Sở GD&ĐT thiếu chủ động trong tuyển dụng giáo viên
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tổng kết việc thực hiện Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Trong đó, có việc chưa giao thẩm quyền bổ nhiệm người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Sở cho Giám đốc Sở GD&ĐT; do phân cấp nên chưa giao trách nhiệm cho Phòng GD&ĐT quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn...
Công tác tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhà giáo còn bất cập, gây bức xúc trong đội ngũ nhà giáo và xã hội, dẫn tới một số giáo viên không yên tâm với nghề, thậm chí bỏ việc. Chưa làm tốt công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, nên một bộ phận nhà giáo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp; dạy thêm không đúng quy định, vi phạm quy chế thi cử và lối sống đạo đức... làm ảnh hướng tới đội ngũ nhà giáo trong toàn ngành; gây bức xúc kéo dài trong dư luận xã hội;
Ở cấp tỉnh, quy định phân cấp quản lý về giáo dục và quy định chức năng nhiệm vụ của Sở GD&ĐT cụ thể, rõ ràng hơn, Sở được giao quyền chủ động hơn, song một số tỉnh vẫn khó khăn, thiếu chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên để đảm bảo quy định về định mức vị trí việc làm trong các nhà trường.
Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thì các quy định về chức năng nhiệm vụ của Phòng GD&ĐT còn nhiều bất cập; việc tuyển dụng, sử dụng, hợp đồng lao động, sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý thuộc ngành Giáo dục khối huyện đều do cơ quan Nội vụ chủ trì tham mưu với UBND cấp huyện thực hiện, Phòng GD&ĐT chỉ tham gia ở mức độ nhất định.
Do đó nhiều địa phương còn tình trạng mất cân đối tỷ lệ, cơ cấu giáo viên, thừa thiếu giáo viên, nhân viên trường học; khi tuyển dụng giáo viên không đảm bảo chất lượng; hợp đồng giáo viên, nhân viên không đúng quy định dẫn đến việc thừa giáo viên và chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt, gây bức xúc trong ngành Giáo dục và xã hội. (Ví dụ như ở Bắc Ninh năm 2015; Hà Tĩnh năm 2016, ở Đắk Lắk năm 2017 - 2018 và một số địa phương).
Phải làm rõ tính đặc thù của nghề giáo trong sử dụng viên chức
Theo bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - vì chưa có Luật Nhà giáo nên từ khi có Luật Viên chức, giáo viên được coi như viên chức và tuyển giáo viên cũng như tuyển viên chức. Chủ trương này không sai, nhưng chưa làm rõ tính đặc thù của nghề nhà giáo. Chính vì thế, nhiều nơi tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập.
“Hiện có đến gần 200 các loại văn bản liên quan đến nhà giáo, cũng đã đến lúc quá tải và rất cần thiết phải có Luật Nhà giáo” - bà Ngô Thị Minh nêu quan điểm.
Nhấn mạnh trong sử dụng, tuyển dụng, cất nhắc, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, không thể chỉ xem xét nhà giáo như một viên chức bình thường; các chính sách và cách ứng xử với nhà giáo (kể cả bản thân nhà giáo) phải thể hiện rõ tính “đặc thù” của nghề nhà giáo, bà Ngô Thị Minh cho rằng, quá trình này, vai trò của Bộ GD&ĐT rất lớn trong việc tham mưu, đề xuất chính sách và trong nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ. Kể cả sự phối hợp của 2 ngành này trong công tác tham mưu với cấp ủy và chính quyền từ cơ sở trong công tác tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, cất nhắc.
“Cần làm tốt công tác phối hợp và làm rõ vai trò của lãnh đạo ngành các cấp, rõ vai trò tham mưu và vị thế của ngành GD-ĐT trong sự phối hợp này” - bà Ngô Thị Minh nêu quan điểm.
Khẳng định nhà giáo có ý nghĩa quyết định trong thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, cho rằng, không ai hiểu giáo viên bằng ngành Giáo dục, do đó nên nghiên cứu để mở rộng quyền trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên cho ngành Giáo dục.