Thấy gì qua việc ông chủ Wikileaks bị bắt ?

GD&TĐ - Ngày 11/4, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã quyết định trục xuất Julian Assange khỏi tòa nhà từng là nơi ẩn náu của ông từ năm 2012, mở đường cho cảnh sát Anh bắt giữ nhà sáng lập Wikileaks.

Cảnh sát Anh bắt giữ Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London.	Ảnh: ruptly.tv.
Cảnh sát Anh bắt giữ Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London. Ảnh: ruptly.tv.

Chắc chắn Julian Assange sẽ bị dẫn độ về Mỹ để xét xử. Tuy nhiên, việc bắt giữ nhà báo nổi tiếng này đang là tâm điểm của cuộc khẩu chiến giữa một bên là tự do báo chí và một bên là tính thượng tôn của pháp luật.

Từ sự “phản bội” của Ecuador

Trong những năm gần đây, Ecuador cảm thấy khá mệt mỏi với một vị khách nổi tiếng. Tổng thống mới Lenin Moreno, người lên nắm quyền vào tháng 5/2017, đã quyết định chống lại Julian Assange. Vào tháng 10/2018, Tổng công tố viên Iñigo

Salvador của Ecuador thông báo rằng nhà nước đã chi khoảng 6 triệu USD để duy trì sự tồn tại của Julian

Assange trong đại sứ quán ở London, cam kết không phổ biến các thông tin với mục đích can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác. Những nguồn tin rằng Julian Assange có thể bị trục xuất khỏi đại sứ quán “trong những giờ tới” xuất hiện vào ngày 5/4, nhưng Bộ Ngoại giao Ecuador khi đó đã phủ nhận.

Giải thích quyết định của mình, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno cho rằng, ông Assange đã vi phạm các điều kiện cư trú và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác.

“Tôi yêu cầu Vương quốc Anh bảo đảm rằng Assange sẽ không bị dẫn độ đến một quốc gia, nơi mà anh ta có thể bị tra tấn hoặc tử hình” - Tổng thống Ecuador Lenin Moreno, người đã giao nộp Julian Assange cho chính quyền Anh giải thích.

Ông Moreno cáo buộc Assange tội nói dối và hack, liên tục vi phạm các điều kiện tị nạn chính trị và can thiệp vào các vấn đề của các quốc gia khác, làm suy yếu danh tiếng của Ecuador. Bộ trưởng Nội vụ Ecuador Maria Paula Romo cũng cáo buộc Julian Assange có liên hệ với hai tin tặc người Nga sống ở Ecuador và hứa sẽ tiết lộ thông tin về họ trong tương lai gần.

Trong bối cảnh ấy, cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa, người cưu mang Julian Assange vào năm 2012, đã không tiếc lời chỉ trích người đứng đầu nhà nước Ecuador hiện nay.

“Kẻ phản bội lớn nhất trong lịch sử của Ecuador và Mỹ Latinh - Lenin Moreno đã cho phép cảnh sát Anh vào đại sứ quán ở London để bắt giữ Assange”, ông Correa viết trên Twitter. “Ông ta là một kẻ tham nhũng, nhưng những gì ông ta làm là một tội ác mà nhân loại sẽ không bao giờ quên” - Rafael Correa nhấn mạnh.

Không phải ngẫu nhiên mà cựu Tổng thống Rafael Correa có những nhận định như vậy. Việc trục xuất Assange có liên quan mật thiết với vụ bê bối tham nhũng xung quanh Lenin Moreno mà Wikileaks vừa phanh phui.

Vào tháng 2, WikiLeaks đã theo dõi hoạt động và đăng tải hàng loạt tài liệu của công ty nước ngoài INA Investment, được thành lập bởi anh trai của nhà lãnh đạo Ecuador. Quito cho rằng đó là âm mưu của Assange cùng với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa để lật đổ Lenin Moreno.

Gần bảy năm qua, Julian Assange sống trong diện tích 70 mét vuông, gồm một nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng ngủ, phòng tắm và phòng khách tích hợp.

Đoạn video phát trực tiếp của Ruptly cho thấy, từ một tòa nhà gạch đỏ ở Knightsbridge, London, một số người trong trang phục cảnh sát kéo một nhà báo bướng bỉnh giống như một tu sĩ: Khuôn mặt nhợt nhạt, râu xám và tóc buộc. Trên thực tế, Julian Assange đã tự nguyện phục vụ trực tiếp tại Đại sứ quán Ecuador 2487 ngày - nhiều hơn thời hạn tù tối đa mà người Mỹ có thể đưa ra với các hoạt động của ông.

Trong nhà tù tự nguyện, Julian Assange được nhiều du khách (bao gồm cả ngôi sao điện ảnh Pamela Anderson) đến thăm, nhưng cũng giống như các tù nhân, ông hoàn toàn bị tước quyền tự do đi lại.

Ngay trong ngày thứ Năm (11/4), Thủ tướng Anh Theresa May xác nhận rằng việc bắt giữ ông Assange có liên quan đến yêu cầu của Washington về việc dẫn độ ông ấy về Mỹ.

“Tôi tin chắc rằng toàn bộ Hạ viện sẽ hoan nghênh tin tức về vụ bắt giữ Julian Assange vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh sau gần bảy năm lưu trú tại Đại sứ quán Ecuador. Ông ấy cũng bị bắt vì liên quan đến yêu cầu dẫn độ từ chính quyền Mỹ”, bà Theresa May thông báo trước Hạ viện Anh.

Sau đó, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ xác nhận rằng nhà báo đã bị bắt theo một hiệp ước dẫn độ giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

“Assange bị buộc tội liên quan đến âm mưu xâm nhập mạng... máy tính bí mật của chính phủ Hoa Kỳ... Nếu bị kết án, anh ta phải đối mặt với mức án tối đa lên tới 5 năm tù” - trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ có đoạn viết.

Luật sư của Assange tuyên bố rằng ông coi các cáo buộc là vô căn cứ và sẽ phản đối việc dẫn độ Assange với tất cả sức mạnh của mình. Phiên điều trần đầu tiên về chủ đề này được lên kế hoạch vào ngày 2/5. 

Julian Assange từng có bài phát biểu bốc lửa từ ban công của ĐSQ Ecuador vào tháng 6/2012. Ảnh: Peter Macdiarmid/Getty Images
  • Julian Assange từng có bài phát biểu bốc lửa từ ban công của ĐSQ Ecuador vào tháng 6/2012. Ảnh: Peter Macdiarmid/Getty Images

Người làm chao đảo nước Mỹ

Ngày 19/6/2012, Julian Assange đã lánh nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London, thay vì đến tòa án của Anh trong vụ kiện cáo buộc ông hãm hiếp hai phụ nữ ở Thụy Điển vào năm 2010. Ngay sau đó, Assange đã gọi các cáo buộc có động cơ chính trị và tuyên bố rằng ông đã yêu cầu tị nạn chính trị vì sợ bị dẫn độ về Hoa Kỳ.

Ở Mỹ, Tổng Biên tập Wikileaks đã bị đe dọa phải lĩnh án tử hình về tội “gián điệp và tiết lộ bí mật nhà nước” khi xuất bản hàng trăm nghìn tài liệu bí mật trong năm 2010 liên quan đến cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, Libya, Syria và những chuyện động trời ở nhà tù Guatemala.

Julian Assange đã khởi động dự án Wikileaks trở lại vào năm 2006, nhưng ông trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới vào năm 2010, sau khi xuất bản hàng chục nghìn tài liệu bí mật của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, phơi bày Washington trong nhiều vi phạm nhân quyền và luật chiến tranh. Khi đó,

Wikileaks đã có được nguồn dữ liệu do Bradley Manning, một sĩ quan tình báo quân đội Hoa Kỳ, người được biệt phái thực hiện các nhiệm vụ ở Iraq cung cấp. Năm 2013, ông Bradley Manning bị kết án 35 năm tù với 21 tội danh, nhưng đến năm 2017, ông được Tổng thống Barack Obama ân xá. Bradley

Manning đã tuyên bố mình là người chuyển giới, trở thành bà Chelsea Manning. Tuy nhiên, vào ngày 8/3/2019, bà Manning đã bị bắt vì từ chối làm chứng trước “bồi thẩm đoàn” của quận Đông Virginia về các ấn phẩm được xuất bản vào năm 2010.

Năm 2016, Julian Assange và Wikileaks của ông đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Vào giữa năm 2016, Wikileaks hết lần này đến lần khác đăng tải các tài liệu mật liên quan đến hoạt động tranh cử của đảng Dân chủ.

Trước hết, Wikileaks xuất bản những lá thư cá nhân của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và sau đó là những ghi chép nội bộ của Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sơ bộ.

Qua các tài liệu này, cử tri biết rằng Ủy ban đã bắt tay với bà Clinton trong cuộc chiến chống lại một ứng cử viên khác - Bernie Sanders, mặc dù Ủy ban được cho là một trọng tài độc lập trong cuộc đua nội bộ.

Những công bố của Wikileaks bị Đảng Dân chủ coi là một trong những lý do chính dẫn đến thất bại của họ trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016.

Vào tháng 4/2018, Ủy ban Quốc gia đã đệ đơn kiện ông Assange, cáo buộc ông phối hợp với các nỗ lực của Moscow để phá hoại nền dân chủ Mỹ. Ngoài nhà báo, các bị cáo trong vụ án là Liên bang Nga, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Chủ tịch của Tập đoàn Crocus, ông Aras Agalarov, Phó chủ tịch của Tập đoàn Crocus, ông Emin Agalarov và

Donald Trump. Tuy nhiên, cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Muller kết thúc vào tháng 3/2019 đã không tìm được mối liên hệ giữa Tổng thống Mỹ và các đại diện của Liên bang Nga.

Phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

“Nhiều đảng viên Dân chủ và Cộng hòa vẫn tin rằng Assange cố ý hợp tác với tình báo Nga. Hôm thứ Năm, Thượng nghị sĩ Richard M. Barr, đảng viên Cộng hòa từ Bắc Carolina và là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện tuyên bố rằng Assange và WikiLeaks về cơ bản như một nhánh của các cơ quan tình báo Nga. Phó Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner của Virginia tuyên bố rằng Assange đã trở thành “người tham gia trực tiếp vào các nỗ lực của Nga nhằm phá hoại phương Tây”. The New York Times 

Việc Assange bị bắt đã dấy lên những cuộc biểu tình mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là trong số những người bảo vệ nhân quyền, dân túy và lực lượng cánh tả.

Trong khi Bộ Ngoại giao Anh cho rằng công lý đã chiến thắng thì Đảng cánh tả Podemos của Đức, Thứ trưởng Ngoại giao Ý và nhiều người khác đã tuyên bố ủng hộ nhà báo.

Nhà lãnh đạo của “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Melenchon kêu gọi Paris cấp cho Julian Assange chế độ tị nạn. Việc bắt giữ Assange cũng bị nhiều nghị sĩ và quan chức Nga lên án. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria

Zakharova tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga sẽ đưa vấn đề này ra các tổ chức quốc tế. Đây là việc rất quan trọng, rằng các tổ chức báo chí liên quan phải nói lên tiếng nói của họ, bởi vì đây là câu chuyện chưa có tiền lệ.

Sự yếu kém của các cáo buộc của Hoa Kỳ đối với Assange đã gây sốc - Người tị nạn chính trị nổi tiếng khác từ Hoa Kỳ và là cựu quan chức CIA Edward Snowden khẳng định. Cũng theo lời Snowden, cáo buộc “bẻ khóa” đã tồn tại hơn 10 năm nay và là điểm mà Bộ Tư pháp Mỹ đã từ chối giải trình với Barack Obama vì cho rằng nó là đòn đánh vào tự do báo chí.

Ngay từ tháng 2/2016, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã phát hiện ra việc bắt giữ Julian Assange là bất hợp pháp và kêu gọi chính quyền Anh ngay lập tức bãi bỏ mọi cáo buộc khiến

Assange sợ bị dẫn độ sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, từ năm 2010, chính quyền Hoa Kỳ đã liên tục tìm cách dẫn độ ông. Năm 2017, Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Jeff Sessions xác nhận rằng việc săn lùng nhà báo Julian Assange vẫn là ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư pháp nước này. Tuy nhiên, luật sư Barry Pollack của

Assange đã không nhận được bất kỳ thông tin nào về các cáo buộc chống lại ông cho đến thứ Năm (11/4/2019).

Nhà xuất bản Thông tin và phân tích của Tây Ban Nha El Confidencial thu hút sự chú ý đến thực tế rằng,Assange không rời khỏi lãnh thổ của đại sứ quán Ecuador mà cơ quan ngoại giao này đã mời cảnh sát đến và bắt giữ một người bị tước quyền tị nạn chính trị.

Trích lời Wikileaks do Julian Assange đồng sáng lập, bài báo cho rằng, hành động này (tiếp nhận cảnh sát vào lãnh thổ của đại sứ quán) là một minh chứng cho sự coi thường hoàn toàn luật pháp quốc tế của các quốc gia chịu ảnh hưởng của phương Tây.

Theo tờ Metro của Thụy Điển thì Công tố viên trưởng Ingrid Izgren vẫn chưa quyết định có nên tiếp tục cuộc điều tra đã khép lại hai năm trước hay không. Trong các bình luận của mình, bà thừa nhận rằng việc bắt giữ Assange đối với bà là tin tức bất ngờ. Tuy nhiên, anh ấy để lại một ký ức tốt, trả lời phỏng vấn tờ Aftonbladet, Ingrid Izgren khẳng định. Ví dụ, nói về tội ác của Quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Iraq, bao gồm cả việc giết hại thường dân và nhà báo.

Tờ Bild (Đức) nghi ngờ về tính khách quan của vụ bắt giữ này khi cung cấp thông tin rằng việc bắt giữ

Assange đã xảy ra chỉ 24 giờ sau khi Assange buộc tội chính quyền Ecuador theo dõi ông ta.

Trong khi đó, bình luận viên Dmitry Bavyrin lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Ông Bavyrin cho rằng, việc bắt giữ Assange khiến chúng ta phải lấy làm vui với ông ấy.

Vào năm 2012, khi Julian Assange tìm được nơi trú ẩn trong Đại sứ quán Ecuador ở London, ông ấy là một người hoàn toàn khác.

Khi ấy, Tổng biên tập WikiLeaks là kẻ thù của nước Mỹ, người công khai toàn bộ những hoạt động khuất tất của Lầu năm góc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ông đã được trao giải thưởng nhân quyền cùng hàng với Mandela và Dalai Lama, là Người đàn ông của năm, theo các độc giả của tạp chí Time, một siêu anh hùng của thế kỷ 21, người mang ánh sáng của sự thật ẩn giấu cho nhân loại.

Còn giờ đây, theo Dmitry Bavyrin, cảnh sát Anh vừa lôi một ông già hốc hác ra khỏi Đại sứ quán Ecuador. Thật khó để nhận ra đó là Assange, người đã từng có một bài diễn văn bốc lửa từ ban công của chính tòa nhà này. Thời đại của siêu anh hùng đã qua, giờ đây Assange không thể làm gì được nữa và tất nhiên không ai cần đến ông ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ