Khuyến khích phong trào thi đua học tập của học sinh, sinh viên DTTS

GD&TĐ - Ngày 25/11 tới tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2018.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước thềm Lễ Tuyên dương năm 2018, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ý nghĩa của sự kiện này và những chính sách về giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua.

- Thưa Thứ trưởng, từ nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT và UBDT đã  phối hợp triển khai thực hiện các chính sách giáo dục vùng DTTS, miền núi. Sự phối hợp này đã mang lại kết quả thế nào trong lĩnh vực giáo dục vùng DTTS, miền núi?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về công tác dân tộc (Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011), việc phối hợp công tác giữa Bộ GD&ĐT và UBDT được thực hiện thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan với các nội dung trọng tâm, như: Rà soát, tham gia xây dựng chính sách dân tộc; hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra thực hiện chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi; thông tin, tuyên truyền, sơ kết, tổng kết chính sách dân tộc.

Có thể nói, việc phối hợp của hai cơ quan đã góp phần nhanh chóng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi. Phát hiện những vấn đề bất cập, đề xuất xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS.

Đồng thời xây dựng hệ thống chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các chính sách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn khá toàn diện và ngày càng phát huy hiệu quả.

Sự phối hợp hiệu quả giữa hai cơ quan đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi. Các giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS, miền núi; từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giữa các vùng trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

- Thứ trưởng có thể đánh giá khái quát những thành tựu nổi bật, những hạn chế, khó khăn của lĩnh vực giáo dục vùng DTTS, miền núi thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Thời gian qua, giáo dục dân tộc luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và ngày càng toàn diện của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Qua đó, giáo dục đào tạo vùng DTTS, miền núi, đã có những tiến bộ rõ rệt.

Mạng lưới, quy mô trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng DTTS, miền núi được củng cố phát triển, ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông ở miền núi, vùng DTTS đã có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, tỷ lệ học sinh hoàn thành và tốt nghiệp các cấp học tăng.

Bằng các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương, đến nay đã xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại, tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong các phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên.

Năm học 2017-2018, có 319 trường PTDTNT được thành lập ở 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô gần 97.000 học sinh. Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT, PTDTBT, dự bị đại học dần được nâng lên qua từng năm học.

Chế độ, chính sách ưu tiên cho người dạy và người học ở vùng DTTS, miền núi ngày càng hoàn thiện. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi được chú trọng. Hiện nay, cả nước chính thức triển khai dạy và học 6 thứ tiếng DTTS tại 23 tỉnh thành trong cả nước, với quy mô 715 trường, 4.812 lớp, 113.231 học sinh…

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vùng DTTS, miền núi còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu. Một số chế độ chính sách cho người dạy, người học ở miền núi, vùng DTTS không còn phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn; một số địa phương còn có tình trạng quên, chậm thực hiện chính sách dẫn đến bức xúc trong nhân dân và đội ngũ nhà giáo…

Mặc dù giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, giáo dục vùng DTTS, miền núi còn nhiều yếu kém, bất cập ảnh hưởng không nhỏ tới cơ hội tiếp cận giáo dục và học tập của học sinh.

Vùng DTTS, miền núi vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường nhỏ lẻ, khó khăn; tình trạng thiếu phòng học chậm được khắc phục; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều trường còn thiếu thốn, tạm bợ.

Một số địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp, số học sinh lưu ban và bỏ học vẫn còn là một thách thức; kết quả xóa mù chữ vùng đồng bào DTTS chưa cao, chưa bền vững.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo để thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi với nhiều giải pháp đồng bộ.

Năm 2017, có 161 học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương khen thưởng
Năm 2017, có 161 học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương khen thưởng

- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của chương trình Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu được tổ chức trong những năm gần đây.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Qua các kỳ tuyên dương hàng năm, Ban Tổ chức đã tuyên dương được hàng trăm học sinh, sinh viên DTTS tiêu biểu, xuất sắc khắc phục khó khăn phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Năm 2018 này, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất trên 150 học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc tiêu biểu để Ban Tổ chức tuyên dương.

Lễ Tuyên dương là dịp để ghi nhận và biểu dương các em học sinh, sinh viên DTTS; là nguồn cổ vũ, động viên các em tự hào, tự tin tiếp tục phát huy thành tích học tập tốt, phấn đấu không ngừng để trở thành những công dân có ích, thành những nhân tài cống hiến cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng.

Đây cũng là dịp để các em được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập. Qua đó, khuyến khích phong trào thi đua học tập của học sinh, sinh viên DTTS trên cả nước.

Có thể nói, Lễ Tuyên dương là hoạt động thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực DTTS chất lượng cao để phát triển đất nước.

Đây là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc, có sức lan tỏa trong xã hội. Đặc biệt đồng bào các dân tộc rất tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tin tưởng vùng DTTS và miền núi sẽ ngày càng phát triển, tin tưởng về thế hệ con em mình sẽ góp phần làm giàu thêm nguyên khí quốc gia, làm vẻ vang cho quê hương đất nước.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Trong khuôn khổ Lễ Tuyên dương sẽ có nhiều hoạt động có ý nghĩa: Ngày 24/11, các HSSV tiêu biểu báo công trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thăm quan Khu di tích Phủ Chủ tịch; Văn Miếu Quốc Tử giám. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt Đoàn học sinh, sinh viên. Tối 24/11 là Chương trình GaLa Dinner tại Khách sạn Khăn Quàng đỏ.

Lễ Tuyên dương được tổ chức vào lúc 20h00 ngày 25/11/2018 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam. Lễ Tuyên dương sẽ có sự tham dự của các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, TP. Hà Nội, Lãnh đạo UBDT, các mạnh thường quân; đại diện doanh nghiệp, doanh nhân; đại diện các Quỹ khuyến học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.