Chuyện lát vỉa hè ở Hà Nội: Đá vĩnh cửu chết yểu vì lỗ hổng quản lý

GD&TĐ - Nhiều vỉa hè của Hà Nội lát bằng đá tự nhiên được cho là có “tuổi thọ” lên tới 70 năm. Tuy nhiên, sau vài năm đưa vào sử dụng đã có những chỗ bị nứt, vỡ.

Đơn vị thi công lát đá vỉa hè trên tuyến phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy).
Đơn vị thi công lát đá vỉa hè trên tuyến phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy).

Một số chuyên gia cho rằng, đá tuy bền nhưng có lỗ hổng quản lý mới dẫn đến chết yểu. 

Lỗ hổng… vỉa hè

Thời gian qua, nhiều tuyến đường được chỉnh trang, lát đá vĩnh cửu như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Ngã Tư Sở, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Duy Hưng… Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng chưa lâu, nhiều đoạn đá đã bị bong tróc, lún nứt.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, lún nứt đá vỉa hè do nhiều nguyên nhân và cần phải đồng bộ những vấn đề liên quan đến vỉa hè. Trước tiên, cần xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư (CĐT) và cơ quan quản lý.

CĐT là các doanh nghiệp. Quản lý là Sở Xây dựng đầu mối để phân cho các quận, đơn vị. Vì vậy, cần phải có giám sát thường xuyên hơn chứ không thể khoán chung chung như hiện nay.

Theo ông Nghiêm, CĐT cần nâng cao nghiệm thu tiếp nhận chất lượng sản phẩm. “Đá lát vỉa hè được cho là bền vững, thậm chí tuổi thọ lên đến 70 năm. Nhưng thực ra chất lượng đá có bảo đảm hay không thì phải kiểm tra. Bên cạnh đó, mỗi vỉa hè có cấu trúc khác nhau. Cây cổ thụ với rễ cọc - trùm, nơi có hệ thống hạ tầng kỹ thuật vừa đào bới xong.

Đặc biệt, đường ống thoát nước từ các hộ gia đình phân tán rất nhiều. Vật liệu bê tông lót nền không thể chỉ có một phương án duy nhất. Cần căn cứ vào điều kiện cụ thể để lựa chọn vật liệu mới đảm bảo bền vững được…”.

TS. KTS Nghiêm chỉ ra những tồn tại khi thi công lát đá vỉa vè: “Thợ thi công làm đến khi nghiệm thu mới có người giám sát. Không có giám sát khi đang thi công. Người dân còn đứng ngoài cuộc thì đơn vị thi công làm gì cũng được. Vì vậy, phải có Ban công tác mặt trận giám sát. Dân phải cử người giám sát thường xuyên. Đặc biệt, cơ quan chức năng giám sát từ khâu lựa chọn đá đến thi công lát vỉa hè…”.

Trước đó, liên quan đến những tồn tại hạn chế khi thi công, lát đá vỉa hè ở Hà Nội, ngày 9/12, Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết đơn vị này vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện về việc đôn đốc công tác thi công lát hè bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Theo ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay dự án lát hè do UBND các quận làm chủ đầu tư (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa, Tây Hồ...). Qua kiểm tra, đánh giá cơ bản các CĐT, các đơn vị tham gia xây dựng tuân thủ theo thiết kế được duyệt và các quy định về quản lý chất lượng công trình, vệ sinh môi trường.

Để tăng cường chất lượng sử dụng lát hè và nâng cao tuổi thọ công trình, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận, huyện tổ chức rà soát và lựa chọn chủng loại vật tư, vật liệu lát hè phù hợp cho từng tuyến phố. Nghiên cứu lựa chọn sử dụng nhóm đá có độ bền, độ uốn cao hoặc tăng chiều dày tấm lát đá. Quản lý chất lượng ngay từ khâu lập hồ sơ mời thầu, nguồn gốc xuất xứ các loại đá.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị tại buổi làm việc với Sở Xây dựng.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị tại buổi làm việc với Sở Xây dựng.

Không cấp phép ô tô đỗ trên vỉa hè

Mới đây, tại Hội nghị Thường trực Thành ủy, Bí thư Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý về một số vấn đề còn bất cập, tồn tại liên quan đến lát đá vỉa hè. Ông yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra việc lát đá vỉa hè, cẩn trọng từ khâu chọn đá và phải làm đồng bộ.

Ông Huệ cho rằng, thành phố ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, có đóng góp của Sở Xây dựng trong công tác quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại liên quan đến hạ ngầm kết hợp chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị, lát đá vỉa hè…

Trước ý kiến đá vỉa hè của Hà Nội vỡ sau thời gian ngắn sử dụng, ông Huệ cho biết, cùng làm đúng quy trình, thiết kế mẫu của Sở Xây dựng Hà Nội, nhưng có quận làm tốt, có quận chưa. Đơn cử như dự án lát đá chỉnh trang Hồ Gươm của quận Hoàn Kiếm, các dự án lát đá vỉa hè của quận Ba Đình làm rất tốt.

Ông Huệ yêu cầu các đơn vị cẩn trọng từ khâu chọn đá, thi công đồng bộ, không làm manh mún. Sở Xây dựng phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ, quy trình lát đá hè.

Tại Hội nghị giao ban báo chí chiều 22/12, ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, việc đá lát vỉa hè có đảm bảo chất lượng hay không phải do các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá kết luận.

“Vỉa hè không phải làm để cho đỗ ô tô. Vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ. Ở nước ngoài, thậm chí vỉa hè còn được sử dụng cho người đi xe đạp, đi bộ. Chúng là khoảng cách giữa các nhà dân và đường. Nếu làm để đỗ ô tô, cho ô tô đi trên vỉa hè thì đá nào cũng vỡ…” - ông Học nói.

Ông Học cũng cho biết, các cơ quan chức năng như lực lượng công an, thanh tra giao thông, ngành vận tải phải chú ý vấn đề này. “Trong buổi họp tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ có ý kiến với các đơn vị chức năng. Mặc dù Hà Nội đường chật chội nhưng nếu cấp phép để ô tô đỗ trên vỉa hè là không đúng...”, ông Học bày tỏ.

Ông Học cho rằng nếu sử dụng đúng công năng của vỉa hè thì sẽ bền và đẹp. “Về ý kiến chất lượng đá không đáp ứng tốt thì tôi không bình luận, cũng không khẳng định đá có được 70 năm hay không vì tôi không có chuyên môn” - ông Học thông tin.

Tuy nhiên, ông Học nhấn mạnh chất lượng đá là một vấn đề. Còn vấn đề chính hiện nay là phải trả lại đúng chức năng sử dụng vỉa hè. Ông Học cũng nhận định từ nay đến cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán 2021 thì vấn đề giao thông sẽ còn nhiều áp lực. Vì vậy, ông Học đề nghị cần trả lại vỉa hè cho người đi bộ, tránh như tình trạng hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ