Nhà máy nước mặt sông Đuống: Chưa đủ điều kiện nghiệm thu vẫn đưa vào khai thác

GD&TĐ - Trước khi nhà máy nước mặt sông Đuống tổ chức lễ khánh thành giai đoạn I, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã đề nghị UBND TP Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình này do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.

Toàn cảnh nhà máy nước mặt sông Đuống tại huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Toàn cảnh nhà máy nước mặt sông Đuống tại huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Khuyến nghị của Cục Giám định

Khi người dân Thủ đô đang lo lắng về nguồn nước sinh hoạt của Nhà máy nước sạch sông Đà bị ô nhiễm thì thật may mắn Nhà máy nước mặt sông Đuống đã khánh thành giai đoạn I và đưa vào sử dụng. Điều này đã giúp các công ty kinh doanh nước sạch của Hà Nội có nguồn giải nguy cho người dân trong lúc nhà máy nước sạch sông Đà gặp sự cố.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, trước khi lễ khánh thành giai đoạn 1 của Nhà máy nước mặt sông Đuống diễn ra ngày 5/9/2019 thì ngày 30/8/2019, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) của Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cân nhắc việc tổ chức khánh thành nhà máy nước mặt sông Đuống – giai đoạn 1, do công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.

Tại văn bản này, Cục Giám định cho biết, công trình nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1) đã được đơn vị tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại Văn bản số 832/GĐ-GĐ3, 833/GĐ-GĐ3 ngày 24/7/2018, Văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21/12/2018 và Văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18/6/2019. Cho đến nay, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung.

Công trình còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống; Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế.

Xe container sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm) vào tháng 6/2019. Ảnh: Dân Việt

Xe container sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm) vào tháng 6/2019. Ảnh: Dân Việt

"Vì vậy, căn cứ theo quy định tại điều 31, 32, Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng” - văn bản nêu.

Đề nghị của Cục Giám định là vậy, thế nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống vào ngày 5/9/2019. Tại buổi lễ này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đến tham dự và trao Bằng công nhận Công trình chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/101/2019) cho Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1.

Sau khi nguồn nước sinh hoạt của nhà máy nước sông Đà bị nhiễm bẩn, nhiều người dân sinh sống tại các khu đô thị, khu dân cư của TP Hà Nội đang sử dụng nguồn nước của nhà máy này tỏ ra lo lắng và mong muốn được chuyển sang sử dụng sước sạch của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống.

Đồng tình với mong muốn này của người dân Thủ đô, chiều 16/10, Công ty Cổ phần Viwaco – đơn vị kinh doanh nước sạch sông Đà đã đấu nối đường nước sông Đuống để phục vụ một số khu vực, gồm: các xã của huyện Thanh Trì và một số phường thuộc quận Hoàng Mai và Thanh Xuân.

Giá tạm tính của nhà máy nước sông Đuống cao gần gấp đôi sông Đà

Trước đó, trong buổi làm việc hồi tháng 6/2019 giữa Báo GD&TĐ và Công ty CP nước mặt sông Đuống, đại diện công ty cho biết: “Hà Nội đang mua nước của nhà máy với mức giá bán tạm tính là 10.264 đồng/m3”.

Nói về mức giá bán tạm tính này, đại diện công ty giải thích: “Do số tiền đầu tư Dự án lớn và đây chỉ là giá tạm tính để vay vốn ngân hàng vì nếu không có giá tạm tính thì ngân hàng sẽ không cho vay tiền, giá này cũng chưa phải là giá sau cùng”.

Cũng theo vị đại diện công ty, nhà máy đã làm được hơn 80km đường ống dẫn nước với đầy đủ các loại công nghệ, sử dụng ống dẫn nước của nhiều nước để dẫn nước từ nhà máy xuống các quận huyện như Thường Tín, Hà Đông… Do đó, giá nước bắt buộc phải cao, nếu như thấp hơn giá tạm tính thì không thể làm được.

“Để sản xuất ra một mét khối nước tại chỗ, giá thành chỉ hơn 1.000 đồng. Nhưng số tiền bỏ ra để xây dựng tuyến đường ống dẫn nước cung cấp cho nhân dân sử dụng tốn kém hơn nhiều” – đại diện công ty chia sẻ.

Được biết, cùng là đơn vị cung cấp nước sạch cho Thủ đô, nhưng giá bán nước hiện tại của Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho các đơn vị như Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty CP Viwaco, Thanh Hà và Hà Đông chỉ với giá 5.069,76 đồng/m3, chỉ bằng một nửa giá bán của Công ty CP nước mặt sông Đuống.

Như vậy, nếu như các đơn vị đang kinh doanh nước của nhà máy nước sạch sông Đà quay sang lấy nước sạch của nhà máy nước mặt sông Đuống thì liệu rằng giá nước sẽ như thế nào? Người dân có được hưởng mức giá như hiện tại hay không?

Trước thông tin một số đơn vị kinh doanh nước của Hà Nội đang có hướng quay sang lấy nước của nhà máy nước mặt sông Đuống để cung cấp cho người dân trong thời gian tới. Báo GD&TĐ đã liên hệ với Sở Tài chính Hà Nội và Công ty CP nước mặt sông Đuống để tìm hiểu về giá tiền nếu đơn vị này bán nước cho người dân sẽ là bao nhiêu? Có giống với mức giá tạm tính như đã nói ở trên hay không. Tuy nhiên, Báo GD&TĐ chưa nhận được câu trả lời từ phía 2 cơ quan, đơn vị này.

Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống, được khởi công ngày 9/3/2017, với mức đầu tư khoảng 5000 tỷ đồng. Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 61,5ha tại các xã Phù Đổng, Trung Mầu (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), do Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.