Con chữ đến với bản làng, tương lai tươi sáng hơn

GD&TĐ - Việc triển khai hiệu quả các lớp học xóa mù chữ ở Lạng Sơn đã từng bước mở cánh cửa tri thức cho bà con DTTS.

Lễ khai giảng lớp xoá mù chữ.
Lễ khai giảng lớp xoá mù chữ.

Chắp cánh tri thức nơi vùng khó

Xã Thiện Thuật, tỉnh Lạng Sơn (trước là xã Quang Trung) là địa bàn vùng sâu, vùng xa với đông đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu là dân tộc Nùng.

Do điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều hạn chế, nhiều người dân nơi đây từ nhỏ không được đi học hoặc bỏ học giữa chừng. Khi trưởng thành, họ lại phải bươn chải mưu sinh, dần dần trở thành những lao động không biết chữ.

Không biết chữ khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, từ việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông, tiếp cận chính sách đến tính toán, buôn bán, sản xuất.

Nhận thấy rõ điều này, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Trung tâm học tập cộng đồng xã đã triển khai kế hoạch mở các lớp xóa mù chữ, thực hiện chỉ đạo của các cấp về nâng cao dân trí trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ ngày 18/3/2024, xã đã khai giảng lớp xóa mù chữ Giai đoạn 1 với 30 học viên tại Trung tâm xã. Tiếp đó, từ ngày 08/4/2024, thêm hai lớp Giai đoạn 2 được mở tại các thôn với tổng số 60 học viên tham gia. Tất cả đều trong độ tuổi từ 15 đến 60, phần lớn là lao động chính trong gia đình.

Khác với hình ảnh lớp học ban ngày đầy tiếng cười trẻ thơ, tại xã Thiện Thuật, lớp học lại diễn ra khi trời đã chập tối. Từ 19h đến 21h, từ thứ Hai đến thứ Sáu, ánh đèn từ lớp học nhỏ tại trung tâm xã và các thôn như Nà Tèo, Nà Cao vẫn sáng rực. Bên trong, những người nông dân giản dị, có người đã ngoài 50 tuổi đang chăm chú học từng nét chữ, phép tính đơn giản.

Lớp học được đảm nhiệm bởi các giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Quang Trung. Thầy Vy Văn Giáp – Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để lớp học đạt hiệu quả cao, nhà trường đã chọn những giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tình, am hiểu tiếng dân tộc và phong tục địa phương. Nhờ vậy, các học viên lớn tuổi không còn mặc cảm, tự ti khi đến lớp”.

Không chỉ dạy chữ, các lớp còn chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành: đọc, viết, tính toán cơ bản để phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, buôn bán nhỏ và giao tiếp hằng ngày. Nhờ vậy, lớp học không chỉ mang ý nghĩa giáo dục mà còn thiết thực với cuộc sống của người dân.

Chị Hoàng Thị En (SN 1976), dân tộc Nùng, trú tại xóm Nà Cao là một trong những học viên tích cực của lớp xóa mù chữ. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi được vận động, chị En đã mạnh dạn tham gia lớp học, vượt qua mặc cảm tuổi tác.

Chị tâm sự: “Trước kia tôi không biết chữ, đi chợ phải nhờ người khác đọc giá giúp, không biết tính toán nên thiệt thòi lắm. Bây giờ học được chữ, biết làm phép cộng trừ đơn giản, tôi có thể bán bó rau, bó củi mà không lo bị lừa. Các thầy cô dạy tận tình, dễ hiểu nên tôi rất vui”.

Tương tự, anh Lộc Văn Lân (SN 1985), cũng là người dân tộc Nùng ở xóm Nà Cao, cho biết: “Lúc chưa biết chữ, đi mua cây giống, phân bón mà không biết tên, không hiểu hướng dẫn sử dụng nên toàn làm theo cảm tính. Nay học được chữ, tôi có thể đọc tên sản phẩm, biết cách dùng, từ đó làm nông cũng hiệu quả hơn”.

lop-xoa-mu-chu-thu-hut-dong-dong-bao-dtts-tham-gia.jpg
Lớp xoá mù chữ thu hút đông đồng bào DTTS tham gia.

Mở rộng mô hình, lan tỏa niềm tin

Tính đến tháng 7/2024, sau khoảng 3 - 4 tháng triển khai, các lớp học vẫn duy trì 100% sĩ số, không có học viên bỏ học. Nhiều học viên đã biết ghép vần, viết chữ và tính toán cơ bản. Điều này không chỉ phản ánh tinh thần học tập tích cực của người dân mà còn cho thấy sự đúng đắn trong cách tổ chức, thời gian học hợp lý của lớp học – phù hợp với sinh hoạt và lao động của bà con.

Thầy Vy Văn Giáp khẳng định: “Thành công ban đầu của các lớp học xóa mù chữ không chỉ góp phần nâng cao dân trí, mà còn giúp người dân tiếp cận chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dễ dàng hơn; áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững”.

Việc tổ chức thành công các lớp xóa mù chữ tại xã Thiện Thuật là mô hình tiêu biểu trong công tác xóa mù vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là tiền đề quan trọng để các địa phương khác học tập và nhân rộng.

Tuy nhiên, để duy trì và phát triển mô hình, cần sự quan tâm sát sao hơn từ các cấp chính quyền, ngành giáo dục, đào tạo, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí, tài liệu giảng dạy và chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Đồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của việc học tập, nhất là với người lớn tuổi.

Những lớp học xóa mù chữ nơi vùng cao Thiện Thuật không đơn thuần là nơi dạy chữ, mà là nơi truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân. Khi con chữ đến với bản làng, cũng là lúc tương lai tươi sáng hơn bắt đầu mở ra cho từng gia đình, từng mảnh đời nơi đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ