Điều này hoàn toàn phải dựa vào những nhà biên kịch giỏi. Hơn nữa, việc xã hội hóa trong sản xuất phim truyền hình sẽ tạo cơ hội cho việc ra mắt các phim truyền hình có chất lượng hơn.
Mong chờ kịch bản hay
Đã hết thời các hãng phim Nhà nước chỉ ngồi đợi các biên kịch mang kịch bản đến rồi dựng thành phim truyền hình. Giờ đây với sự ra đời của nhiều hãng phim tư nhân, cùng với nhu cầu được thưởng thức nghệ thuật của công chúng mà các nhà biên kịch luôn được chào đón. Mặc dù so với phim nhựa thì phim truyền hình hạn chế hơn về khung hình, hiệu quả âm thanh. Vì vậy, sự hạn chế về tính nghệ thuật và thẩm mỹ phim truyền hình là đương nhiên. Song nếu như phim điện ảnh có nguồn thu khổng lồ từ phòng vé, thì phim truyền hình tồn tại nhờ vào nguồn thu chính là từ quảng cáo của các doanh nghiệp và một phần từ kế hoạch đầu tư từ các đài truyền hình.
Trong một năm, nhà biên kịch chắc tay có thể viết được một kịch bản phim truyền hình dài khoảng 30 tập. Thông thường 30 tập phim truyền hình rất dễ nhận được cái gật đầu của nhà sản xuất, hơn là một kịch bản phim điện ảnh. Bởi kịch bản phim điện ảnh thường bị đánh giá kỹ càng và qua nhiều khâu thẩm định hơn. Chính vì sức hút của phim truyền hình, cả về tài chính lẫn những đòi hỏi không quá cao về nghiệp vụ, cho nên không ít nhà biên kịch thay vì đầu tư nhiều hơn để xây dựng ý tưởng thành kịch bản phim điện ảnh đã tìm mọi cách đắp thêm chi tiết, nhân vật để bán cho truyền hình.
Với xu hướng phim nhiều tập, nên kịch bản phim truyền hình khá hấp dẫn các nhà biên kịch. Mặc dù giá đặt hàng cho mỗi tập phim truyền hình chỉ vào khoảng trên chục triệu đồng. Tuy nhiên, số lượng các tập phim truyền hình vào khoảng vài chục tập thì tác giả kịch bản sống khỏe. Đó là chưa kể những tác giả biên kịch có thương hiệu sẽ có những mức giá khá cao. Ví dụ như bộ phim truyền hình Trần Thủ Độ (do nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn biên kịch) đã mang lại cho tác giả kịch bản khoản nhuận bút lên đến 900 triệu đồng.
“Có bột mới gột nên hồ”
Theo nhà biên kịch Nguyễn Văn Cự, muốn có phim hay thì nhất định phải có kịch bản hay. Và một kịch bản hay thì nhất thiết phải dựa trên một cốt truyện hay. Đó là vấn đề tiên quyết của người biên kịch. Nhưng với phim truyền hình, yếu tố quan trọng nữa là vấn đề đưa lên màn hình phải có tính xã hội sâu sắc và nhiều người quan tâm.
Chọn đề tài viết đã khó, song để nhà sản xuất phim chấp nhận lại càng khó khăn hơn. Điều này hoàn toàn phải dựa vào những nhà biên kịch giỏi. Tuy nhiên, một bộ phim truyền hình hay không chỉ cần có kịch bản hay mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa. Chẳng hạn kinh phí cho sản xuất, trường quay, kỹ xảo...
Bộ phim Mạch ngầm vùng biên ải của đạo diễn Bùi Huy Thuần; kịch bản Nguyễn Văn Cự và Đoàn Hữu Nam là một trong những phim truyền hình hiện đang được đông đảo khán giả quan tâm và yêu mến. Nội dung phim kể về tình yêu giữa hai số phận bi kịch. Cuộc sống của họ nhìn có vẻ hạnh phúc nhưng phía sau vẫn lẩn khuất bi kịch của quá khứ và hiện tại…
Tác giả kịch bản Nguyễn Văn Cự cũng từng cho biết: Trước khi viết kịch bản cho bộ phim này ông từng là lãnh đạo đầu ngành của một địa phương, nên hiểu rất rõ các mối quan hệ chằng chịt trong xã hội. Mối quan hệ này như một mạch ngầm. Và khó hơn là mạch ngầm này không chảy trong lòng đất mà nó chảy trong lòng người.