Hà Nội: Chủ đầu tư nói gì về ồn ào lát đá vỉa hè 'vĩnh cửu'?

GD&TĐ - Ngoài việc bị gây đảo lộn cuộc sống, người dân Hà Nội đặc biệt quan tâm đến chất lượng các dự án lát 'đá vĩnh cửu' cho vỉa hè.

Vỉa hè phố Nguyễn Chí Thanh đang được 'thay áo' mới.
Vỉa hè phố Nguyễn Chí Thanh đang được 'thay áo' mới.

Thực tế cho thấy công trình được cho là “vĩnh cửu” đã nhanh chóng xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn, gây tốn kém cho nguồn vốn đầu tư của thành phố.

Đá tự nhiên vỡ nát

Ghi nhận của GD&TĐ những ngày này cho thấy, tại vỉa hè tuyến phố Giảng Võ, Láng Hạ (quận Ba Đình), Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa)... vật liệu xây dựng ngổn ngang. Nhiều hộ dân buôn bán ở đây phàn nàn việc lát đá diễn ra kéo dài gây bụi bẩn, tiếng ồn.

Làm việc với GD&TĐ về vấn đề này, ông Vũ Phi Hùng - Phó Trưởng ban Quản lý dự án quận Ba Đình (Hà Nội) thừa nhận dù không có đơn thư của người dân nhưng thi công bụi bẩn là có.

Những ngày qua, quận Ba Đình thi công dự án hè đường Giảng Võ, Láng Hạ dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2022. Trước đó (tháng 6/2022) quận Ba Đình triển khai thi công cải tạo hè phố Đào Tấn và hè đường Bưởi.

Theo ông Vũ Phi Hùng, mẫu đá thi công ở các dự án trên là đá tự nhiên và được nhập từ tỉnh Bình Định. Tuyến phố lát đá tự nhiên trên địa bàn quận Ba Đình có kích cỡ 15cm x 20cm x 4cm.

Trước ý kiến đá vỉa hè tự nhiên lát xong vẫn dễ bị vỡ nát, đại diện Ban Quản lý dự án quận Ba Đình cho rằng các đơn vị thi công thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế thi công. Tuy nhiên, vỡ nát có thể do khi dán đá lên bê tông, chưa có thời gian bám dính thì ô tô đã đi vào luôn, xảy ra việc bị hỏng kết cấu...

“Sau thi công nếu còn thừa vật liệu, chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công chuyển đi hoàn trả mặt bằng để người dân đi lại thuận tiện. Đơn vị thi công bảo hành một năm kể từ ngày nghiệm thu. Hết một năm bảo hành sẽ có chương trình trùng tu. Nếu còn bảo hành thì quận yêu cầu đơn vị trùng tu tiếp tục bảo hành.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các lỗi viên gạch bong, bật hoặc có phản ánh người dân sẽ đưa vào xử lý bổ sung. Chúng tôi cam kết không để tình trạng xuống cấp mới làm ảnh hưởng đến người dân...”, ông Vũ Phi Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý dự án quận Ba Đình nói.

Ban Quản lý dự án quận Ba Đình khẳng định việc triển khai cải tạo, lát đá vỉa hè với 3 dự án hè (Giảng Võ - Láng Hạ, Đào Tấn, Bưởi) đúng quy trình đầu tư. Khẳng định đúng, nhưng chủ đầu tư không cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan dự án cho phóng viên.

Vỉa hè phố Đào Tấn (quận Ba Đình) sau khi hoàn thành lát đá mới.

Vỉa hè phố Đào Tấn (quận Ba Đình) sau khi hoàn thành lát đá mới.

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo khắc phục

Liên quan đến lát đá vỉa hè, theo Sở Xây dựng Hà Nội, gần 5 năm qua đã tổ chức kiểm tra 52 tuyến phố lát hè sử dụng vật liệu lát bằng đá tự nhiên trên địa bàn, chủ yếu tập trung tại các quận Hoàn kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên, Cầu Giấy…

Sau khi kiểm tra các dự án, Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá về cơ bản, UBND các quận, huyện đã nghiên cứu và áp dụng thiết kế mẫu hè đường đô thị đúng với quy định của UBND thành phố.

Sở Xây dựng đã tổ chức lấy mẫu thí nghiệm kiểm tra xác suất các vị trí ngẫu nhiên tại hiện trường. Kết quả kiểm tra, thí nghiệm đối chứng cơ bản chất lượng thi công lát hè đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo hồ sơ thiết kế được duyệt và tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4732:2016 về đá ốp, đá tự nhiên.

Qua kiểm tra, Sở Xây dựng cũng đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế như: Tại một số dự án, việc thi công tại một số vị trí chưa phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1012014/BXD về xây dựng công trình bảo đảm người khuyết tật tiếp cận.

Việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu vật liệu đá đầu vào tại một số tuyến phố chưa đảm bảo theo quy định. Đặc thù thi công cải tạo, chỉnh trang phụ thuộc vào thực tế mặt bằng hiện trạng trên từng tuyến phố và thời gian thi công vào ban đêm. Tuy nhiên, giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát chưa thường xuyên liên tục, chưa kịp thời giải quyết, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công…

Liên quan đến lát đá vỉa hè, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trần Sỹ Thanh chỉ đạo Sở Xây dựng và các quận, huyện cần quan tâm hơn nữa về đầu tư và kịp thời khắc phục ngay những hạn chế.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng tham mưu UBND TP Hà Nội tới đây cần tăng cường chỉ đạo UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm túc Văn bản số 1385 (ngày 8/4/2019) của UBND thành phố về việc chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn.

Các huyện tổ chức rà soát lại thiết kế và chủng loại vật tư, vật liệu. Đồng thời, quy định cụ thể về chiều dầy đá lát; tiêu chuẩn kỹ thuật về độ bền uốn, độ hút nước, độ cứng vạch bề mặt, độ chịu mài mòn của đá lát; nghiên cứu sử dụng viên vỉa kết hợp ga thu nước... để tăng diện tích cho người đi bộ.

Ngoài ra, đảm bảo thiết kế cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo quy chuẩn; tăng cường chất lượng sử dụng đá lát, nâng cao tuổi thọ công trình, UBND các quận hiện đang sử dụng nhóm đá có độ bền uốn thấp cần nghiên cứu thiết kế tăng chiều dày viên đá so với thiết kế mẫu.

Tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ các loại đá lát trước khi đưa vào sử dụng cho công trình. Các quận, huyện triển khai lát hè khi đáp ứng yêu cầu phải đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật như: Cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cấp điện, thông tin liên lạc, chỉnh trang mặt tiền..

Về quản lý, giám sát thi công, các quận, huyện cần chỉ đạo phòng Quản lý đô thị tăng cường trong thẩm tra, thẩm định thiết kế, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình lát hè thuộc thẩm quyền.

Thành phố Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, thường xuyên đôn đốc các nhà thầu giám sát, thi công theo đúng hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công được duyệt. Đồng thời, tổ chức nghiệm thu theo các tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu hiện hành.

Thi công phải bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường, phế thải xây dựng phải được dọn sạch ngay trong đêm sau khi kết thúc thi công, không dồn dập lát vỉa hè trong dịp sát Tết Nguyên đán hàng năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.