹ ba tuần để đưa ra cam kết rằng Assange được đảm bảo quyền tự do ngôn luận, không bị phân biệt đối xử vì là người Australia và không bị kết án tử hình thì sẽ được dẫn độ Assange về Mỹ.

Kịch dàn dựng ở đây nghe qua thì rất chặt chẽ và nhân đạo nhưng thực chất thì vạch đường, chỉ lối cho phía Mỹ. Một khi Assange đã bị dẫn độ thì phía Mỹ chắc đâu còn để ý gì về những cam kết nói trên và Anh cũng có thể phủi bỏ mọi trách nhiệm. Assange còn có cách duy nhất để cứu vãn là đưa vụ việc này lên Tòa án nhân quyền châu Âu. Nhưng khả năng thành công không cao.

Kịch càng dài càng nhạt. Người ta biết được ngay mà không cần phỏng đoán về cái kết của màn kịch. Kịch bản thì đơn điệu nhưng được Mỹ, Thụy Điển và Anh diễn rất sâu.

Chuyện quyền tự do ngôn luận và báo chí ở đây tưởng được cả ba đảm bảo nhưng trong thực chất bị chính trị hóa và bị vô hiệu hóa bằng cách áp đặt lý do an ninh ở Mỹ và trách nhiệm hỗ trợ tư pháp giữa ba đồng minh nói trên.

Hồi kết vốn đã được xác định ngay từ đầu màn kịch cho tới nay bị trì hoãn nhiều lần nhưng rồi cũng sẽ đến. Xem ra, sai lầm chết người của vị sáng lập Wikileaks là đã quá ảo tưởng vào hiệu lực của quyền tự do ngôn luận và báo chí ở các nước kia và đã đánh giá quá thấp các tác giả của màn kịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ