Theo đó, nguyên nhân đầu tiên là do việc khảo sát, thiết kế các dự án lát đá chưa đầy đủ thông tin về số lượng, vị trí công trình ngầm, các khớp nối hạ tầng kỹ thuật, số liệu địa chất, hiện trạng sử dụng vỉa hè.
Hồ sơ nhiều công trình chưa có thiết kế chi tiết giải pháp xử lý tại các khớp nối hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm, tủ điện, chân cột đèn, gốc cây. Việc thuyết minh thiết kế trong hồ sơ chưa nêu rõ tiêu chí để lựa chọn kích thước viên đá tùy theo đặc điểm, yêu cầu sử dụng của từng tuyến phố nên tại một số dự án, tỷ lệ kích thước đá lát chưa phù hợp.
Thứ hai là do công tác khảo sát, đánh giá nguồn cung cấp vật liệu đá tự nhiên tại một số dự án chưa đầy đủ để có cơ sở lựa chọn chủng loại yêu cầu kỹ thuật phù hợp, bảo đảm các tiêu chí theo thiết kế.
Việc kiểm soát, nghiệm thu vật liệu đá lát tại một số công trình chưa bảo đảm quy định, một số viên không đủ khả năng chịu lực uốn, chịu mài mòn theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bên cạnh đó, một số mẫu đá có thớ đá phân tách tự nhiên, không nhìn thấy được bằng mắt thường, chỉ khi đưa vào máy uốn mới phát hiện.
Thứ ba là quy trình, kỹ thuật thi công các lớp kết cấu vỉa hè tại một số dự án chưa đúng; không có giải pháp kết nối xử lý một số đường ống thoát nước của cơ quan, hộ dân xung quanh.
Việc giám sát chưa thường xuyên nên những vướng mắc phát sinh chưa được giải quyết. Một số tuyến phố đã đầu tư lát đá vỉa hè nhưng chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, trong quá trình sử dụng, đơn vị hạ ngầm thoát nước, điện lực, viễn thông khi hoàn trả không đảm bảo kỹ thuật, dẫn tới vỉa hè hư hại, xuống cấp.
Ngoài những nguyên nhân trên, Sở Xây dựng cũng cho rằng, quá trình duy tu bảo dưỡng sau đầu tư một số vỉa hè không tốt, có nơi sử dụng không đúng công năng.
Kết cấu hè phố được thiết kế chỉ áp dụng cho người đi bộ, xe thô sơ, nhưng thực tế lại thành nơi dừng đỗ của ô tô hoặc làm vị trí lên xuống của nhiều phương tiện tải trọng lớn. Vào giờ cao điểm, xe cơ giới di chuyển trên vỉa hè một số tuyến phố; nhiều điểm bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến độ bền của vật liệu...
Để giải quyết vấn đề này, Sở Xây dựng đề xuất thành phố quản lý chặt ngay từ khâu lập hồ sơ thiết kế, kiểm soát nguồn gốc các loại đá lát. Các quận, huyện chỉ lát hè phố bằng đá tự nhiên khi đáp ứng yêu cầu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cáp điện, thông tin liên lạc, chỉnh trang mặt tiền.
Cần nhắc lại rằng, từ cuối năm 2016, nhiều quận đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, dự kiến có thể sử dụng tới 50 - 70 năm. Tuy nhiên chỉ sau vài tháng, đá lát đã bong tróc, gãy nát nên thành phố đã chỉ đạo dừng dự án chuẩn bị đầu tư để rà soát, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan...
Ban Đô thị HĐND thành phố cũng đã kiến nghị và thành phố đã ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về lát đá vỉa hè, đồng thời trong năm 2023 cần đánh giá hiệu quả của chủ trương cũng như chất lượng, từ đó xem xét hiệu quả đến đâu, chất lượng thế nào, có tiếp tục thực hiện lát đá vỉa hè nữa hay không? Nếu cứ làm vài năm lại vỡ nát, chỉnh sửa sẽ rất tốn kém, lãng phí...
Việc chỉnh trang đô thị trong đó có việc lát vỉa hè là cần thiết. Tuy nhiên, tuyến phố nào lát bằng vật liệu gì cần có đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng để đạt hiệu quả chứ không thể làm ồ ạt, theo phong trào, vì thành tích.