ChatGPT không thể thay thế con người
Theo TS Nguyễn Ngọc Tự - Bộ môn an toàn thông tin, Khoa mạng Máy tính và Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mới như: ChatGPT hay các công cụ tương tự là xu thế không thể đảo ngược và có tác động rất lớn tới xã hội loài người ở mọi ngành nghề.
AI là công cụ giúp giải phóng sức lao động nhưng không thể thay thế con người. Chúng ta, đặc biệt là ngành Giáo dục cần có tâm thế chủ động để đón nhận và làm chủ làn sóng công nghệ mới.
Ở cấp quản trị đại học, TS Nguyễn Ngọc Tự nhìn nhận, xét trong hệ sinh thái thông tin theo lịch sử từ tham vấn "người quân tử, thầy dạy", tới tra cứu sách trong thư viện, đến tra cứu trên không gian mạng - thông tin số và giờ có thể chuyển sang giai đoạn tham vấn các hệ thống AI. Ở khía cạnh quản trị, cần làm tốt một số việc như:
Các chính sách về nguồn nhân lực, tài nguyên và và hành lang pháp lý để đón nhận, khai thác, sử dụng các công cụ AI hiệu quả, khắc phục các hạn chế. Các chính sách định hướng hoạt động dạy và học:
Chương trình dạy học cần cập nhật, thay đổi về chuẩn đầu ra, nội dung, và phương pháp dạy/học theo hướng giảm tải các hoạt động cung cấp nội dung kiến thức; tăng cường các hoạt động phát triển các năng lực tư duy như kĩ năng vận dụng, phân tích đánh giá, sáng tạo.
Các hoạt động dạy và học chuyển dịch theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm - tương tác, dạy học dựa trên vấn đề - dự án và hạn chế tối đa dạy - học dựa trên chủ đề.
Hoạt động đánh giá chuyển dịch theo hướng giảm dần các đánh giá ở mức ghi nhớ, hiểu và trình bày. Thay vào đó, tăng cường các đánh giá phản ánh đúng năng lực người học như: kĩ năng vận dụng, phân tích, đánh giá sáng tạo của người học trong cả quá trình thông qua vấn đáp, trình bày báo cáo, thảo luận.
Chúng ta cần chuẩn bị dữ liệu để huấn luyện lại AI cho từng lĩnh vực, yêu cầu của công việc. Ảnh minh họa/internet. |
Khai thác ChatGPT hiệu quả cho công việc
Về cấp trường và các đơn vị chuyên môn, TS Nguyễn Ngọc Tự cho rằng, các công cụ AI mới không dễ dùng. Nếu đầu vào rác thì đầu ra sẽ nhận được tương tự "garbage in, garbage out" (rác vào, rác ra). Do đó, cần có chiến lược kế hoạch để làm chủ công cụ như: soạn kịch bản "hỏi đáp" để đạt mục đích cho từng hoạt động dạy và học.
Đặt vấn đề, làm thế nào khai thác ChatGPT hiệu quả? Sau thời gian "khám phá" ChatGPT, TS Nguyễn Ngọc Tự ghi chú lại một số lời khuyên khi tương tác với ChatGPT.
Theo đó, tương tác với ChatGPT theo mô hình người dùng vừa đóng vai trò là người "viết kịch bản và đạo diễn". Trong đó, ChatGPT là "diễn viên", quá trình tương tác cuối cùng là đưa ra sản phẩm tới độc giả. Kịch bản tốt yêu cầu tốt sẽ có sản phẩm tốt.
Kịch bản cung cấp mục đích, ngữ cảnh và các thông tin liên quan. Theo đó, mục đích cần thể hiện kết quả mong muốn là thông tin đúng hay là sản phẩm sáng tạo như: bài thơ, bài văn hay là gì đó giữa hai thứ này?
Ngữ cảnh cần cung cấp rõ ràng. Ví dụ phạm vi mình quan tâm như lĩnh vực này, lĩnh vực kia. Ngành này, ngành kia giúp câu trả lời chi tiết hơn không bị trả lời một cách chung chung.
Các thông tin liên quan giúp câu trả lời chính xác cái mình cần nếu không câu trả lời rất chung chung. Ví dụ, hỏi về các lỗ hổng trong mạng thì nó liệt kê ra rất linh tinh. Tuy nhiên, nói cụ thể hơn là mạng chuỗi khối và lỗ hổng trong hợp đồng thông minh khi sử dụng ngôn ngữ lập trình solidity (sự kiên cố) thì câu trả lời rất đẹp.
Ngoài ra, các yêu cầu có thể viết chi tiết ở dạng nhiều câu hỏi follow up (theo sát) và cần rõ ràng, tránh hỏi quá chung chung khái quát. Khi đó, rất khó nhận được câu trả lời như mong muốn.
Khi tương tác với ChatGPT TS Nguyễn Ngọc Tự phát hiện ra vài điều: "Thứ nhất, ChatGPT chỉ nhớ được một phần của câu chuyện (nội dung gần nhất). Khi nội dung quá dài, nó sẽ bỏ qua phần đầu, thỉnh thoảng nhận được câu trả lời chung chung quá thì tôi lại phải nhắc lại ngữ cảnh và nội dung đã truy vấn bên trên.
Thứ hai, nên có phản hồi về các câu trả lời của ChatGPT (like, dislike). Có thể, hệ thống sẽ chấm điểm người dùng nên cần lịch sự và có phản hồi tích cực.
Thứ ba, đừng dại vặn vẹo ChatGPT theo kiểu "vợ tao nói thế" vì nó được thiết kế để có thể thích ứng với những chỉnh sửa, hay gợi ý của người dùng. Do đó, nếu vặn vẹo quá ChatGPT sẽ trả lời "như mình mong muốn" khỏi tranh cãi".
Theo TS Nguyễn Ngọc Tự, cần có chiến lược và kế hoạch thay đổi để thích ứng gồm cả hoạt động dạy học và hoạt động nghiên cứu. Đặc biệt, chuẩn bị dữ liệu để huấn luyện lại AI cho từng lĩnh vực, yêu cầu của công việc.