“Hạn” Sông Đà, “vận” Sông Đuống

Từ 9h15 ngày 15/10, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà đã dừng cấp nước cho các công ty phân phối nước sạch tại Hà Nội. Hàng chục nghìn hộ dân đã thiếu nước. Tuy nhiên, thực tế đang có hiện tượng Nhà máy nước mặt Sông Đuống hiện chỉ khai thác được 1/3 công suất do Hà Nội... không mua hết.

Toàn cảnh Nhà máy nước mặt Sông Đuống
Toàn cảnh Nhà máy nước mặt Sông Đuống

Để bù lại sự thiếu hụt khoảng 40.000m3 nước sạch hao hụt do nhà máy Sông Đà ngừng cấp nước, theo đại diện Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, công ty sẽ điều tiết bằng cách huy động tối đa công suất các nhà máy sản xuất nước sạch Dương Nội, nhà máy nước 2A Nguyễn Trãi (Hà Đông), nhà máy ở 749 Quang Trung. Và đặc biệt là mua tối đa nguồn từ nhà máy nước mặt Sông Đuống mới đi vào hoạt động.

Hôm trước, trong một buổi trao đổi riêng với KH&ĐS, bà Đỗ Thị Kim Liên -  Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt sông Đuống – cho biết, hiện mỗi ngày Hà Nội mới mua được lượng nước tương đương khoảng 1/3 công suất của Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Và là mua “chập chờn”, chứ không đều đặn.

Lý do, theo bà Liên, hiện Hà Nội chưa có giá mua nước chính thức của Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Đồng thời, giá nước mà nhà máy bán cho các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch thuộc Hà Nội vẫn đang là giá tạm tính. Các doanh nghiệp này mua nước Sông Đuống “chập chờn” vì lo ngại chưa có giá nước bán sỉ chính thức.

Trước đó, trong một văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài chính thành phố cho biết giá nước tạm tính cho dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống là khoảng 10.246đ/m3. Cần lưu ý, đây không phải giá nước Nhà máy đang bán sỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch trực thuộc thành phố.

Hiện, chưa có thông tin về việc hệ thống cấp nước mạch Sông Đà và mạch Sông Đuống đã đấu nối với nhau. Trên thực địa, hệ thống cấp nước của hai doanh nghiệp này cũng tách rời nhau, do cấp cho hai khu vực khác nhau của Hà Nội. Thông báo của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cũng không cho biết việc “mua tối đa nguồn từ nhà máy nước mặt Sông Đuống” là mua qua hệ thống ống cấp nước, hay mua bằng xe vận chuyển.

Trường hợp mua qua xe vận chuyển, với năng lực và số lượng xe chờ nước sạch của Hà Nội hiện nay, việc mua này là không khả thi. Do chi phí mua, vận chuyển quá cao, và cũng không giải quyết được nhu cầu tại các khu vực đang “khát nước”.   

Nhà máy nước mặt Sông Đuống vừa được khánh thành có công suất 300.000m3/ngày. Hiện, như bà Liên cho biết, Hà Nội mới mua được sản lượng nước tương đương 1/3 công suất mỗi ngày của nhà máy Sông Đuống. Như vậy, có thể thấy, nếu Hà Nội đấu nối liên thông được hệ thống cấp nước sạch, thì công suất cấp của Nhà máy nước mặt Sông Đuống thừa khả năng đáp ứng lượng thiếu hụt nước sạch do Sông Đà ngừng cấp (40.000m3/ngày).

Nói cách khác, vấn đề giảm thiểu rủi ro cấp nước sạch cho người dân thủ đô, do đó, là phụ thuộc sự nhanh hay chậm của các đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội. Tất cả chỉ chờ Hội đồng nhân dân có chỉ đạo đối với UBND thành phố.

Nói “hạn” Sông Đà là “vận” của Sông Đuống là vì lý do đó.

Theo Khoa học & đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ