Thầy Hoàng Hữu Kiều, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Linh Thượng, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là 1 trong 2 giáo viên tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị có mặt tại lễ tuyên dương các giáo viên tiêu biểu xuất sắc do Bộ GD&ĐT tổ chức nhân kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thầy Kiều được biết đến với biệt danh "Thầy giáo của trẻ em nghèo" của học sinh vùng miền núi Gio Linh, phía tây dãy Trường Sơn hùng vĩ với các học sinh người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều.
Thầy Kiều chia sẻ: Có nhiều học trò sáng sớm đi bộ 6, 7 cây số giữa trời mưa, sương mù giăng khắp. Nhìn các em thương quá, cứ nghĩ đến những năm tháng ấu thơ của mình nên mình nghĩ ra cách giúp các em có được chiếc xe đạp đến trường. Ban đầu mình tặng xe cho học trò trong trường, sau đó mở rộng ra các trường khác còn khó khăn.
Thầy Hoàng Hữu Kiều là 1 trong 2 giáo viên tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị năm 2018 |
Kể về những chiếc xe được chuyển đến giúp các em học sinh người dân tộc, những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy Kiều cho biết: Mỗi thời gian rảnh rỗi, tôi lại về thành phố Đông Hà, nơi cách trường Linh Thượng 20 cây để lang thang tìm mua xe đạp cũ ở những cơ sở phế liệu. Nghe ở đâu có xe đạp cũ giá rẻ, tôi đến xem, thử đạp, mua thêm những phụ liệu thay thế cái đã hỏng rồi buộc lên xe máy chở về.
Có khi tiền trong túi chỉ đủ mua một chiếc xe, thế là lại phải nói khéo với chủ tiệm để giữ phần các xe còn lại vì sợ hôm sau chủ tiệm sẽ bán mất. Số tiền đặt cọc chỉ là vài chục ngàn đồng, đôi khi số tiền đặt cọc chỉ là niềm tin rồi hẹn vài hôm sau có tiền sẽ quay trở lại.
Xe mua xong, thầy xắn tay sửa sang sao cho nó chạy thật êm, rồi chở đến những nơi trò cần để trao tận tay. Khi thì thầy có mặt ở một ngôi trường vùng Đông lắm cát khó nghèo, lúc khác thầy lại xuất hiện ở một ngôi trường tận miền trung du hay miền núi xa xôi.
Thầy Kiều tặng xe cho các học sinh vùng khó |
Nhiều người hồ nghi việc làm của thầy, có người lắc đầu bảo thầy “hâm”, có người tưởng nhầm thầy là người chuyên đi buôn phế liệu. Nhưng cũng có người biết được ý nghĩa về việc làm của thầy, nhiều chủ cơ sở phế liệu tốt bụng cho thầy thêm các phụ liệu cũ còn dùng được để thầy sửa sang lại xe đạp cũ đã mua.
Hình ảnh người thầy giáo với chiếc xe máy đằng sau chở nhiều chiếc xe đạp cũ với nụ cười thân thương đã trở nên quen thuộc với người dân quãng đường từ thành phố Đông Hà lên huyện miền núi Gio Linh.
Nhiều người hỏi vì sao không thuê người chuyên chở cho đỡ vất vả thì thầy Kiều nói, nếu thuê xe thồ thì tiền chuyên chở đôi khi còn đắt hơn cả tiền mua thêm một chiếc xe đạp khác cho học trò.
Để có tiền mua xe cho học trò, mỗi tháng ngoài đồng lương giáo viên và dạy thêm vài suất trang trải cuộc sống, thầy luôn dành hẳn một suất dạy gọi là “Cua xe đạp” để dành tiền mua xe tặng học sinh. “Cuộc sống ai cũng phải còng lưng làm việc để mưu sinh, nuôi sống gia đình và lo toan nhiều thứ khác, nhưng chỉ cần nghĩ đến và thương học trò thì sẽ thu xếp được”, thầy Kiều nói.
Tấm lòng thương trò của thầy Kiều lâu dần lan tỏa đến nhiều các nhà hảo tâm khác. Từ đó có thêm nhiều người chung tay cùng thầy tặng xe đạp, học bổng cho các học trò nghèo.
Những chiếc xe đạp nâng bước học sinh vùng khó đến trường |
Đến nay, thầy Kiều cùng các Mạnh Thường Quân đã trao hơn 50 chiếc xe đạp cũ và mới cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các trường trên địa bàn huyện; quyên góp hơn 50 triệu đồng tặng các học sinh nghèo cùng nhiều phần quà là sách vở, áo ấm cho các em học sinh với trị giá gần 100 triệu đồng.
Bên cạnh một tấm lòng nhân ái dành cho học trò, thầy Kiều còn là một giáo viên tiếng Anh có chuyên môn vững, nhiệt tâm với học trò. Thầy được biết đến là người đa tài, là MC các cuộc thi, sáng tác nhiều bài hát, đồng thời cũng là giáo viên dạy giỏi trong nhiều năm liền…
Nhà cách trường hơn 20 cây số, mỗi ngày thầy vẫn đi về mặc mưa hay nắng. Nhiều người thắc mắc sao thầy không xin về phố để gần nhà hơn, thầy Kiều bảo, dạy học không chỉ công việc đầy trách nhiệm mà đó còn là tình thương, là niềm xúc cảm sâu xa của một trái tim người thầy trước những học sinh miền ngược còn lắm thiệt thòi.