Đáng tiếc, những lý giải này chưa thực sự thuyết phục.
Trước đó, tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, việc xác định giá nước sạch tạm tính tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3 dựa trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất, khấu hao, vay lãi, quản lý doanh nghiệp, bán hàng, thất thoát, lợi nhuận định mức tối thiểu…
Đây là mức giá tạm tính tối đa, mức giá cụ thể phải chờ khi nhà máy đi vào hoạt động chính thức. Mức 10.246 đồng/m3 là mức giá tạm tính để ký kết thỏa thuận, không phải là giá bán đến người tiêu dùng, cũng không phải là giá bán lẻ - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định.
Việc giá nước của nhà máy cao hơn giá nước của Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà là do nhiều yếu tố: Nhà máy nước mặt sông Đà hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, trong khi giá đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống là gần 5.000 tỷ đồng. Chi phí lãi vay cũng ảnh hưởng khi nhà đầu tư nước mặt sông Đuống hiện vay 80%, tương đương gần 4.000 tỷ đồng... Theo báo cáo của công ty, riêng phần chi phí lãi vay là khoảng 20%, tương đương khoảng hơn 2.003 đồng trong số tạm tính 10.246 đồng...
Sẽ không có gì đáng nói nếu như mọi việc diễn ra theo đúng như phát biểu của Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội: Trách nhiệm của Sở là phải thẩm định giá, làm sao tính đúng, tính đủ, đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và của Nhà nước. Do vậy, khi xác định giá thành của bất cứ một sản phẩm nào, của đơn vị nào đều phải có căn cứ để thuyết phục và khi trình lên thành phố, nếu không có căn cứ thì cũng không được phê duyệt.
Vậy nhưng trên thực tế, mọi việc lại không “thuận” theo nguyên tắc này. Theo bình luận của một chuyên gia thì việc TP Hà Nội đề xuất mua nước của Nhà máy nước mặt sạch sông Đuống với giá cao đang đặt ra rất nhiều vấn đề về tính công khai, minh bạch.
Bởi vậy, cần thiết phải trả lời các câu hỏi: Có ưu ái gì ở đây không (mức giá bán đã được ấn định trước khi xây dựng nhà máy, lượng khách hàng...)? Căn cứ nào để đưa ra mức giá tạm tính đã lên tới trên 10.000 đồng/m3 và lộ trình tăng giá thêm tối đa 7% mỗi năm? Cùng là tư nhân nhưng vì sao giá nước của Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà chỉ ở mức trên 7.000 đồng/m3 đã có lãi nhưng của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống lại cao hơn?
Có phải vì sạch hơn (dựa trên căn cứ nào để khẳng định là sạch hơn) nên giá bán cao hơn? Vì sao người tiêu dùng lại phải “gánh” khoản lãi mà họ không hề vay? Đặc biệt là việc nhà máy đã được nghiệm thu hay chưa cần được làm rõ, bởi tại thời điểm cuối tháng 10/2019, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khẳng định chưa hoàn tất quá trình nghiệm thu nhưng đã cung cấp nước cho người dân.
Những câu hỏi này phải trả lời một cách rõ ràng, minh bạch và phải thuyết phục chứ không thể chung chung.