Bước vào miền ký ức với Chuyện người Hà Nội

GD&TĐ - 'Chuyện người Hà Nội 3' quay ngược bánh xe thời gian trở về miền ký ức để hoài niệm và bâng khuâng.

Bước vào miền ký ức với Chuyện người Hà Nội

Nhớ thương là thế nhưng không phải để chìm đắm vào ký ức xưa cũ mà được cùng trân trọng, nâng niu những giá trị ngàn năm, từ đó có thể soi mình…

Dù là cuốn thứ 3 kể chuyện về người Hà Nội, song tác phẩm “Chuyện người Hà Nội” vẫn có sức hút ngay khi NXB Hà Nội ấn hành và được Trithuctrebooks giới thiệu đến độc giả cùng đọc trong những ngày đón năm mới 2023.

Tập hợp 36 bài viết của 36 tác giả thuộc nhóm Hà Nội Tri thức, cuốn sách mang đậm phong vị hoài cổ của những người đã - đang gắn bó với đất ngàn năm linh thiêng, hào hoa. Trong đó, không ít tác giả còn trực tiếp là nhân vật chính nên câu chuyện được kể luôn tràn đầy cảm xúc và mang độ chân thực cao.

Ai kém duyên?

Bước vào “Chuyện người Hà Nội 3”, sau những lãng đãng cùng 4 mùa Hà Nội với tác giả Hoài Hương rồi dạo bước trên bãi ven sông Hồng cùng tác giả Nguyễn Thị Hậu và chợt tủm tỉm khi được biết về nguồn gốc của loài hoa dễ thương - cúc họa mi…, độc giả sẽ được cùng tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung đến “gặp” bà giáo Sơn - Đinh Tuyết Chi để mà nghiêng mình yêu kính.

Là nhân vật mở đầu cho bài viết “Phong cách tà áo dài Hà Nội”, chân dung bà giáo Sơn được hiện lên khá rõ nét khi tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung điểm những chi tiết tiểu sử (là Giám đốc NXB Nguyễn Du chuyên xuất bản sách giáo dục tiểu học hồi những năm 1930 - 1940, thời bao cấp mở tiệm hoa cưới Nguyễn Du nổi tiếng…).

Nhất là, tác giả đã khéo léo mượn lời chuyện trò của người năm trước để bàn về nết mặc hôm nay: “Phụ nữ Hà Nội xưa kia hễ bước ra phố, bất kể là đi đâu và làm việc gì, là đều khoác trên mình một tấm áo dài. Người bán hàng hay tiếp khách ở nhà cũng mặc áo dài.

Không như bây giờ, có bà có cô ra đến đám lễ hội vẫn mặc áo ba lỗ, áo hai dây, hở lưng, hở bụng. Người mặc có lẽ cảm thấy tự nhiên. Nhưng chính các bà trông thấy lại đâm ngượng. Hay là tại các bà cao tuổi suy nghĩ lạc hậu quá chăng? Cháu có thấy thế không?”.

Cũng ở bài viết này, tác giả còn chia sẻ kỷ niệm về mẹ mình - bà Phúc Lâm Đỗ Thị Dung, con gái phố Hàng Đồng, “người rất sính may và mặc áo dài những dịp lễ tết cưới hỏi đã căn dặn rất cặn kẽ: “Khi mặc lên người tấm áo dài, lúc đi lại cần nhẹ nhàng ý tứ. Không vung vẩy tay chân quá mức.

Khi ngồi lên xe đạp nhớ vén vạt áo sau, lấy một bàn tay cầm một góc vạt áo đặt nhẹ lên ghi đông xe đạp. Như thế, vừa không làm nhàu áo, vừa tránh vạt áo vướng vào bánh xe quay, sẽ rất nguy hiểm. Trông người đạp xe mặc áo dài theo lối ấy sẽ rất duyên dáng, đẹp đẽ”.

Nhắc nhớ thời hoa lửa

“Chuyện người Hà Nội 3” tiếp nối những mạch ký ức của người Hà Nội về các địa danh như xóm trại làng Cót, chợ Hàng Da, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, phố Nguyễn Quang Bích…; về văn sĩ Hà thành như nhà thơ Thâm Tâm, NSND Trọng Khôi, NSND Trần Khánh, nhà thơ Việt Phương, nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến, ông chủ hiệu sơn Thăng Long - Phùng Như Cương, bác sĩ Phùng Ngọc Tuệ, bác sĩ Trần Văn Lai; về số phận của những nhà tư sản như ông bà kem Hồng Vân… Nhất là, “Chuyện người Hà Nội 3” còn tập hợp khá nhiều tác phẩm nhắc nhớ thời hoa lửa.

Đó là câu chuyện bừng bừng khí trai của những sinh viên xếp bút nghiên lên đường ra chiến trận với “Từ Thạch Hãn đến sông Seine” (Thẩm Hoàng Long), “Nhớ một thuở học trong bom đạn” (Nguyễn Hữu Mão)…

Đó còn là ký ức xúc động, tự hào của người cháu Nguyễn Kim Thu khi nhớ về cậu mình - liệt sĩ, Thiếu úy phi công Nguyễn Văn Phi trong “Cánh én bạc số 4”: “Cánh én bạc ngừng bay. Thiếu úy phi công Nguyễn Văn Phi hóa thân vào mây khói ở tuổi 25.

Độ tuổi đẹp nhất trong đời và cuộc tình đơm bông từ thuở học trò mãi mãi sưởi ấm con tim người lính trẻ”. Bài viết “5 người mẹ của tôi” của tác giả Đào Thị Minh Vân (trích từ cuốn sách “Không thể mồ côi” do nhà thơ Đặng Vương Hưng chấp bút) cũng chạm đến trái tim độc giả khi kể về cuộc đời mình, bởi chiến tranh mà mồ côi, nhưng may mắn được lớn lên một cách kỳ diệu trong vòng tay của 5 người mẹ.

Và, thật lắng sâu khi đọc bài viết “Tình yêu thời cách mạng” của nhà sử học Dương Trung Quốc, viết về nhà báo Nguyễn Hữu Đang. Bài viết này trước đó đã công bố trên một số tờ báo, song khi đọc lại vẫn cuốn hút, bâng khuâng: “Viết lại câu chuyện tình của Nguyễn Hữu Đang tôi không chỉ có ý định nhân đây ôn lại một vài sự kiện lịch sử thời cách mạng huy hoàng mà Nguyễn Hữu Đang là một “người trong cuộc”, mà còn muốn gợi lại cho người đọc hôm nay, nhất là các bạn trẻ, biết đến một thế hệ đã sống, đã yêu, đã lãng mạn và đã cống hiến một cách sôi nổi tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp chung, đôi khi phải chấp nhận cả những mất mát không chỉ với tình yêu, mà còn cả sự nghiệp...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.