(GD&TĐ)-Xu thế xây dựng hệ thống học suốt đời (HSĐ) là xu thế tất yếu trong sự vận động của giáo dục Việt Nam. Với hiện trạng giáo dục Việt Nam, để đạt tới một hệ thống HSĐ đích thực, cần chí ít 10-15 năm với sự nỗ lực bền bỉ của Nhà nước, ngành giáo dục và toàn xã hội.
Trong khoảng thời gian này, những tác động mạnh mẽ và khó lường về kinh tế-xã hội có thể làm thay đổi quỹ đạo vận động của giáo dục Việt Nam. Áp dụng phương pháp kịch bản, bài viết bước đầu đưa ra một số kịch bản khả dĩ để xem xét, phân tích, bổ sung, làm cơ sở cho việc lựa chọn chính sách trong xây dựng hệ thống HSĐ ở Việt Nam.
Học trên lưng trâu. Ảnh: PEDC |
Xây dựng HSĐ: Cơ hội và thách thức
Việc định hình hệ HSĐ Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào các nhà hoạch định chính sách trong việc tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức. Những cơ hội có thể được chỉ ra là: Đất nước bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng; Mô hình tăng trưởng kinh tế chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu; Việc ứng dụng ICT trong tổ chức và hoạt động giáo dục được khuyến khích mạnh mẽ; VN đã là thành viên WTO, tham gia GATS, có nhiều cơ hội mới trong phát triển giáo dục; Nhà nước giữ vai trò chính trong cung cấp nguồn lực cho giáo dục; Xã hội dân sự đã và đang phát huy vai trò tích cực trong phát triển giáo dục, về đóng góp nguồn lực cũng như phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện.
Bên cạnh đó là những thách thức: Bài toán quy mô-chất lượng càng trở nên gay gắt; Cần xây dựng mô hình mới của phát triển giáo dục tương thích với mô hình mới của tăng trưởng kinh tế; Ứng dụng ICT trong giáo dục còn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; Vấn đề thị trường giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí tránh né; Việc xây dựng hệ HSĐ đòi hỏi giải quyết thật tốt bài toán lợi ích giữa ba khu vực trong phát triển giáo dục: Nhà nước, thị trường, xã hội dân sự; Xã hội dân sự ở Việt Nam còn non trẻ, tiềm lực kinh tế yếu, hạn chế trong khả năng đóng góp về nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục theo hướng xây dựng hệ HSĐ.
Hệ HSĐ trong tương lai như thế nào là tùy thuộc vào việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện để phát huy tác dụng tích cực của các nhân tố kinh tế-xã hội. Trong trường hợp xấu nhất, nếu các thách thức không được khắc phục thì bức tranh giáo dục tương lai sẽ là đồng dạng của cái hiện có, tiếp tục tụt hậu so với thực tiễn kinh tế-xã hội của đất nước và so với giáo dục tiên tiến trên thế giới. Trong trường hợp tốt nhất, nếu các cơ hội được hiện thực hóa, giáo dục Việt nam sẽ thực sự bước sang giai đoạn phát triển mới với hệ HSĐ đích thực, trở thành động lực mang tính đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội. Trên thực tế, với sự đan xen của cả cơ hội và thách thức, giáo dục VN sẽ nằm ở một vị trí trung gian nào đó.
Để hình dung về các “câu chuyện” tương lai của giáo dục, ngày nay người ta thường sử dụng phương pháp kịch bản. Phương pháp này sử dụng cả lôgic và trí tưởng tượng để cung cấp cho nhà hoạch định chính sách về những bức tranh tương lai mà cách tiếp cận lôgic truyền thống thường dễ bỏ qua. Vì vậy, kịch bản khác với chiến lược, nó không phải là định hướng cho sự phát triển. Nó là công cụ góp phần khắc phục khiếm khuyết cơ bản trước đây trong phương pháp xây dựng chiến lược là phương pháp ngoại suy. Nó kích thích tranh luận, khơi gợi tư duy và cách nhìn mới, và nhờ vậy mở rộng phạm vi lựa chọn trước khi đi đến quyết định chiến lược.
Về lý thuyết, có thể xây dựng vô vàn kịch bản khả dĩ theo các tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, để đơn giản và thu hẹp phạm vi lựa chọn kịch bản, người ta thường mô tả giáo dục trong một không gian hai chiều. Việc xác định hai chiều này phụ thuộc vào nội dung nghiên cứu.
Một số kịch bản khả dĩ cho hệ HSĐ ở Việt Nam
Với các tác động kinh tế-xã hội chủ yếu như đã phân tích, cũng có thể học tập CEDEFOP để đưa ra các bối cảnh tương ứng cho việc xây dựng kịch bản. Trong phạm vi của bài viết này, sẽ chỉ xét việc xây dựng hệ HSĐ trong một bối cảnh cụ thể là “kinh tế và công nghệ”.
Hai chiều đo được lựa chọn là: 1/ mô hình cung ứng giáo dục (chiều đo kinh tế), 2/ mô hình tổ chức giáo dục (chiều đo công nghệ).
Theo chiều đo 1, chiều hướng của việc cung ứng giáo dục là chuyển từ mô hình cung ứng chuẩn độc quyền sang mô hình chuẩn thị trường. Mô hình chuẩn độc quyền là mô hình trong đó ngoài nhà nước giữ vai trò chủ đạo, còn có các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng giáo dục, nhưng cơ chế cạnh tranh chưa hình thành. Nếu cơ chế cạnh tranh được phát động và hình thành thì đó là mô hình chuẩn thị trường, trong đó ngoài vai trò chủ đạo của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, còn có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tập đoàn giáo dục quốc tế.
Theo chiều đo 2, chiều hướng của việc tổ chức giáo dục trên phương diện công nghệ là chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình tin học hóa. Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ ICT sẽ là tác nhân đóng vai trò động lực chính trong bước chuyển này. Dĩ nhiên, đây là quá trình chuyển đổi liên tục từ việc tin học hóa mang tính bề nổi đến việc tin học hóa sâu rộng, bắt đầu từ việc đưa máy tính vào trong nhà trường, nối mạng internet như chúng ta đang làm hiện nay, đến việc xây dựng nhà trường điện tử, khai thác phần mềm mã nguồn mở, triển khai rộng rãi việc học qua mạng (e-learning), học qua điện thoại di động (m-learning), tổ chức mạng giáo dục để ai cũng có thể học, học mọi lúc, mọi nơi.
Căn cứ theo hai chiều đo đó, có thể xây dựng một ma trận hai hàng hai cột với bốn kịch bản như trong bảng dưới đây:
Mô hình cung ứng chuẩn độc quyền | Mô hình cung ứng chuẩn thị trường | |
Mô hình truyền thống hoặc tin học hóa bề nổi | KB1. Hệ HSĐ hình thành nửa vời do cung không đáp ứng cầu HSĐ, đặc biệt đối với việc đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động. Nguồn lực, cách thức tổ chức và phương thức quản lý không được cải thiện đáng kể, kéo dài tình trạng kém liên thông và khó phân luồng trong toàn hệ thống. Giáo dục chính quy vẫn là lựa chọn số một trên con đường học vấn. Đào tạo tại nơi làm việc, đào tạo tại doanh nghiệp ít được quan tâm. Giáo dục phi chính quy chưa được xét đến. Bài toán quy mô-chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực chưa có lời giải thỏa đáng. | KB2. Có tiến bộ trong khắc phục cung- cầu. Người học có thêm cơ hội trong việc lựa chọn trường học, cách học. Bên cạnh sự đa dạng của hệ thống trường lớp và chương trình giáo dục, xuất hiện yếu tố cạnh tranh. Cơ sở giáo dục được nhiều quyền tự chủ hơn. Hình thành sự gắn kết giữa thị trường đào tạo và thị trường lao động. Chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô trong đào tạo nguồn nhân lực chuyển biến chậm.Gia tăng sự phân tầng, mất công bằng xã hội trong hệ thống và người học. Bên cạnh đó là nguy cơ chảy máu chất xám và gian lận thương mại. |
Mô hình tin học hóa sâu rộng | KB3. Có sự thay đổi cơ bản trong mạng lưới trường lớp, cách dạy, cách học. Hệ thống giáo dục được tái cơ cấu triệt để cùng với sự phát triển của việc ứng dụng ICT trong xây dựng hệ HSĐ. Bài toán quy mô trong HSĐ có hướng giải quyết do các cơ hội học tập được mở rộng theo nhiều hình thức. Tuy nhiên, mô hình rất khó thực hiện vì đòi hỏi nguồn lực lớn, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, quản lý hiện đại. Với cơ chế cung ứng chuẩn độc quyền, nguồn lực con người và tài chính để xây dựng hệ HSĐ bị hạn chế. Kèm theo đó là xu thế đánh đối chất lượng lấy quy mô. Hệ HSĐ hình thành chậm và kém bền vững. | KB4. Hệ HSĐ không chỉ giới hạn trong hệ thống giáo dục quốc dân mà mở rộng thành mạng lưới toàn xã hội. Có sự gắn kết giữa nhà trường, viện nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp trong cung ứng giáo dục. Cơ chế cạnh tranh cùng với tiến bộ công nghệ là chủ đạo và tạo nên sự đa dạng trong tổ chức và hoạt động giáo dục. Người học được nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn trường học, cách học, chương trình học. Nguồn lực để xây dựng hệ HSĐ được huy động mạnh mẽ từ thị trường. Hệ HSĐ hình thành nhanh hơn. Tuy nhiên có nguy cơ chất lượng không đảm bảo và gia tăng mất công bằng xã hội. |
Hiển nhiên, hệ thống giáo dục hiện nay của chúng ta tương ứng với kịch bản 1, theo đó việc cung ứng giáo dục là chuẩn độc quyền, còn việc tổ chức giáo dục về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi mô hình truyền thống, với kiểu tin học hóa bề nổi.
Căn cứ vào 4 kịch bản nêu trên, có thể hình dung bức tranh tương lai của giáo dục Việt Nam trên con đường xây dựng hệ HSĐ theo nhiều phương án: giữ nguyên kịch bản 1, hoặc chuyển sang kịch bản 2, 3, 4, hoặc một kịch bản trung gian nào đó.
Với diễn tiến hiện nay của giáo dục nước ta, xu thế là chuyển sang kịch bản 2 với việc đưa cơ chế cạnh tranh vào hoạt động giáo dục. Mô hình giáo dục hiện đại theo hướng tin học hóa sâu rộng, tuy đã được nói đến nhiều, nhưng chưa có động thái rõ rệt trong chính sách giáo dục cũng như trong nghiên cứu khoa học giáo dục. Điều này gắn liền với các rào cản trong nhận thức, trong năng lực quản lý và trong tổ chức thực hiện chủ trương tin học hóa giáo dục ở nước ta. Trong đó, điều quan trọng nhất là cho đến nay, việc tái cơ cấu hệ thống giáo dục để chuyển từ hệ truyền thống sang hệ HSĐ chưa bao giờ được chính thức đặt trên bàn nghị sự của ngành giáo dục, kể cả khi chủ trương về việc xây dựng hệ HSĐ đã được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng X. Trong những thập niên tới, khi đào tạo nguồn nhân lực trở thành một đột phá chiến lược trong phát triển, giáo dục nhất thiết phải chuyển từ mô hình tổ chức truyền thống sang mô hình tổ chức tin học hóa sâu rộng, coi đó là một phương cách hữu hiệu để góp phần giải bài toán quy mô-chất lượng trong xây dựng hệ HSĐ. Như thế, sẽ có sự chuyển dịch của mô hình giáo dục sang kịch bản 3 hoặc 4. Tuy nhiên, khi thực tế giáo dục nước ta đã chấp nhận mô hình cung ứng chuẩn thị trường thì sự chuyển dịch hợp lý sẽ là sang kịch bản 4, tức là đồng thời phát huy sức mạnh của cơ chế thị trường lẫn ưu thế của cách mạng ICT.
Kết luận
Mục đích của bài viết này là áp dụng phương pháp kịch bản để thử đưa ra một số kịch bản khả dĩ cho hệ HSĐ của Việt Nam trong 10-15 năm tới. Trước hết có hai lưu ý cần thiết.
Một là, theo nguyên tắc chung, các kịch bản không phải là các dự báo về tương lai. Chúng chỉ là các công cụ phục vụ cho tư duy, trao đổi, hợp tác, khắc phục lối mòn, thoát khỏi cái ‘hộp tư duy’ quen thuộc, để mở rộng tầm nhìn, tạo điều kiện xây dựng tầm nhìn.
Hai là, theo cách tiếp cận cụ thể của bài viết này, kịch bản còn được xây dựng rất thô sơ. Theo phương pháp luận chung, để có kịch bản tin cậy, cần một quá trình làm việc công phu, tốn kém và tốn thời gian, dựa trên phân tích dữ liệu, điều tra khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia, làm việc theo nhóm và hoàn thiện dần qua các vòng hội thảo (Jonas 2004). Vì vậy, các kịch bản đưa ra trong bài viết này chỉ nên xem xét như một cố gắng đầu tiên để góp phần hướng tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách tới các bức tranh tương lai của hệ HSĐ nước ta.
Dù vậy, cũng có thể đưa ra một số nhận xét sau đây: 1/ Chúng ta khó có thể xây dựng được hệ HSĐ đích thực nếu tiếp tục duy trì phương thức cung ứng tài chính cho giáo dục như hiện nay cùng với cách tổ chức hệ thống giáo dục tụt hậu so với các bước tiến của công nghệ và yêu cầu đào tạo của người lao động. 2/ Để xây dựng hệ HSĐ đích thực, cần mạnh dạn áp dụng phương thức cung ứng chuẩn thị trường và phát triển hạ tầng ICT để cơ chế cạnh tranh và tiến bộ công nghệ thực sự trở thành các động lực mới trong phát triển giáo dục.
Dĩ nhiên, với việc tiếp tục hoàn thiện quá trình xây dựng kịch bản để xem xét, phân tích nhiều kịch bản khả dĩ trong các bối cảnh khác nhau, chúng ta còn có thể có những phát hiện mới, bất ngờ, giúp cho các nhà hoạch định chính sách về HSĐ có thông tin đầy đủ hơn trong quyết định.
Lược ghi theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến