Khuyến cáo không nên sử dụng ChatGPT trong một số trường hợp

GD&TĐ - Ngày 31/3, Trường ĐH Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học AI – ChatGPT với hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học.

TS Lương Ngọc Minh phát biểu tại hội thảo.
TS Lương Ngọc Minh phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo thu hút 150 đại biểu dự trực tiếp và 250 đại biểu dự online. Phát biểu khai mạc, TS Lương Ngọc Minh – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội mở đầu bằng những con số ấn tượng: Nếu tra cứu trên Google bằng từ khóa ChatGPT sẽ cho hiển thị 15 triệu kết quả/0,3 giây. Còn nếu tìm kiếm bằng từ khóa “Hội thảo AI-ChatGPT” sẽ cho trên 4,7 triệu kết quả/0,5 giây.

Con số trên cho thấy, AI – ChatGPT đang là mối quan tâm của toàn cầu; trong đó có Việt Nam nói chung và Trường ĐH Hà Nội nói riêng. “Hãy bắt đầu sử dụng ChatGPT từ những vấn đề thực tiễn nhất và dùng nó như thế nào, bắt đầu từ đâu? - TS Lương Ngọc Minh đặt vấn đề.

Đề cập đến ứng dụng AI trong học tập và giảng dạy, TS Phạm Lê Thu Nga – giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch, Trường ĐH Hà Nội; chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Monash thuộc ĐH Monash, Melbourne (Úc) chia sẻ, có nhiều công cụ được xây dựng trên nền tảng AI giúp tư vấn đưa ra giải pháp hoặc xây dựng nội dung.

Giảng viên, sinh viên có thể sử dụng AI để tìm kiếm thông tin như: các công cụ phỏng đoán text; công cụ giọng nói và có thể sử dụng cho mục đích học tập, ôn tập.

TS Phạm Lê Thu Nga chia sẻ tại hội thảo.

TS Phạm Lê Thu Nga chia sẻ tại hội thảo.

TS Phạm Lê Thu Nga lưu ý khi sử dụng AI, người sử dụng cần biết cách sử dụng một cách có trách nhiệm và có đạo đức. Cần hiểu khi nào có thể sử dụng và không nên sử dụng AI.

Đồng thời, cần hiểu về lợi thế cũng như nhược điểm và và rủi ro của công cụ AI. Cần biết cách thẩm định chất lượng thông tin thu được và lưu ý về tính bảo mật thông tin, độ riêng tư của thông tin cá nhân.

TS Phạm Lê Thu Nga cũng khuyến cáo về các ảnh hưởng của việc sử dụng AI quá nhiều đến tính sáng tạo và khả năng học thuật. Cần kiểm tra độ chính xác và tin cậy của thông tin trả lời.

Coi ChatGPT như một người bạn, tuy nhiên TS Đặng Xuân Thu – giảng viên Khoa Đào tạo Sau đại học, Trường ĐH Hà Nội; giảng viên Trường ĐH La Trobe, Victoria và Trường ĐH Torrens (Úc) khuyến nghị, không nên sử dụng AI – ChatGPT trong các trường hợp:

Thứ nhất, khi làm tìm hiểu thông tin cho bài tập lớn có đánh giá vì khó kiểm soát được độ chính xác của thông tin thu được từ ChatGPT.

Thứ hai, không sử dụng các công cụ dịch khi làm bài kiểm tra ngoại ngữ.

Thứ ba, không sử dụng để viết bài tập lớn (assignment), viết code hay tái tạo lại một tác phẩm nghệ thuật.

Thứ tư, không sử dụng các nội dung từ AI mà không tuyên bố hay trích dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ