Khuyến học khuyến tài nơi đất Mẹ

GD&TĐ - Hạ Hòa là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Phú Thọ. Huyện gồm 33 xã, 01 thị trấn, nằm hai bên bờ sông Thao. Trong quá trình dựng xây cuộc sống, nhân dân Hạ Hòa đã tạo dựng cho mình một truyền thống quý báu, đó là truyền thống hiếu học. Truyền thống này mỗi khi nhắc đến, người dân nơi đây đều cảm thấy tự hào.  

Hội Khuyến học xã Vụ Cầu (Hạ Hòa) tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó nhân dịp đầu năm học 2017 – 2018.
Hội Khuyến học xã Vụ Cầu (Hạ Hòa) tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó nhân dịp đầu năm học 2017 – 2018.

Sức lan tỏa từ Chỉ thị số 11-CT/TW

Từ khi có Chỉ thị số 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Huyện ủy, HĐND, UBND Huyện đã thực hiện công tác lãnh đạo Hội Khuyến học các địa phương đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, công tác xây dựng xã hội học tập. Chỉ đạo các địa phương, các nhà trường, cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện tuyên truyền tốt tới từ tổ chức, cá nhân các nội dung của Chỉ thị 11-CT/TW, quyết tâm tạo sức lan tỏa và chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác khuyến học trên địa bàn toàn huyện.

Trong 10 năm qua, cấp ủy các cấp huyện Hạ Hòa đã xác định để xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường, khuyến khích động viên con em nhân dân thi đua học tốt, sáng tạo, lập thân, lập nghiệp, xây dựng quê hương giàu đẹp thì công tác khuyến học, khuyến tài phải được chú trọng, tiến hành thường xuyên, phải hội tụ được sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội. Vì vậy, hằng năm, vào tháng khuyến học, đầu năm học mới, giữa và cuối năm học, các hoạt động khuyến học, khuyến tài luôn được Hội khuyến học các cấp trên địa bàn huyện đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động như tặng quà, tuyên dương khen thưởng, ủng hộ học sinh nghèo vượt khó, tiếp sức đến trường…

Hội khuyến học các cấp huyện Hạ Hòa xác định, để xây dựng xã hội học tập thành công và hiệu quả, để công tác khuyến học, khuyến tài trở thành động lực và sức lan tỏa lớn thì không thể bỏ qua hạt nhân quan trọng đó là gia đình, dòng họ. Chính vì vậy, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, phong trào khuyến học, khuyến tài đã nhân lên truyền thống hiếu học trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Sự tự thân, noi gương học tập lẫn nhau của mỗi thành viên trong gia đình, dòng họ được chắp cánh, động viên bởi truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ.

Hạt nhân là gia đình, dòng họ

Tính đến nay, trên địa bàn toàn huyện Hạ Hòa có 64 dòng họ học tập, trong đó, có trên 26.610 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập mỗi năm. Điển hình về dòng họ học tập phải kể đến dòng họ Cù (xã Vĩnh Chân); dòng họ Lê (xã Lang Sơn); dòng họ Nguyễn Công Hàng Vàng (xã Động Lâm)…những dòng này với truyền thống hiếu học được tiếp nối từ đời này sang đời khác đã đóng góp cho quê hương Hạ Hòa, Phú Thọ và đất nước những người con ưu tú, có đức, có tài. Dù cuộc sống ở mỗi giai đoạn có khó khăn đến đâu nhưng các dòng dọ đều tạo điều kiện cho con em mình được học hành thành đạt, neo vào con chữ để trở thành người có ích cho xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, anh Cù Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Chân, Chủ tịch Hội Khuyến học dòng họ Cù chia sẻ: “Dòng họ Cù luôn đặt việc học của con em mình lên hàng đầu, luôn động viên, khuyến khích để các cháu học hành đầy đủ và giỏi giang”. Anh Hùng cũng kể về thành tích hiếu học của dòng họ mình qua những con số cụ thể như dòng họ Cù có ông Cù Văn Chước, chuyên viên cao cấp, người trực tiếp phục vụ Bác Hồ 15 năm; là gia đình cụ Cù Văn Giụ (nguyên cán bộ Ty Giáo dục Phú Thọ) có 6 người con tốt nghiệp đại học, trong đó có hai Giáo sư, một Tiến sỹ, một Nhà giáo Nhân dân, một nhà giáo ưu tú; có chín cháu tốt nghiệp đại học, trong đó có bốn Tiến sĩ, ba Thạc sĩ.

Gia đình cụ Cù Xuân Đồng có ba thế hệ con cháu hiếu học, trong đó có ba Tiến sĩ, năm cử nhân đại học, bản thân cụ Đồng là Tiến sĩ, PGS, Viện phó Viện Thủy lợi Đồng bằng Sông Cửu Long. Tính đến nay, họ Cù chi II đã có một Anh hùng lao động - Ủy viên TW Đảng, bà Cù Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động Việt Nam; ba Giáo sư, Phó Giáo sư; 12 Tiến sĩ; 14 Thạc sĩ; 120 cử nhân đại học; 7 đại tá quân đội; 18 thiếu tá và trung tá; 58 giáo viên các cấp cùng nhiều cán bộ đang công tác trong các cơ quan TW, tỉnh, huyện.

Cùng với công tác xây dựng dòng họ khuyến học, Huyện Hạ Hòa cũng chú trọng đến việc xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức Hội Khuyến học tại địa bàn các xã, thị trấn, các nhà trường nhằm tạo sự đồng thuận và sự chung tay của toàn xã hội đối với công tác khuyến học, khuyến tài. Đến nay, 100% các xã, thị trấn, nhà trường có tổ chức Hội, Chi hội Khuyến học với 24.930 hội viên sinh hoạt tại 531 Chi hội và Ban Khuyến học. Huyện cũng đẩy mạnh công tác xây dựng cộng đồng, đơn vị học tập với 210 cộng đồng học tập và 131 đơn vị học tập trên địa bàn toàn huyện. Hằng năm, Hội Khuyến học các cấp đã đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên, giáo viên các nhà trường để động viên kịp thời những thành tích của thầy và trò các nhà trường đã đạt được. Đồng thời, bằng sự chung tay của cơ quan, ban ngành, các lực lượng xã hội, Hội Khuyến học Huyện Hạ Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động tiếp sức học sinh nghèo vượt khó đến trường, chung tay giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh éo le, động viên các em có thêm sức mạnh để đến trường học chữ.

Có thể khẳng định, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã có sự chuyển biến tích cực trên địa bàn huyện Hạ Hòa, tác động vào nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương cũng như các nhà trường về xây dựng xã hội học tập. Trong những năm qua, công tác khuyến học của Hội Khuyến học các cấp huyện Hạ Hòa đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ