Khuyến cáo tâm lý "ai rồi cũng mắc Covid-19"

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các đơn vị chủ động thay đổi cách truyền thông để người dân nhận thức rõ về di chứng hậu Covid-19 và không chủ quan với tâm lý “ai rồi cũng mắc”.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan làm việc với lãnh đạo các bệnh viện tuyến đầu trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan làm việc với lãnh đạo các bệnh viện tuyến đầu trên địa bàn tỉnh.

Tránh tâm lý chủ quan

Số liệu công bố các ca mắc Covid-19 mới trong ngày của tỉnh Vĩnh Phúc liên tục tăng trong thời gian gần đây. Đến ngày 27/2, tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn là 79.370 ca, trong đó số ca mắc trong trong ngày là 2.758 ca.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều địa phương khác, số ca mắc mới Covid-19 chỉ cập nhật số liệu người mắc đến các cơ sở y tế chứ không cập nhật hết số ca mắc điều trị tại nhà. Do đó, trong một khoảng thời gian nhất định, sẽ có những đợt công bố bổ sung khi có thông tin cập nhật số liệu từ các địa phương.

Theo đánh giá của Tiểu ban truyền thông thuộc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân của tình hình dịch bệnh gia tăng thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân khách quan và đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, Tiểu ban truyền thông nhận thấy trong công tác tuyên truyền về phòng chống dịch trên địa bàn thời gian qua còn nhiều điểm chưa phù hợp thực tiễn hiện nay. Các cơ quan tuyền truyền chủ yếu tuyên truyền theo các văn bản, khẩu hiệu mà giai đoạn hiện nay không còn phù hợp, thậm chí gây “bội thực” thông tin cho nhân dân.

Nhiều địa phương yêu cầu tăng cường tuyên truyền nhưng cơ sở không biết tuyên truyền cái gì, thời điểm dịch đang bùng phát thì tập trung tuyên truyền những nội dung gì…

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về các giải pháp cấp bách, tạm thời vừa bảo đảm công tác dạy và học vừa phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về các giải pháp cấp bách, tạm thời vừa bảo đảm công tác dạy và học vừa phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh nhận định những tồn tại trong công tác truyền thông, Tiểu ban truyền thông nhận thấy hiện nay đã xuất hiện tư tưởng chủ quan trong một bộ phận lãnh đạo và nhân dân, không chỉ ở Vĩnh Phúc, mà ở cả nước, đó là cứ tiêm vào rồi thì khi mắc sẽ nhẹ và nhanh khỏi (thực tế thì khi tiêm mà mắc cũng sẽ nhanh khỏi).

Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ và nhân dân không hiểu được rằng thêm một người mắc thì sẽ có rất nhiều người bị ảnh hưởng, kinh phí của nhà nước và nhân dân phải tăng thêm.

Giả sử một cháu học sinh chưa được tiêm mắc Covid-19, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất cao. Cùng với đó, cả gia đình phải vất vả chăm sóc, cách ly, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, nguồn lao động của các địa phương. Chưa kể, khi các ca bệnh tăng, chính quyền địa phương chủ yếu lo chống dịch, các nhiệm vụ khác hầu như thực hiện rất hạn chế...

Nâng cao ý thức tự phòng, chống dịch

Một điều đặc biệt quan trọng mà Tiểu ban truyền thông nhấn mạnh đó là một bộ phận nhân dân chưa nhận thức được những di chứng của hậu Covid-19.

Thực tế, rất nhiều người sau khi mắc Covid-19 từ miền Nam trở về địa phương, đã khỏi bệnh nhưng sau mấy tháng đang phải chịu những di chứng hết sức nặng nề.

Kế đó, khi số mắc tăng sẽ dẫn đến khan hiếm vật tư y tế, nhất là kit test có thể khiến đời sống của nhiều gia đình trở lên khó khăn vì phải dành số tiền lớn để mua những vật tư này.

Ông Nguyễn Trung Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Yên Lạc.

Ông Nguyễn Trung Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Yên Lạc.

Từ những nhận định trên, Tiểu ban truyền thông - Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, việc “mở cửa” là tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, cho đời sống sinh hoạt, học tập của nhân dân chứ không mở cửa cho dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, các hoạt động ngăn ngừa dịch càng phải thắt chặt. Người dân cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K, không tụ tập giao lưu. Các công việc hiếu, hỷ cần thực hiện nghiêm các qui định về phòng, chống dịch…

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cần phản ánh, phê phán mạnh mẽ các hành động chủ quan, không thực hiện đúng qui định về phòng chống dịch.

Với việc chuyển hướng từ Ban chỉ đạo chống dịch thành toàn dân chống dịch, chuyển điều trị bệnh nhân Covid-19 từ cơ sở điều trị sang điều trị tại nhà thì mỗi người dân phải tự phòng bệnh cho mình và phải tự chữa bệnh cho mình dưới sự hướng dẫn của bác sỹ.

Bác sỹ, y tế luôn sẵn sàng túc trực nhưng chỉ tham gia hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ giúp bệnh nhân mà không làm thay bệnh nhân. Việc cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế chỉ thực hiện đối với các ca bệnh có triệu chứng nặng. Chính vì vậy, người dân cần bỏ ngay tâm lý “ai rồi cũng mắc Covid-19” để tự giác phòng chống dịch, trước hết là bảo vệ sức khỏe của bản thân, sau là bảo vệ gia đình và xã hội.

Hiện có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu Covid-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực.

Người nhiễm Covid-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối… Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban…

Người bệnh trong giai đoạn hậu Covid-19 cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung. Thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng.

Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phế quản mạn… khi Covid-19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.