Khúc tráng ca bi hùng

GD&TĐ - 'Tôi trở về ký ức tuổi hai mươi/ Sông Bằng Giang sóng cồn dữ dội/Trung đoàn dựng thành đồng chặn giặc/Đồng đội tôi ngã xuống giữa đỉnh đồi'.

Đèo Khau Chỉa cách Tà Lừng 18km. Ảnh: Cắt từ clip 'Cao Bằng - quê hương tôi'
Đèo Khau Chỉa cách Tà Lừng 18km. Ảnh: Cắt từ clip 'Cao Bằng - quê hương tôi'

Đó là những câu thơ mộc mạc mà chan chứa cảm xúc được tác giả Nguyễn Thái Long viết trong cuốn sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” do NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành, vừa được Nhã Nam giới thiệu đến độc giả.

Nói về chiến tranh biên giới phía Bắc (1979), hẳn rằng nhiều người sẽ nhắc đến “lò vôi thế kỷ” Vị Xuyên (Hà Giang) mà ít ai nhắc đến đèo Khau Chỉa (Cao Bằng), bởi khó tìm kiếm tư liệu.

Thế nên, cuốn sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” của tác giả Nguyễn Thái Long giúp thế hệ hôm nay thêm hiểu và tự hào về cha ông đã từng kiên cường chiến đấu để bảo vệ hòa bình, gìn giữ từng tấc đất cho Tổ quốc Việt Nam.

Ký ức chân thực, hào hùng

Cuốn sách 'Tiếng vọng đèo Khau Chỉa' vừa được Nhã Nam giới thiệu đến bạn đọc. Ảnh: Hoàng Anh
Cuốn sách 'Tiếng vọng đèo Khau Chỉa' vừa được Nhã Nam giới thiệu đến bạn đọc. Ảnh: Hoàng Anh

Gói gọn trong gần 400 trang sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” (khổ nhỏ xinh 14x20,5cm) là ký ức chân thực, xúc động của người lính đã từng chiến đấu ở đèo Khau Chỉa cùng đồng chí, đồng đội của mình cách đây 44 năm (2/1979 - 2/2023) - tác giả Nguyễn Thái Long.

Ký ức ấy được viết từ những năm tháng của tuổi đôi mươi căng tràn sức trẻ, chẳng ngại ngần gian khó nên là khúc tráng ca bi hùng mà chân thực của một tinh thần xả thân “đâu có giặc là ta cứ đi”! Điều đó được thể hiện rõ nét trong phần 2 “Khau Chỉa mười hai ngay đêm khói lửa”, với vỏn vẹn trong gần 70 trang sách mà tái hiện trước mắt độc giả một cách sống động về nhiều trận đánh chặn anh dũng, kiên cường của những người lính biên chế trong Trung đoàn 567.

Lúc đó, Trung đoàn 567 là trung đoàn bộ đội địa phương làm kinh tế ở Cao Lạng đã điều quân về hướng Khau Chỉa, Phục Hòa (Cao Bằng) và chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu khi tình hình chiến sự ở biên giới căng thẳng.

Thật hồi hộp khi đọc những trang viết về trận chặn đánh xe tăng trên đèo Khau Chỉa. Ban đầu, Trung đội 3 (Đại đội 16 hỏa lực) đang chốt trên cao điểm 300 song không chặn được vì triển khai chậm và mắc lỗi kỹ thuật.

Phải đến khi gặp Tiểu đoàn 1 ở chân cầu Hồng Định thì đám xe tăng ấy mới chịu quay đầu, rút chạy về thị trấn Phục Hòa. Trận phục kích bản Bó Tờ thì được gọi là “biển lửa Phục Hòa” được tác giả ghi lại từ ký ức của đồng đội Lê Công Tần.

Trận phục kích này đã làm quân địch “bạt vía kinh hồn” vì lối đánh “phục kích và vận động tấn công do không kịp đảo trận địa. Bộ đội lợi dụng địa hình một bên là bờ ruộng bậc thang ven dãy núi đá của bản Bó Tờ, một bên là cánh đồng mía trải dài xuống triền sông Bằng Giang làm trận địa phục kích...” (Tr83).

Tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí của những người lính Trung đoàn 567 (dù gặp muôn vàn khó khăn từ vật chất, khí tài đến lương thực, thực phẩm…) còn được khắc họa đậm nét trong những trang sách viết về trận phòng thủ ở đồi 244 và trận quyết chiến trên cao điểm 300.

Tại trận phòng thủ đồi 244, giữa những cuộc giao tranh ác liệt kéo dài cả tuần, Tiểu đoàn 2 vẫn giữ vững trận địa trước hàng chục đợt tấn công liên tiếp của quân địch.

Ở đó có y tá Đoàn Bình Thuận bất đắc dĩ trở thành xạ thủ trung liên RPD can trường: “…Khẩu RPD trong tay anh điểm xạ từng nhịp… Thuận phải di chuyển liên tục để khỏi lộ vị trí…”. Rồi sự hy sinh anh dũng của Tiểu đoàn trưởng Tuân và Chính trị viên Khắc ngay trước căn hầm chỉ huy ở sườn yên ngựa trong buổi sáng mờ sương…

Ở trận quyết chiến trên cao điểm 300, độc giả được gặp một trong hai người lính cuối cùng rời trận địa - pháo thủ Hồ Tuấn cùng ký ức chưa bao giờ phai mờ về trận giao tranh ác liệt năm xưa.

Là pháo thủ số 1 khẩu 14 ly 5 của Trung đội 3 (Đại đội 16 hỏa lực), cùng với 2 pháo thủ khác, Hồ Tuấn đã chặn đứng đợt tiến công ồ ạt của kẻ địch. Nhưng sau đó 2 pháo thủ bị trúng pháo.

Dù chỉ còn một mình mà Hồ Tuấn vẫn gan lỳ đẩy bật kẻ địch bằng tinh thần quyết chiến đến sức lực cuối cùng: “Bao nhiêu đạn của hai khẩu pháo kia giờ đây dồn lại cho khẩu súng của Hồ Tuấn. Không còn nhớ nổi lính địch tràn lên bao nhiêu đợt trong ngày, Hồ Tuấn ngồi thẳng lên nghiến răng đạp cò chứ không nằm tránh đạn nữa. Nòng khẩu 14 ly 5 đỏ rực, loa che lửa đầu nòng và pít tông hồi bị thổi bay mất…” (Tr126).

Và, trong những câu chuyện ấy, tác giả đặc biệt nhắc về ký ức khiến ông ám ảnh: “Một số anh em trong trận đồi 244 và cao điểm 300 Khau Chỉa luôn mang bên mình một bình tông rượu ngô, vừa bắn vừa thỉnh thoảng làm một ngụm. Khát ư? Không hẳn. Uổng thay nước ư? Đúng một phần. Uống để hăng lên ư? Cũng đúng. Uống để trấn an tinh thần, xua đi nỗi sợ ư? Đúng…” (Tr134).

Biết để nhớ đến…

Tác giả Nguyễn Thái Long (trái) giao lưu cùng bạn đọc. Ảnh: Hoàng Anh

Tác giả Nguyễn Thái Long (trái) giao lưu cùng bạn đọc. Ảnh: Hoàng Anh

Theo lời chia sẻ của tác giả Nguyễn Thái Long tại buổi ra mắt “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”, ông rất vui khi cuốn sách được độc giả hôm nay biết để từ đó nhớ đến địa danh Khau Chỉa năm xưa.

Với tác giả, những ký ức chiến tranh không thể nào quên của ông, của đồng đội, đơn vị nếu không được viết ra thì ông “như người mắc nợ các anh em, đồng đội của mình, mắc nợ nhân dân Cao Bằng đã sát cánh cùng chúng tôi chiến đấu, và có lỗi với con cháu mình vì đã để chúng không biết gì về Khau Chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên nơi mấy chục năm trước đã thấm máu đào những người chiến sĩ biên cương, những người lính Trung đoàn 567”.

Thế nên, bắt đầu đau đáu từ năm 2012 nhưng phải đến năm 2018 thì bác sĩ Nguyễn Thái Long mới bắt đầu ghi lại ký ức và đưa lên Facebook. Từ đây, ông kết nối được với bạn bè để đi đến quyết tâm xuất bản thành sách.

Có thể thấy, dù viết về chiến tranh biên giới phía Bắc (1979) đầy khốc liệt, bi hùng nhưng cuốn sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” không mở đầu cũng như khép lại bằng câu chuyện quá bi thương về các trận chiến ác liệt mà lại là ký ức rất đỗi bình dị nhưng sâu lắng về những đồng chí, đồng đội trước và sau cuộc chiến.

Những ký ức ấy được kể lại bằng giọng văn nhẹ nhàng, dí dỏm, giàu sức gợi. Khi mới mở trang sách, độc giả có thể cười rúc rích vì gặp anh Thành “đẹp trai men-lì”, anh Sắc khi nói hay “liếm mép để thò ra cái đầu lưỡi nho nhỏ hồng hồng”, anh Duân thích chơi ghi ta bản nhạc “Xe chỉ luồn kim”… hoặc mơ mộng với vẻ đẹp của hoa dã quỳ, bếp lửa hồng và chút rung động đầu đời của chàng lính trẻ.

Riêng với “bố Hoan” (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1) tác giả dành tình cảm trân quý đặc biệt khi là nhân vật mở đầu của cuốn sách với những câu chuyện rất đỗi gần gũi, dễ thương, hồn nhiên như con trẻ (ông thích chơi đánh bài, đánh bóng bán, mua con ngựa non về chăm…).

Và gấp lại trang sách vẫn là câu chuyện “bố Hoan” về quê nghỉ hưu rồi đi vùng kinh tế mới, đượm những suy tư: “Đi dọc con đường gập ghềnh chạy hun hút giữa cánh đồng lúa xã Chính Lý, huyện Lý Nhân đầy nắng gió, tôi như vẫn nhìn thấy bố Hoan mồ hôi đẫm chiếc áo quân phục bạc màu trên cỗ xe ngựa nặng nề lăn bánh ở phía cuối con đường xa kia đang giơ tay vẫy gọi chúng tôi…” (Tr369).

Cùng với đó, khi kể về những trận đánh ác liệt, tác giả khéo léo len vào không ít khoảng lặng rất đỗi yên ả có khi đến từ phong cách sinh hoạt của người lính hay có khi từ thiên nhiên thuần khiết…

Như khi viết về trận phòng thủ đồi 244 với chiến sự dồn dập và đẫm mất mát, đau thương, tác giả len vào khoảng lặng trong trẻo có phần như vô tình của thiên nhiên: “Giờ này pháo địch chưa bắn, trận địa im ắng tĩnh mịch như chưa hề có chiến tranh. Những hạt sương trắng đọng trên màng nhện giăng trên vạt cỏ long lanh một vẻ đầy huyền ảo…” (Tr114).

Còn ở trận quyết chiến trên cao điểm 300 lại là giây phút đối diện can trường của những người lính với chuyện sinh - tử: “Ăn xong nắm cơm tỉnh cả người, mười người lính chốt bây giờ mới có thời gian ngồi với nhau trong những khoảnh khắc tĩnh lặng của chiến tranh. Điều mà họ nghĩ đến đầu tiên là xác định có thể sẽ hy sinh, hôm nay may mắn là kỳ lạ… Nhưng ngày mai biết đâu thần may mắn không mỉm cười với họ nữa. Một cảm giác nhớ nhà đến cồn cào, mấy cậu bảo nhau lấy tờ giấy ghi quê quán địa chỉ của nhau lại, ngộ nhỡ có chuyện gì thì những người còn sống sẽ tìm về nhà nhau mà báo tin”. (Tr130)

Đó là còn chưa kể đến không ít tình tiết đọc mà bấm bụng cười bởi sự dí dỏm đúng kiểu lính trận, dù rằng tác giả đang viết về trận đánh gay cấn. Chẳng hạn như ở trận phục kích bản Bó Tờ có chi tiết anh lính hốt hoảng tưởng mình bị thương, máu chảy làm ướt cả quần.

Kỳ thực “cu cậu đái ướt quần lúc nào mà không biết, chắc là lúc nổ súng mải bắn quá nên đái cả ra quần”. Hay giai thoại “giấc ngủ đẫm sương của Đại đội trưởng Trạm “râu” và sự tiếc nuối sau mấy ngày luồn sâu nguy hiểm mà không đánh được cầu” (Tà Lùng)…

Và, khi khép lại trang sách, độc giả vẫn rưng rưng cùng những dòng chữ chứa chan cảm xúc: “Cuối năm, tôi được về thăm nhà trước khi vào TP Hồ Chí Minh học bác sĩ, mẹ tôi đưa ra cho tôi xem bức điện báo gửi từ Thái Nguyên ghi dòng chữ: “Mẹ đừng khóc và yên tâm, con trai của mẹ vẫn còn sống”. Hôm nay tôi viết những dòng này để tỏ lòng cảm ơn đến người diễn viên văn công xung kích năm xưa…”

“… việc ghi chép lại những thông tin, tư liệu quý giá như Nguyễn Thái Long đã làm trong cuốn hồi ức “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” cũng là điều không hề đơn giản và đáng trân trọng vô cùng. Cùng với nhiều cuốn sách khác, cuốn “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” đã để lại cho các thế hệ muôn đời sau một kho tư liệu vô giá mà nhờ đó họ sẽ được sống lại và cảm nhận được “hơi thở”, “nhịp đập”, “sức nóng” trên chiến trường Cao Bằng - Hà Giang nói riêng và trên toàn tuyến biên giới phía Bắc những năm 1979 - 1989 nói chung. Và cũng qua đó, các thế hệ sau sẽ rút ra được từ cuộc chiến tranh này những bài học quan trọng về dã tâm của kẻ xâm lược, về tinh thần chiến đấu quả cảm nhưng thấm đẫm nhân văn, nhân ái của quân dân chúng ta”. PGS, Thiếu tướng Lê Văn Cương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.