Tham dự lễ kỷ niệm và lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam và đoàn đại biểu cấp cao các tỉnh Xaisomboun, Xayabury, Xiangkhouang, Houaphanh, Louangphabang, Oudomxay, Bokeo nước bạn Lào.
Phía tỉnh Sơn La có đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La cùng các đại biểu và đông đảo nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu.
Các đại biểu dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn - Phôm Vi Hản. |
Xã Phiêng Khoài thuộc vùng cao của huyện Yên Châu có đường biên giới dài 21 km giáp với tỉnh Houaphanh. Với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 9 ha, gồm 29 bản trong đó có 6 bản giáp biên giới và có hơn 9 nghìn nhân khẩu thuộc dân tộc Kinh, Thái, Mông và Xinh Mun.
Cách đây hơn 70 năm về trước, tại đây cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Ban xung phong Lào - Bắc đã hoạt động cách mạng dưới sự giúp đỡ, cưu mang của gia đình cụ Tráng Lao Khô và nhân dân bản Phiêng Sa trong thời gian từ năm 1948 -1951.
Các đại biểu tới dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022); 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào... |
Bản Phiêng Sa là bản có 100% người Mông sinh sống, thuộc xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Đến năm 1962, bản Phiêng Sa được đổi tên là bản Lao Khô để ghi nhớ công lao của cụ Tráng Lao Khô với cách mạng.
Với giá trị quốc tế, lịch sử nổi bật của cách mạng hai nước Việt Nam-Lào, ngày 3/4/2012, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào tại bản Lao Khô đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Sau đó, UBND tỉnh Sơn La tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào trên diện tích gần 50 ha.
Khu di tích được tôn tạo bao gồm các hạng mục chính: Đài hoa hữu nghị - Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam-Lào; Nhà lưu niệm về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào; Các hạng mục phụ trợ gồm Nhà tiếp đón, sân lễ hội và giáo dục truyền thống; Khu nền nhà cũ của gia đình ông Tráng Lao Khô và các lán trại của Ban xung phong Lào Bắc thời kỳ 1948 - 1951.
Tại lễ kỷ niệm, Cục Di sản-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố và chuyển trao Quyết định, Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về xếp hạng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.
Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng nghìn lượt khách tới tham quan và tìm hiểu, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.
Các đại biểu trồng cây lưu niệm tại di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào. |
Khu di tích cũng là nơi giới thiệu, tôn vinh những giá trị lịch sử to lớn, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, khẳng định tinh thần quốc tế cao cả và sự hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Lào, thể hiện tình đoàn kết bền vững giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Nhân dịp này, các đại biểu đã dâng hoa tại Đài hoa hữu nghị, dâng hương Chủ tịch Hồ chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane; thăm quan Nhà lưu niệm về tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào; trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.