Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng ứng dụng sâu rộng trong việc dạy và học ở trường phổ thông, giải pháp nào để rèn luyện tư duy bậc cao cho học sinh, là vấn đề của giáo dục hiện nay.
Những rào cản ảnh hưởng đến rèn luyện tư duy bậc cao
Những năm gần đây, giáo dục phổ thông nước ta triển khai đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá để phát triển năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, vấn đề rèn luyện tư duy bậc cao vẫn còn nhiều rào cản, nhất là trong bối cảnh ChatGPT ra đời.
Trước hết, đó là dạy học ở trường phổ thông còn nặng về truyền thụ một chiều, thầy giáo là người cung cấp kiến thức, học sinh là người tiếp nhận kiến thức thụ động. Điều này làm hạn chế ý thức và tư duy phản biện, các em dễ chấp nhận nghe theo, chấp nhận có sự áp đặt, kể cả khi có sai sót.
Học sinh có tâm lý “tin theo số đông”, cho rằng điều gì được nhiều người ủng hộ là đúng, chỉ biết tin và làm theo lối mòn hay giải pháp có sẵn, thiếu sự phản biện vấn đề và sáng tạo.
Kế đến là vấn đề sử dụng các bài văn mẫu, bài tập mẫu; Việc sử dụng bài văn mẫu, dạng đề mẫu dễ dẫn tới ỷ lại, lười biếng hoặc có khi học sinh phải cố gắng luyện thành thạo để trở thành “thợ viết văn”, “thợ giải toán”; Việc bồi dưỡng học sinh giỏi theo kiểu “luyện gà nòi” để đi thi lấy giải. Giáo viên cũng ít năng động, tìm tòi, sáng tạo vì chỉ cần tận dụng “kho bài” có sẵn.
ChatGPT ra đời, theo đánh giá của các chuyên gia, vừa là cơ hội nhưng cũng dẫn đến nguy cơ học sinh gian lận và lười hơn, nếu quá lạm dụng công cụ này. Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội): “ChatGPT mới ra đời có nguy cơ khiến học sinh đạo văn, gian lận và mất động lực học tập tích cực. Các em thậm chí không còn hứng thú với học cách viết, cách làm toán. Và ChatGPT cũng có thể dịch được ra bất cứ ngôn ngữ nào khiến cho người học không còn động lực học ngoại ngữ”.
ChatGPT cũng có thể trả lời một vấn đề nào đó sai hoặc thiếu chính xác, nếu học sinh không có kiến thức nền tảng tốt, không phản biện được kết quả mà AI tạo ra, sẽ dễ bị công cụ này định hướng sai lệch.
Ngoài ra, giáo dục còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, trải nghiệm. Nội dung giáo dục vẫn nặng lý thuyết, không thiết thực, nhiều sự kiện, số liệu; vừa khó học, vừa không tạo được hứng thú cho học sinh.
Giáo viên chủ yếu bám sách giáo khoa, sách hướng dẫn, chưa được quyền chủ động dạy học linh hoạt để phù hợp với học sinh và điều kiện nhà trường. Hoạt động trải nghiệm ở trường học, do hạn chế về kinh phí, thời gian và năng lực tổ chức của giáo viên nên chưa hiệu quả, thậm chí có nơi thực hiện hoạt động trải nghiệm kiểu phong trào.
Giáo dục vẫn còn quá coi trọng thành tích học tập, thi cử. Kết quả thi tốt nghiệp THPT hằng năm cao (có năm cả nước đạt trên 99%), kết quả xét tốt nghiệp THCS, tiểu học gần như 100%, tỷ lệ lên lớp thẳng của các cấp học trên 96%…
Do quá chú trọng thành tích thi cử, nên mọi hoạt động giáo dục của nhà trường xoay quanh việc học và thi. Các lĩnh vực khác như đạo đức, sức khỏe, kỹ năng sống, kỹ năng tư duy, rèn luyện cảm xúc... bị xem nhẹ.
Học sinh phải học thêm, luyện thi nên không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, dẫn đến căng thẳng, trầm cảm. Đề thi tốt nghiệp THPT được ra theo ma trận, nhưng trọng tâm là tư duy bậc thấp như: Biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao (gọi là vận dụng cao nhưng chủ yếu là các bài khó, đánh đố học sinh).
Giáo dục chưa coi trọng các môn học khai phóng như ngôn ngữ, văn chương, triết học, lịch sử, nghệ thuật, thiên văn... những môn học nhằm phát triển năng lực trí tuệ và trí tưởng tượng của con người.
Giải pháp rèn luyện tư duy bậc cao
Đẩy mạnh giáo dục STEM góp phần phát triển tư duy bậc cao trong học sinh. Ảnh minh họa |
Để phát triển tư duy bậc cao cho học sinh, trước hết cần đổi mới phương pháp dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm. Học sinh được tham gia tích cực vào quá trình học của mình và đóng vai trò chủ động, sáng tạo, hợp tác cùng học theo nhóm.
Giáo viên là người hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ. Tăng cường hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở trong và ngoài nhà trường để tạo điều kiện cho học sinh giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Nâng cao chất lượng dạy và học các môn học khai phóng, nhân văn, như ngôn ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, thiết kế...
ChatGPT ra đời làm nhiều người lo sợ học sinh sẽ lười tư duy hơn. Tuy nhiên, đây là một công cụ hỗ trợ học tập tuyệt vời nếu biết sử dụng nó đúng đắn. Sử dụng công cụ AI chủ động và đúng cách có thể hỗ trợ học sinh nâng cao kỹ năng phân tích, phát triển tư duy, đưa ra các giải pháp sáng tạo, biết cách đặt các câu hỏi khoa học, rõ ràng, logic cho AI.
Học sinh phải tự đặt ra mục tiêu, lên kế hoạch học tập, thực hiện nỗ lực và đầu tư thời gian để đạt được kết quả tốt. Học sinh phải có ý thức cạnh tranh với công cụ AI, khi công cụ này ngày càng thông minh, chứ không sử dụng nó để đối phó với kiểm tra, thi cử, đối phó với thầy cô.
AI dù thông minh đến đâu, cũng chỉ là công cụ hỗ trợ học tập, còn phương pháp học tập chủ động và nỗ lực cá nhân là yếu tố then chốt để đạt kết quả học tập tốt. AI cũng hỗ trợ cho dạy học, nếu giáo viên biết khai thác lợi thế và hạn chế tiêu cực của nó. Giáo viên cần nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ để có thể kiểm tra sự gian lận, đạo văn của học sinh.
Cần triển khai mô hình “Lớp học đảo ngược”. Theo đó, học sinh thực hiện bài học ở nhà, nhờ những video hướng dẫn, bài giảng ngắn của giáo viên, bài giảng trong kho tư liệu của trường, trên mạng Internet, kể cả sử dụng công cụ AI. Còn thời gian ở lớp, giáo viên và học sinh sẽ cùng làm việc nhằm đạt được ba bậc cao là phân tích, đánh giá, sáng tạo.
Triển khai giáo dục STEM, vì mô hình giáo dục này không chỉ hướng học sinh đến ghi nhớ các kiến thức, mà còn giúp các em rèn luyện tư duy bậc cao.
Do giáo dục STEM dựa vào quá trình học thông qua thực hành, trải nghiệm, vận dụng các kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nên người học dễ dàng tiếp cận tư duy liên môn và xuyên môn, rèn luyện tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Tổ chức câu lạc bộ lập trình để học sinh học được kỹ năng tư duy trình tự, tư duy phân tích, tư duy đánh giá và cơ hội sáng tạo sản phẩm mới.
Triển khai hiệu quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) đối với học sinh. Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học Việt Nam (VISEF) được tổ chức hằng năm từ cấp trường, cấp sở, đến cấp quốc gia, lựa chọn dự án tham dự kỳ thi ISEF quốc tế.
Mục tiêu của VISEF nhằm khuyến khích học sinh nghiên cứu KHKT, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn; Gắn hoạt động nghiên cứu KHKT của học sinh với đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp, hình thức đánh giá kết quả học tập, góp phần phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Đổi mới kiểm tra, thi cử, chú trọng đến tư duy bậc cao
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TX Quảng Yên (Quảng Ninh) năm 2022. |
Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh. Thực hiện hiệu quả mục tiêu, phương thức, hình thức kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông mới; bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan; sử dụng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau; đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng động viên, không so sánh học sinh với nhau.
Đổi mới ra đề thi cần xây dựng theo ma trận đề thi với đầy đủ 6 mức độ của tư duy, chú trọng đến các tư duy bậc cao chứ không chỉ liên quan đến các tư duy bậc thấp (nhớ, hiểu, áp dụng) như hiện nay.
Tư duy bậc cao là gì?
Năm 1956, Benjamin Bloom (Mỹ) đưa ra bảng mô tả về tư duy có 6 mức độ: Biết, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá, gọi là thang nhận thức Bloom. Thang nhận thức này nhanh chóng được phổ biến, ảnh hưởng đến việc xác định mục tiêu của các chương trình giáo dục.
Các nhà nghiên cứu về sau kế thừa, phát triển và cho ra nhiều phiên bản mới. Phiên bản của nhóm tác giả Anderson và Krathwohl (Mỹ) năm 2001 được nhiều người công nhận và áp dụng. Thang mới này có 6 mức độ: Nhớ, hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo. Trong đó, 3 mức độ nhận thức đầu là các kỹ năng nhận thức (tư duy) bậc thấp, còn 3 mức độ nhận thức sau là các tư duy bậc cao.
Ngoài ra, theo các nhà khoa học giáo dục, tư duy bậc cao còn có: Kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định, tư duy phản biện. Giải quyết vấn đề và ra quyết định là tư duy rất cần thiết đối với người học, người lao động. Tư duy phản biện là kỹ năng suy nghĩ dựa trên lý lẽ, có suy xét kỹ lưỡng, thận trọng, đánh giá toàn diện và đưa ra lời phê bình sắc sảo, tập trung vào việc quyết định cái gì là quan trọng để thuyết phục hoặc để hành động. Tư duy phản biện còn bao gồm những suy ngẫm của bản thân (tự phản biện) dựa trên lý lẽ.
Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực cho học sinh, trong đó có 3 năng lực chung là: Tự chủ và tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, giao tiếp và hợp tác. Để phát triển những năng lực chung, đòi hỏi người học không chỉ vận dụng các tư duy bậc thấp mà phải vận dụng các tư duy bậc cao trong quá trình học tập và hoạt động trải nghiệm.