Khuyến nghị xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên từ SEAMEO

GD&TĐ - Khung năng lực giáo viên dành cho các nước Đông Nam Á – do SEAMEO xây dựng, như một văn bản mang tính khuyến nghị cho tất cả các nước trong khối; để từ đó mỗi nước căn cứ vào tình hình cụ thể của mình đề xuất phương án xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Dự thảo Khung năng lực nói trên đang được SEAMEO xây dựng và công bố trong thời gian tới.

Khuyến nghị xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên từ SEAMEO

TS Tôn Quang Cường - Phó chủ nhiệm khoa phụ trách Khoa Sư phạm (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) - chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại xung quanh Dự thảo này.

- TS có thể chia sẻ một số thông tin cơ bản về Khung năng lực giáo viên dành cho các nước Đông Nam Á sẽ được công bố tới đây?

Năm 2010, Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) đã có bản báo cáo tổng quan đánh giá chuẩn năng lực giáo viên hiện tại của 11 nước trong khu vực liên quan đến mọi khía cạnh: đặc trưng phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên, chính sách và quá trình xây dựng chuẩn năng lực, đánh giá và giám sát thực hiện chuẩn năng lực giáo viên, chính sách thưởng, đãi ngộ, khuyến khích và các khuyến nghị chung trong bối cảnh giáo dục thế kỉ 21.

Bản báo cáo đã đưa ra khuyến nghị chung cho các nước, làm căn cứ để xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên trên cơ sở cụ thể hóa bối cảnh từng quốc gia. Đồng thời, bản báo cáo cũng gợi ý cho các nước nên xây dựng và cụ thể hóa các chuẩn theo tiếp cận “trục đối ngẫu”: trách nhiệm và năng lực (đáp ứng trách nhiệm đó) của giáo viên.

Khung năng lực có thành tố chính là 4 lĩnh vực thể hiện đặc thù công việc nghề nghiệp của giáo viên. Mỗi lĩnh vực được chia ra thành những năng lực chung kèm theo mô tả, biểu hiện của năng lực đó và ở mỗi biểu hiện đều có một “chỉ số thành công”. Cụ thể 4 lĩnh vực này như sau:

Lĩnh vực 1 là biết và hiểu những gì tôi dạy (có thể hiểu là năng lực chuyên môn), với 3 năng lực chung: Hiểu biết sâu và rộng về những vấn đề kiến thức chuyên môn; hiểu biết về những thách thức chính sách trong giáo dục và chương trình; cập nhật những vấn đề về địa phương, vùng, quốc gia và phát triển toàn cầu.

Lĩnh vực 2 là giúp đỡ người học học tập, với 2 năng lực chung: Hiểu biết về người học; sử dụng những chiến lược dạy và học hiệu quả nhất.

Lĩnh vực 3 là kết nối với cộng đồng, với 3 năng lực chung: Kết nối với cha mẹ hoặc người bảo hộ; thu hút cộng đồng trong việc hỗ trợ học sinh học tập; tôn trọng người khác và chấp nhận sự khác biệt.

Lĩnh vực 4 là trở thành người giáo viên tốt hơn mỗi ngày, với 3 năng lực chung: Biết mình biết người; thể hiện sự nhân văn trong cuộc sống và trong công việc; biết điều khiển, quản lý hoạt động nghề nghiệp.

TS Tôn Quang Cường giảng bài
TS Tôn Quang Cường giảng bài

- Ông ấn tượng với điều gì ở Khung năng lực giáo viên này của SEAMEO?

Điều tích cực của Khung năng lực này là tính chất định hướng và theo cách tiếp cận, đánh giá dựa trên nguyên lý; cách xây dựng gọn và bao quát. Điều này phù hợp ở mặt vĩ mô vì đây là văn bản mang tính khuyến nghị cho tất cả các nước trong khối. Trên cơ sở đó, các nước sẽ cụ thể hóa tùy theo từng điều kiện cụ thể.

Bên cạnh đó, tại đây đã mô tả được hình ảnh giáo viên ở tầm khu vực và những yêu cầu rất mới đối với giáo viên ở thế kỷ 21. Nếu đạt được điều này, giáo viên có thể đáp ứng được yêu cầu ở bất kỳ đất nước nào trong khối ASEAN.

- Ông có nhận định như thế nào về chuẩn giáo viên hiện hành so với dự thảo Khung năng lực giáo viên dành cho các nước Đông Nam Á do SEAMEO xây dựng?

Về cơ bản, chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện hành đã có dáng dấp trong khung năng lực này. Tuy nhiên, chuẩn giáo viên của Việt Nam rất đặc thù ở 2 khía cạnh:

Thứ nhất, nhấn mạnh vào phẩm chất chính trị; thứ 2, năng lực phát triển chuyên môn vẫn tập trung vào mô tả yêu cầu của nghề nghiệp (mô tả công việc hiện tại) hơn là tạo cho họ định hướng của phát triển nghề nghiệp (tự đánh giá, soi chiếu, cải tiến để phát triển).

Tôi cho rằng, trong chuẩn giáo viên đang xây dựng cần phải thay đổi điều này.

- Vậy theo ông, bài học gì cho Việt Nam khi xây dựng chuẩn giáo viên từ khung năng lực giáo viên của SEAMEO?

Những bài học có thể rút ra từ Khung năng lực giáo viên dành cho các nước Đông Nam Á như sau:

Thứ nhất, xây dựng chuẩn nên ngắn gọn, nhưng hướng dẫn chuẩn cần tỷ mỉ, đơn giản, dễ hiểu để bất kì giáo viên nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng, so chiếu trong công việc hàng ngày . Chuẩn mang tính chất chung, định hướng; nhưng hướng dẫn thực hiện chuẩn nên chi tiết, cụ thể là vì thế.

Thứ hai, những mô tả về mặt chỉ số, chỉ báo sẽ có một dải tương đối lớn, để mỗi một người tùy vào điều kiện cụ thể của mình để thực hiện, phấn đấu. Chuẩn nên mang tính định hướng phấn đấu cao chứ không phải dùng chuẩn để đánh giá giáo viên theo mục đích về hành chính.

Thứ ba, trong mỗi nội hàm miêu tả của lĩnh vực, của năng lực, của chỉ báo, của minh chứng đều có 1 cho đến 2 từ khóa giúp giáo viên dễ nhận diện được yêu cầu cần thực hiện.

Tuy nhiên, có mấy điểm rất thách thức:

Thứ nhất, thói quen đánh giá theo chuẩn chưa rõ nét nên việc xây dựng chuẩn theo cách tiếp cận này đôi khi có thể sẽ làm khó cho một người giáo viên cụ thể.

Thứ hai, một số yêu cầu về năng lực trong chuẩn còn khá mới, thách thức đối với tư duy với văn hóa, với thực tế cuộc sống ở Việt Nam.

Thứ ba, yêu cầu với giáo viên thế kỷ 21 là nắm bắt được xu thế phát triển và vấn đề mang tính toàn cầu, điều này giáo viên Việt Nam còn hạn chế.

"Năng lực chung của giáo viên là năng lực cốt lõi được đúc kết, hội tụ bởi các thành tố: Phẩm chất đặc trưng nghề nghiệp, kĩ năng nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, các chuẩn mực đạo đức và giá trị nghề nghiệp/cá nhân, sự phát triển nghề nghiệp và học tập suốt đời".

Khung năng lực giáo viên dành cho các nước Đông Nam Á

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.